Luôn coi mình là trung tâm
Đã bao giờ bạn nhìn thấy một đứa trẻ bới tung đĩa thức ăn để thử và chọn ra món mình thích, rồi để lại một mớ hỗn độn. Không quan tâm đến cảm xúc của người khác, gây ồn ào, lộn xộn nơi công cộng như chạy lung tung và la hét. Dù người lớn thuyết phục, nhưng đứa trẻ này không bao giờ lắng nghe và luôn tự cao tự đại.
Nếu cha mẹ không uốn nắn tính cách này kịp thời, với những đứa trẻ luôn coi trọng lợi ích bản thân như vậy, lớn lên liệu chúng có để ý tới sự tồn tại của bố mẹ?
Có một câu chuyện thế này: "Một người cha bị bệnh hiểm nghèo. Người con trai duy nhất từ thành phố về quê chăm sóc bố. Tưởng rằng sức khỏe của ông lão sẽ dần được cải thiện, nhưng ngày đầu tiên, con trai đã nói một câu đau thấu tim: ‘Con chỉ có 7 ngày nghỉ, bao gồm nghỉ lo tang lễ. Bố cứ như thế này thì con ăn nói thế nào với ông chủ’. Khi nghe lời con trai, người cha đã tự kết liễu đời mình trong tuyệt vọng".
Người vợ của ông sau này nói rằng, chính cách dạy dỗ không đến nơi đến chốn của vợ chồng bà đã khiến thảm kịch xảy ra.
Phụ thuộc quá nhiều vào cha mẹ
Phụ thuộc quá nhiều vào cha mẹ sẽ phá hủy nền tảng của một đứa trẻ, dù sau này muốn đền đáp công ơn sinh thành nuôi dưỡng cũng không có khả năng thực hiện. Trước khi một đứa trẻ trở thành tài năng, điều quan trọng nhất bố mẹ cần dạy dỗ để trẻ có thể trở thành một người độc lập. Giống như việc bố mẹ sợ con ngã khi chúng tập đi, nếu cả ngày giang tay đỡ con thì khi nào trẻ mới tự đi trên đôi chân của mình.
Không có tinh thần trách nhiệm
Chữ hiếu không thể tách rời hai chữ "trách nhiệm". Ai cũng phải già đi và sẽ có ngày cần đến sự giúp đỡ của con cháu. Người hiếu thảo luôn yêu quý, kính trọng và đồng hành với bố mẹ của họ. Người không hiếu thảo luôn trốn tránh trách nhiệm và tránh luôn mặt bố mẹ khi họ cần đến.
Cách đây không lâu, một bà cụ 80 tuổi viết thư gửi cho 4 người con trai "Cảm ơn các con đã chăm sóc mẹ, nhưng mẹ rất tiếc vì đã sinh ra các con", lời đầu của lá thư nói. Bà cụ đã nuôi dưỡng 4 người con trai và sau đó còn chăm sóc 8 đứa cháu nội. Thế nhưng sau cơn đột quỵ, không người con nào sẵn sàng chấp nhận chăm sóc bà. Cuối cùng họ đã thảo luận, thuê cho bà cụ một căn phòng và chi một số tiền nhỏ để thuê người đến chăm sóc mẹ mình. Dù làm gì, xin gì bà cũng phải nhìn thái độ của những người con để cất lời. "Khi chúng khó chịu hay tức giận, tốt nhất là không nên nói gì, bởi chúng sẽ đổ lỗi cho tôi già cả phải chăm bẵm, rồi đùn đẩy trách nhiệm cho nhau", người mẹ nói.
Về mặt pháp lý, con cái có nghĩa vụ phải phụng dưỡng cha mẹ già, về mặt đạo đức không nên vứt bỏ người già như một gánh nặng.
"Chuyện này liên quan gì tới con", "Tại sao con phải làm điều đó"; "Đó không phải là lỗi của con"... Khi trẻ nói những câu nói để trốn tránh trách nhiệm này, cha mẹ cần cảnh giác, đó có thể là biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm. Hãy sửa nó trong thời gian sớm nhất!
Không có lòng biết ơn và hay than phiền
Uông Giai Tinh là một sinh viên từng đi Nhật du học đã 5 năm, thế nhưng cậu chưa từng biết tới làm thêm là gì. Tiền học phí và sinh hoạt phí hàng tháng của cậu đều dựa vào đồng lương ít ỏi từ người mẹ già ở quê nhà. Để có tiền cho con ăn học, người mẹ ấy đã phải chạy vạy đủ đường. Thế nhưng ở vào thời điểm mọi thứ đã vượt quá năng lực chi trả của bà, chính người con mà bà yêu thương ấy đã nhẫn tâm đâm 9 nhát dao vào người mẹ ruột cất công tới tận sân bay để đón mình.
Vụ án này xảy ra ở Trung Quốc vài năm trước và là một lời cảnh tỉnh cho tất cả các bậc làm cha làm mẹ: Những đứa trẻ không có lòng biết ơn còn đáng sợ hơn cả lang sói! Do đó, một lần nữa cần phải nhấn mạnh rằng: Dạy con trẻ cách tự chịu trách nhiệm và biết ơn người khác thật sự là một điều vô cùng quan trọng!
Một nhà tâm lý học từng nói: "Nếu trẻ 3 tuổi, nếu bố mẹ không đáp ứng yêu cầu, bé sẽ lăn lộn khắp sàn nhà. Khi 15 tuổi, bé có thể tự làm hại mình, thậm chí tự tử hoặc gây gổ với bạn; Nhưng khi 20 tuổi, đứa trẻ luôn tỏ ra bực bội và thậm chí tấn công bố mẹ mình. "
Những đứa trẻ như vậy hoàn toàn phớt lờ sự đóng góp của bố mẹ, coi mọi thứ là đương nhiên, chỉ nhớ rằng bố mẹ chưa làm hài lòng và bản thân cảm thấy bực bội. Khi trẻ được thỏa mãn nhu cầu một cách mù quáng, lớn lên sẽ không có lòng biết ơn và chỉ biết oán hận.
Vì vậy, cần phải nói rằng những thứ trẻ đang hưởng thụ như từng bữa ăn, thậm chí từng loại rau đều có nhờ sự chăm chút của người khác.
Có một cậu bé 5 tuổi ở Thái Lan vì ngại đi học nên mẹ bắt nhặt phế liệu. Đứa trẻ phải làm việc trong nhiều giờ, khát nóng, đổ mồ hôi nhưng mẹ không cho nghỉ tay. Dù làm việc vất vả, nhưng số tiền bán được mỗi buổi đi nhặt phế liệu vẫn không đủ vé xe bus "Cũng chẳng mua nổi một que kem", người mẹ nói. Sau bài học này, cậu bé đã chăm chỉ học hành và không bao giờ than vãn về việc học vất vả hay bỏ phí thức ăn nữa.
"Để đứa trẻ thực sự trưởng thành, phải dạy cho chúng hiểu thế nào là hạnh phúc. Trẻ cũng cần hiểu được nỗi đau và sự mệt mỏi để rút ra bài học rằng: Muốn thành công phải vượt qua chông gai, mọi thứ chưa bao giờ là dễ dàng", người mẹ chia sẻ kinh nghiệm.
Vy Trang (Theo aboluowang)