Bác sĩ Nguyễn Như Điền, Quản lý Y khoa Miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết sùi mào gà do virus HPV gây nên. Bệnh biểu hiện là các nốt sùi mọc ở vùng sinh dục, hậu môn, họng và miệng gây ngứa, khó chịu. Nếu không điều trị kịp thời, sùi mào gà có thể phát triển gây mất thẩm mỹ, gây tắc nghẽn niệu đạo, ống dẫn tinh, cản trở việc thụ tinh và sinh nở. Theo bác sĩ, các thói quen dưới đây dễ làm sùi mào gà lây lan:
Tình dục không an toàn
Người có nhiều bạn tình, quan hệ với bạn tình lạ, không sử dụng bao cao su có nguy cơ lây nhiễm cao. Trường hợp người mắc sùi mào gà sử dụng biện pháp bảo vệ, nguy cơ lây nhiễm bệnh vẫn cao do virus có thể tồn tại ở những vùng mà bao cao su không bao phủ đến.
Ngoáy mũi
Sùi mào gà thường phát triển ở vùng niêm mạc và vùng da tiếp xúc với HPV. Thói quen không vệ sinh tay sạch, chạm vào nốt sùi mào gà sau đó đưa tay ngoáy mũi cũng có thể làm lây lan virus. Việt nam từng ghi nhận người đàn ông 28 tuổi mắc sùi mào gà ở vùng kín khi có quan hệ ngoài luồng. Người này phát triển sùi mào gà trong mũi do hay đưa tay chạm vào vùng kín, sau đó ngoáy mũi.

Ngoáy mũi là thói quen làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus HPV, mắc sùi mào gà. Ảnh: Vecteezy
Sử dụng chung đồ cá nhân
Dịch tiết sùi mào gà có thể tồn tại trên các vật dụng cá nhân như khăn tắm, đồ lót, quần áo, giấy vệ sinh, dao cạo râu, nhíp... Một nghiên cứu đăng tải trên Thư viện Y khoa Mỹ (2020) của nhóm chuyên gia Romania, cho thấy virus HPV có thể sống trong nhiều ngày trên bề mặt, quần áo, băng vệ sinh và có thể lây nhiễm cho người lành sau 7 ngày, với tỷ lệ 30% kể cả khi đã mất nước. Nếu người lành sử dụng chung các đồ dùng này với người bệnh sẽ có nguy cơ mắc sùi mào gà khi virus xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở, vùng da bị tổn thương hoặc niêm mạc.
Hút thuốc lá
Theo bác sĩ Điền, hút thuốc lá gây suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có sùi mào gà. Một nghiên cứu trên 157 bệnh nhân nam đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội các tháng 4-6/2023, có 38 người mắc sùi mào gà từ 20-42 tuổi, cho thấy hút thuốc lá có liên quan đến tỷ lệ mắc sùi mào gà ở nam giới.
Nghiên cứu về lây truyền virus HPV của nhóm chuyên gia Romania cũng chỉ ra, thói quen hút thuốc lá gây ra ức chế miễn dịch tại chỗ và toàn thân, làm tăng nguy cơ lây nhiễm sùi mào gà. Tỷ lệ nhiễm type HPV 16, chủng nguy cơ cao gây ung thư qua đường miệng cũng cao hơn 2% ở người có thói quen hút thuốc lá.

Nữ giới tiêm vaccine HPV tại VNVC Tân Thuận (Quận 7, TP HCM). Ảnh: Diệu Thuần
Cách dự phòng
Theo bác sĩ Điền, sùi mào gà có thời gian ủ bệnh từ vài tuần đến gần một năm, tùy vào sức khỏe mỗi người. Trong thời gian ủ bệnh, người bệnh vẫn có thể lây virus cho người khác. Các trường hợp mắc sùi mào gà khó điều trị dứt điểm và có thể tái phát nhiều lần trong đời. Ngoài sùi mào gà, HPV cũng là nguyên nhân của nhiều bệnh nguy hiểm khác như ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo ở nữ giới và hậu môn, hầu họng ở cả nam và nữ.
Để tránh mắc sùi mào gà và các bệnh do virus HPV, tiêm vaccine là cách hiệu quả nhất. Hiện Việt Nam có hai loại vaccine, gồm Gardasil phòng 4 type HPV gồm 6, 11, 16, 18, chỉ định cho bé gái và phụ nữ 9-26 tuổi. Vaccine Gardasil 9, phòng ngừa 9 type 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, chỉ định cho cả nam và nữ 9-45 tuổi.
Hiệu quả bảo vệ của vaccine đến trên 90%. Trẻ từ 9-14 tuổi chỉ cần tiêm 2 mũi Gardasil 9.
Ngoài vaccine, người dân cũng cần phòng ngừa sùi mào gà và lây nhiễm HPV bằng không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác, có đời sống tình dục lành mạnh. Người dân tăng sức khỏe tổng thể bằng cách ăn đủ chất dinh dưỡng, vận động thường xuyên, tránh sử dụng chất kích thích, hạn chế uống rượu bia, hút thuốc để nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng. Khi mắc bệnh, người bệnh cần điều trị sớm, không nên có tâm lý e ngại, tìm đến nơi không uy tín khiến bệnh nặng hơn.
Tuấn An