Cô bé đã được đưa đi viện chữa trị. Ngay khi áo khoác được cởi ra, trên người cô bé lộ ra những vết sẹo, tất cả đều đang rỉ máu. Trước sự chất vấn của bác sĩ và giáo viên, cô bé rụt rè nói rằng mẹ chính là người đã gây ra những vết thương này. Cảnh sát vào cuộc, cô bé 10 tuổi được một người thân khác chăm sóc và người mẹ bị tạm giữ để điều tra.
"Hổ dữ không ăn thịt con, tai sao một người mẹ có thể đánh con tàn độc như thế?", nhiều người đặt câu hỏi sau khi vụ việc được thông tin rộng rãi. "Thực tế phương pháp dạy con tàn nhẫn như vậy chẳng có tác dụng gì khác ngoài việc để lại một bóng đen lên tâm lý của trẻ", người khác để lại bình luận.
Mấy ngày nay, tôi nghe một đồng nghiệp kể về đứa con trai của cô ấy. Cậu bé mới 3 tuổi nhưng rất nghịch ngợm, luôn làm đau đầu người lớn. Khi tôi hỏi đang dạy dỗ con thế nào, cô ấy tự hào: "Toàn quyền cho chồng. Hư thì cho ăn đòn, chắc chắn ngoan được vài ngày".Với một đứa bé 3 tuổi, thực sự chúng chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra. Cậu bé sẽ bớt nghịch ngợm không phải do hiểu rõ quy tắc của bố mẹ, mà cậu tuân theo vì sợ hãi.
Cách đây không lâu, một bà mẹ ở Thiểm Tây sau khi phát hiện con làm bài kiểm tra cẩu thả đã đánh mạnh một cái vào đầu con. Đứa trẻ sợ đến mức không dám nhúc nhích. Người mẹ cũng không quan tâm phản ứng của con và bỏ đi chuẩn bị bữa tối. Khi mẹ gọi vào ăn cơm thì phát hiện lỗ mũi của con chảy nhiều máu, đưa đến viện thì cháu bé đã hôn mê. Cái tát sau đầu đã giết chết cô con gái bé nhỏ do xuất huyết não. Người mẹ đó nhất định sẽ sống trong sự ân hận cả đời, nhưng hối hận có ích gì khi đứa con sẽ không bao giờ quay trở lại.
Trẻ em là để yêu thương chứ không phải để đánh đập. Có nhiều hơn một bi kịch như vậy.
Một người bà ở thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam đã đá liên tiếp 23 cái trong 28 giây vào cháu gái ngay trong siêu thị bởi cô bé muốn mua kẹo mút. Nhân viên siêu thị ra sức căn ngăn thì bị bà chửi rủa là "đồ tọc mạch". Chỉ khi bảo vệ đến, người bà mới bỏ đi trong sự tức giận, trong khi miệng cháu gái đầy máu.
"Đánh đập con cái là biểu hiện sự kém cỏi của người lớn", nhà tư tưởng Thụy Sĩ- Jean Jacques Rousseau từng nói như vậy. Theo ông, phương pháp giáo dục trẻ vô dụng nhất trên thế giới chính là mất bình tĩnh. "Đòn roi, mắng mỏ không phải là phương pháp giáo dục đúng nghĩa khi cha mẹ trút hết sự bực dọc, phẫn nộ tích tụ vào con cái", ông chia sẻ.
Hậu quả của việc đánh một đứa trẻ khủng khiếp hơn nhiều người nghĩ.
Khi nhắc đến chuyện đánh con, nhiều cha mẹ cho rằng, đó là một phương pháp giáo dục cần thiết và tốt cho con trẻ.
Thế nhưng trong chương trình tạp kỹ "Tình yêu vĩ đại nhất" do đài truyền hình Hồ Nam sản xuất, diễn viên nổi tiếng Trần Kiều Ân và mẹ mình luôn đối xử với nhau một cách gượng gạo. Khi đồng hành với gia đình khác, họ thỉnh thoảng mới cất lời với nhau. Còn khi chỉ có hai người, không ai nói với ai câu nào, thậm chí chưa lần nào mẹ con họ nắm tay nhau như những gia đình khác.
Phải đến khi Trần Kiều Ân kể lại những trải nghiệm thời thơ ấu, mọi người mới hiểu ra. Hóa ra cô lớn lên trong sự đánh đập, mắng mỏ của mẹ. Mẹ không vui, cô sẽ bị tát, lâu dần hình thành bản năng sợ hãi khi nhìn thấy mẹ, huống chi là mở lòng nói chuyện. Có lần, mẹ của Trần Kiều Ân đã dùng cành cây đánh con gái ngã xuống đất, người bê bết máu. Dù hết lòng van xin nhưng cũng vô ích, bà tiếp tục đánh. Từ đó cô chỉ cần nhìn thấy mẹ là toàn thân run lên bần bật.
Thật đáng buồn! Những trải nghiệm khủng khiếp đó như những chiếc gai đâm vào tim con trẻ và những ký ức sẽ rỉ máu một khi được khơi gợi lại.
Bác sĩ nhi khoa người Mỹ Nadine Burke Harris đã đưa ra trong "Hiệu ứng giếng sâu": Những trải nghiệm tồi tệ của trẻ trong thời thơ ấu có thể ảnh hưởng vĩnh viễn đến sức khỏe của chúng. Những trải nghiệm tồi tệ này bao gồm: lạm dụng thể chất, bạo lực bằng lời nói, bị bỏ rơi nhiều lần, kiểm soát cảm xúc, v.v. Theo số điểm tương ứng, những người có trải nghiệm tuổi thơ tồi tệ từ 4 điểm trở lên có nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư cao gấp đôi; xác suất mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cao gấp 3,5 lần so với người bình thường.
