Là trục giao thông chính kết nối khu trung tâm sang quận 4, 7, Nhà Bè, đường Nguyễn Tất Thành đang là một trong những tuyến quá tải nhất TP HCM. Trong 9 tháng đầu năm nay, trên tuyến xảy ra 811 vụ ùn ứ, theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải. Con số này gần bằng cả năm 2023 khi dữ liệu quan trắc cũng cho thấy đã xảy ra 978 vụ - tức bình quân mỗi ngày có hơn hai lần kẹt xe, nhiều nhất trong các điểm ùn tắc ở thành phố.
Dài khoảng hai km, đường Nguyễn Tất Thành bắt đầu từ cầu Khánh Hội, kết thúc ở cầu Tân Thuận, nằm trọn trên địa bàn quận 4. Mặt đường rộng 14 m, 4 làn xe, một bên là khu dân cư dày đặc, trường học, cơ sở kinh doanh; phía còn lại phần lớn diện tích thuộc cảng Sài Gòn. Ngoài là hướng chính kết nối quận 1 sang Nam Sài Gòn, các tuyến nhánh dẫn ra đường Nguyễn Tất Thành như Hoàng Diệu, Tôn Đản... mật độ xe cũng luôn đông đúc khiến áp lực giao thông càng thêm nghiêm trọng, đặc biệt là giờ cao điểm mỗi ngày.
Hơn 10 năm trước, tuyến đường nói trên được TP HCM quy hoạch rộng 30 m. Tuy nhiên, năm 2015 khi quy hoạch chi tiết 1/500 tiểu khu cảng quận 4, tuyến được điều chỉnh tăng chiều rộng lên 37-46 m, tuỳ đoạn, nhưng sẽ lấy tim đường hiện hữu để mở rộng qua hai bên. Để hạn chế xáo trộn các khu dân cư vốn đã ổn định, quận 4 sau đó kiến nghị mở rộng đường theo hướng giữ nguyên quy hoạch cũ về phía nhà dân. Còn phía đối diện là cảng Sài Gòn sẽ theo quy hoạch mới, tức thu hồi đất ở cảng nhiều hơn.
Chính quyền thành phố sau đó thống nhất chủ trương theo đề xuất của quận 4. Nhưng do phần diện tích phía cảng còn có dự án khác là khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội nên cần làm các thủ tục điều chỉnh ranh đất. Nhà đầu tư thực hiện dự án này cũng được đề nghị đảm nhận mở rộng đường trên phần diện tích thuộc cảng. Tuy nhiên, dự án khu phức hợp sau đó tạm dừng, dẫn đến kế hoạch nâng cấp đường cũng bị "bế tắc" vì thành phố chưa thể bố trí ngân sách.
Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải, khả năng thông hành của đường Nguyễn Tất Thành hiện đã bị vượt quá 140%, chỉ cần sự cố nhỏ cũng có thể gây ùn tắc. Trước đó, ngành giao thông thành phố đã triển khai nhiều giải pháp giảm kẹt xe cho trục đường này, bao gồm hạn chế ôtô trọng tải lớn, cấm xe dừng đậu; đóng dải phân cách không cho quay đầu ở một số vị trí các khung giờ cao điểm nhằm giảm giao cắt các hướng đi... Tuy nhiên, mật độ xe quá lớn nên những phương án trên chưa thể giải quyết hết tình trạng ùn tắc.
Cách đó khoảng 5 km, hai tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh và ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, cũng trong danh sách những điểm nóng kẹt xe ở TP HCM nhiều năm nay. Đây là cửa ngõ kết nối khu trung tâm về phía đông bắc thành phố, tập trung nhiều trường học, bến xe, mỗi ngày luôn dày đặc xe qua lại. Trong đó, cảnh ùn tắc nghiêm trọng nhất trên tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh đoạn từ nút giao Bạch Đằng tới ngã 5 Đài liệt sĩ. Trong 9 tháng đầu năm nay, đoạn này được ghi nhận xảy ra đến 615 vụ ùn ứ.
