BlockFi có trụ sở tại New Jersey và được thành lập bởi Zac Prince, doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ tài chính Fintech. Trong hồ sơ xin phá sản lên tòa án liên bang tại New Jersey, công ty khẳng định nguyên nhân dẫn đến bi kịch này là do khủng hoảng thanh khoản, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thảm họa FTX.
Mark Renzi, Giám đốc điều hành của Berkeley Research Group, cho biết: "Dù không đối mặt nhiều vấn đề như FTX, việc liên quan mật thiết đến sàn này cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc BlockFi phải phá sản".
Theo đại diện BlockFi, cuộc khủng hoảng thanh khoản của công ty là do những khoản cho vay liên quan đến Alameda - quỹ đầu tư có cùng người sáng lập Sam Bankman-Fried với FTX. Ngoài ra, phần lớn tài sản của BlockFi bị mắc kẹt trên sàn khi FTX tuyên bố phá sản, khiến người dùng và đối tác không kịp rút tiền về.
Trong hồ sơ, BlockFi cho biết họ có khoảng 100.000 chủ nợ. Các tài sản và nợ phải trả lên đến hàng chục tỷ USD. Chủ nợ lớn nhất là quỹ Ankara Trust, có trụ sở tại bang New Hampshire (Mỹ) với khoản nợ 729 triệu USD. Trong khi đó, Valar Ventures, công ty đầu tư mạo hiểm được tỷ phú Peter Thiel hậu thuẫn, sở hữu 19% cổ phần của BlockFi.
Đặc biệt, công ty cũng liệt kê Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) là một trong những chủ nợ lớn nhất của mình với khoản nợ khoảng 30 triệu USD. Bain Capital Ventures và Tiger Global cũng bị ảnh hưởng lớn khi dẫn đầu vòng rót vốn vào BlockFi hồi tháng 3/2021.
Ông Renzi cho biết BlockFi đã bán một phần tài sản là tiền điện tử, tương đương 238,6 triệu USD đầu tháng 11 để chuẩn bị cho việc phá sản. Tổng số tiền mặt BlockFi đang có khoảng 256,5 triệu USD.
Đây là một trong những công ty tiền mã hóa chịu nhiều tác động nhất từ sự sụp đổ của FTX. Hồi tháng 7, Sam Bankman-Fried từng giúp BlockFi thoát cảnh phá sản bằng cách cấp hạn mức tín dụng 400 triệu USD và quyền chọn mua lại công ty. Tuy nhiên, cú sập của FTX và 130 công ty liên quan khiến BlockFi rơi vào tình trạng điêu đứng.
Kết cục của BlockFi đã được dự đoán từ trước. Cố vấn tài chính BlockFi, ông Mark Renzi, đã nói với các chủ nợ, nhà đầu tư và tòa án về "cuộc giải cứu" không thành của FTX và những biến động quá lớn của thị trường. Khi FTX nộp đơn xin phá sản, nhiều chuyên gia lo ngại làn sóng phá sản sẽ diễn ra với quy mô lớn. Dù nhiều công ty tiền số liên quan đến FTX lên tiếng trấn an người dùng về tình hình của mình, ngay cả tỷ phú CZ, CEO Binance, cũng cho rằng tác động của FTX lớn hơn nhiều những gì cộng đồng có thể tưởng tượng.
Trước khi BlockFi sụp đổ, hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Celsius Network và Voyager Digital cũng đã tuyên bố phá sản do thua lỗ. Nguyên nhân được đưa ra là do thị trường quá khắc nghiệt với nhiều biến động mạnh. Ba công ty cho vay tiền số này đã có giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong đại dịch. Dịch vụ của họ thu hút người dùng vì mức lãi suất lên đến hai con số.
An Thu (theo SCMP)