Nghiên cứu của Đại học Stanford gần đây cũng cho thấy rằng những đứa trẻ trải qua thời thơ ấu tồi tệ, phần học tập và ghi nhớ trong đại não sẽ bị thu hẹp lại. "Càng đánh càng ngu" không phải là một câu nói đùa, mà là sự thật đã được khoa học kiểm chứng. Tôi thấy một đứa trẻ mô tả các hoạt động tinh thần của mình sau khi bị bố mẹ đánh đập: "Cho dù nói, giữ im lặng, ngồi, đứng hay đi và cho dù làm mọi việc hoàn hảo đến đâu, tôi vẫn sẽ bị xúc phạm nặng nề, đe dọa tàn nhẫn, chèn ép, cắn hoặc buộc quỳ gối. Những hành vi này khiến tôi cảm thấy như mình đang sống trong địa ngục".
Vì vậy, các bậc cha mẹ hãy chấm dứt hành vi bạo hành con cái. Ngay cả khi có được sự "ngoan ngoãn" và "hợp lý" mà người lớn muốn, điều đó cũng phải trả giá bằng việc làm tổn thương tâm hồn non nớt và hủy hoại sức khỏe của trẻ. Chỉ có trẻ mới hiểu về những tổn thương phải chịu trong thời thơ ấu.
Đừng vội vàng trừng phạt khi trẻ mắc lỗi
Nhà giáo dục người Séc Comenius từng nói: "Những đứa trẻ mắc lỗi nên bị phạt, nhưng chúng bị phạt không phải do mắc lỗi, mà vì muốn chúng không mắc sai lầm tương tự trong tương lai". Bản chất giáo dục đòn roi là dùng uy quyền thay vì tình cảm để trẻ "chấp nhận trừng phạt" mà không giải quyết tận gốc bản chất của vấn đề. Vì vậy, điều quan trọng nhất là để trẻ nhận ra mình đã sai, không tái phạm trong tương lai chứ không phải la hét, dùng nhục hình để xử lý.
Trong bộ phim tài liệu "Little Man Country", cách đối xử của cô giáo với một đứa trẻ nghịch ngợm có thể sẽ hữu ích cho các bậc cha mẹ. Cậu bé trong bộ phim có tên Trì Dịch Dương, luôn quậy phá mọi lúc mọi nơi, bắt nạt bạn bè trong lớp và hay nói dối. Cậu được bố mẹ đặt cho biệt danh "thằng bé bất trị". Giáo viên chủ nhiệm của Trì trước mọi trò nghịch ngợm của học trò đều không không mắng mỏ, chỉ phạt đứng góc tường. Cô cũng nhẹ nhàng nhắc nhở vì sao cậu mắc lỗi và khuyên cách khắc phục. Ban đầu cách làm này của giáo viên chẳng có tác dụng gì với Trì. Cậu ta cũng chẳng quan tâm phải đứng góc lớp bao lâu, bắt đứng thì đứng với dáng vẻ dửng dưng. Thế nhưng mọi việc thay đổi khi những đứa trẻ trong lớp mâu thuẫn nhau, và chính Trì đã dùng những lý lẽ nghe được từ cô giáo để lập lại hòa bình giữa các bạn. Vị giáo viên đã mừng rơi nước mắt khi biết cách làm của cô đã thành công và chuyển hóa được con người ngỗ nghịch.
Cũng tại bộ phim này, một cậu bé khác thường xuyên bị bố mẹ bắt viết bản kiểm điểm mỗi khi phạm lỗi thay vì dùng đòn roi hay mắng mỏ. Việc yêu cầu một đứa trẻ 10 tuổi viết bản kiểm điểm lỗi lầm của bản thân dài ít nhất 800 từ bằng tay thực sự là một thử thách. Lúc đầu, cậu bé cứ bôi ra cho đủ 800 chữ nhưng bị yêu cầu viết lại. Mỗi khi viết xong, bố mẹ lại cùng cậu phân tích, kiểm tra xem có lỗi chính tả nào trong bản kiểm điểm và những điều cậu viết có chính xác hay không. Sau này để không phải viết lại bản nào, cậu bé cẩn thận tổng kết kinh nghiệm, viết trơn tru nhất có thể. Không ngờ, hình phạt viết kiểm điểm lại vô tình cải thiện kỹ năng viết của cậu. Lên đại học, thậm chí cậu còn được nhiều giải thưởng sáng tác văn học.
Không phải "giáo dục đòn roi" là không tác dụng, điều phản khoa học ở đây là phương pháp nuôi dạy con cái theo hình thức này vô tình chà đạp lên nhân phẩm và phớt lờ cảm xúc của trẻ. Đối với trẻ em, tôn trọng giá trị của chúng với tư cách là những cá thể độc lập quan trọng hơn kết quả: "Bởi điều đó tốt nhất cho con".
Làm cha mẹ là một định mệnh lâu dài. Tôi hy vọng mỗi cha mẹ có thể nhẹ nhàng hơn với trái tim trẻ em. Nhìn thấy sự nhạy cảm và bao dung với những lỗi lầm vô hại của chúng.
Bài viết của nhà văn Cư Tiếu Tiếu được đăng trên trang Kaishujiangshi - diễn đàn dành cho cha mẹ của Trung Quốc.
Hải Hiền (Theo sohu)