BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm, Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tập trung chăm sóc triệu chứng. Bệnh có thể để lại di chứng dưới đây.
Đau đầu, đau nhức khớp
Một nghiên cứu về các triệu chứng sau khi khỏi mắc sốt xuất huyết trong vòng 3 tháng trên 247 bệnh nhi mắc bệnh tại Việt Nam đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ năm 2023, cho thấy triệu chứng phổ biến nhất gồm thường xuyên mệt mỏi, đau đầu, đau nhức khớp.
Giải thích nguyên nhân, bác sĩ Cầm cho biết người bệnh sốt cao liên tục, vã mồ hôi trong 1-3 ngày đầu. Tình trạng này gây mất nước và điện giải, khiến cơ thể mệt mỏi khi không được bổ sung đủ. Sốt cao cũng khiến cho máu bị cô đặc, tăng hematocrit, làm giảm hiệu quả chuyển tải oxy đến các cơ quan trong cơ thể như não, các cơ khớp, dẫn đến đau đầu, đau nhức người dữ dội...
Sau khi khỏi sốt xuất huyết, người bệnh bị phản ứng hệ thống miễn dịch với virus, dẫn đến tình trạng viêm và tích tụ dịch trong khớp dẫn đến đau, cứng và sưng, nặng hơn ở người có bệnh nền như: tiểu đường, cao huyết áp, gan, thận, đau nhức cơ xương khớp, béo phì, gắng sức quá mức, căng thẳng và lười vận động... Tình trạng có thể kéo dài trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của người bệnh.
Rụng tóc
Cũng theo nghiên cứu trên, rụng tóc là biến chứng chiếm 9,3% trong hàng loạt các triệu chứng hậu sốt xuất huyết. Theo bác sĩ Cầm, khả năng miễn dịch suy yếu nên nang tóc, nang lông của người bệnh bị ảnh hưởng, cần thời gian để phục hồi.
Một nghiên cứu khác đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ, chỉ ra rụng tóc là một trong những hội chứng mệt mỏi sau sốt xuất huyết do chu kỳ phát triển của tóc bị rối loạn. Tình trạng trạng nhiễm trùng dai dẳng này có thể gây ra rụng tóc kéo dài mạn tính sau sốt xuất huyết.
Rối loạn giấc ngủ
Trong nghiên cứu ở 45.334 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết giai đoạn từ năm 2002 đến 2015 tại Đài Loan, đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ (2024), các nhà nghiên cứu nhận định tình trạng rối loạn giấc ngủ cao hơn trong vòng từ 3 đến 12 tháng sau khi nhiễm bệnh. Lý do, virus sốt xuất huyết tấn công hệ thần kinh người bệnh, gây ra các triệu chứng như sốt cao liên tục, đau nhức xương khớp... dễ khiến người bệnh mất ngủ. Mất ngủ sẽ kéo dài nếu đau cơ xương khớp không thuyên giảm.
Giảm cân, suy giảm hệ miễn dịch
Ngoài sốt, nhức mỏi người, sốt xuất huyết còn gây buồn nôn, nôn mửa và khó tiêu hóa, mất cảm giác thèm ăn kèm tiêu chảy. Các lý do này khiến người bệnh phải tiêu hao nhiều năng lượng hơn số lượng nạp vào, dẫn đến giảm cân, thiếu hụt khoáng chất và các vitamin.
Sau khỏi bệnh, người mắc vẫn phải chịu thêm các triệu chứng như mệt mỏi, đau nhức cơ thể, mất ngủ và mất cảm giác ngon miệng, dẫn đến chán ăn. Tình trạng mất ngủ, không cung cấp đủ chất dinh dưỡng và giảm cân trong thời gian dài là lý do khiến người bệnh mệt mỏi, thiếu khoáng chất, các vitamin... nên có thể làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể, tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khác.
Cách giảm tác động của di chứng
Theo bác sĩ Cầm, người bệnh nên bổ sung các thực phẩm dễ ăn, dễ tiêu hóa, uống đủ nước, nghỉ ngơi hợp lý, không nên làm việc gắng sức và tập luyện phù hợp để nâng cao thể trạng. Nếu di chứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, bệnh nhân cần gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, có phương pháp điều trị phù hợp.
Để phòng sốt xuất huyết, người dân áp dụng biện pháp ngủ màn, mặc quần áo dài khi trời tối, dọn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ và tránh để muỗi đốt.
Tiêm vaccine cũng là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả. Hiện Việt Nam đã có vaccine sốt xuất phòng ngừa cả 4 type huyết thanh gồm Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4, tiêm cho người từ 4 tuổi trở lên. Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau 3 tháng, không yêu cầu xét nghiệm sàng lọc sốt xuất huyết trước khi tiêm vaccine. Phụ nữ nên tiêm vaccine trước 3 tháng, tốt nhất 1 tháng trước khi mang thai. Vaccine giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hơn 80% và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện hơn 90%.
Diệu Thuần