Tương tự, đường Trường Chinh ở cửa ngõ phía tây bắc thành phố cũng quá tải nghiêm trọng. Đây là trục huyết mạch kết nối các quận Tân Phú, Tân Bình vào khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và trung tâm thành phố nên mật độ xe luôn dày đặc. Trong đó, đoạn thường xuyên ùn ứ xảy ra từ đường Âu Cơ đến Tân Kỳ Tân Quý, dài gần 300 m. Chín tháng đầu năm nay, đoạn này xảy ra 569 vụ kẹt xe.
Ngoài các khu vực trên, thống kê tại TP HCM còn 20 điểm nguy cơ ùn tắc khác, đa phần ở các đường trục chính, cửa ngõ, nút giao. Trong đó, một số điểm kẹt xe đã tồn tại nhiều năm chưa có dấu hiệu chuyển biến, như: nút giao An Phú, Nguyễn Thị Định đoạn gần cảng Cát Lái (TP Thủ Đức); Dương Bá Trạc (quận 8), nút giao Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng (Bình Thạnh)...
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải, cho biết lưu lượng xe ở thành phố tăng nhanh gây áp lực rất lớn lên hạ tầng. TP HCM cũng đang trong mùa mưa, gần đây học sinh, sinh viên nhập trường trở lại khiến giao thông tại một số khu vực thêm căng thẳng. Ngoài ra, tình trạng ùn tắc còn ảnh hưởng từ các yếu tố khác như ý thức người đi đường, lấn chiếm lòng lề đường, rào chắn thi công...
Theo ông Hải, trong lúc chờ các dự án đầu tư hạ tầng lớn, ngành giao thông thành phố đang liên tục rà soát, cải tạo đường, khắc phục bất cập hiện hữu. Đồng thời, thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc quản lý, thông qua trung tâm giám sát và điều khiển giao thông thông minh. Trong đó, các đơn vị đang thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu 1.021 camera giám sát giao thông, 118 camera đo đếm lưu lượng xe chuyên dụng.
Dựa trên dữ liệu thu thập được, hệ thống sẽ tính toán tốc độ trung bình, mật độ xe, từ đó tự động đưa ra các cảnh báo. Thông qua hệ thống quan trắc và thu thập dữ liệu, các thông số như lưu lượng xe, vận tốc trung bình... cũng được phân tích và đưa ra phương án điều khiển đèn tín hiệu giao thông tại 216 nút giao trọng điểm khu vực trung tâm thành phố, tương ứng với từng thời điểm và tình hình giao thông theo thời gian thực trong ngày.
"Ngoài ra, ngành giao thông thành phố đang thực hiện các giải pháp cung cấp thông tin giao thông qua hệ thống website, ứng dụng và 73 bảng điện tử để người dân chọn lộ trình phù hợp tránh dồn đến khu vực kẹt xe", ông Hải cho biết.
Riêng một số điểm ùn tắc, Sở Giao thông Vận tải trước đó đề xuất thành phố ưu tiên đầu tư nhiều dự án lớn giai đoạn từ nay tới năm 2030, như mở rộng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh... Ở khu Nam, dự án cầu - đường Nguyễn Khoái chuẩn bị được triển khai được kỳ vọng giảm áp lực giao thông cho tuyến Nguyễn Tất Thành.
TP HCM đang quản lý hơn 9,4 triệu phương tiện, gồm hơn 8,4 triệu xe máy, gần một triệu ôtô. So với 15 năm trước, số lượng xe thành phố quản lý tăng hơn 5 triệu, chưa tính xe vãng lai từ nơi khác. Tỷ lệ ôtô cá nhân đăng ký mới trên địa bàn cũng đang có xu hướng nhiều hơn trước, khi 9 tháng đầu năm nay tăng khoảng 7% so với cùng kỳ, cao hơn mức 4,5% của xe máy. Trong khi đó, mật độ đường giao thông ở thành phố hiện chỉ đạt khoảng 2,41 km mỗi km2, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn 10-13 km mỗi km2 khiến nhiều tuyến đường trở nên quá tải.
Gia Minh