Thay vì cài hàng chục GB dữ liệu lên máy, Thanh Toản, 27 tuổi ở Hà Nội, mở trình duyệt, truy cập web của nhà cung cấp, chọn trò chơi mong muốn là có thể bắt đầu. Chiếc MacBook của anh vốn không được thiết kế để chơi game, nay có thể chạy tốt Battlefield, Far Cry, Flight Simulator... nhờ dịch vụ game trên điện toán đám mây, còn gọi là cloud gaming.
"Sẽ phức tạp một chút ở khâu đăng ký và khởi động game, sau đó có thể chơi không khác gì máy game chuyên dụng", Toản đánh giá.
Cloud gaming là dịch vụ chơi game trên đám mây, được các hãng game lớn tung ra trong khoảng ba năm và rộ lên tại Việt Nam vài tháng nay. Với dịch vụ đám mây, trò chơi chạy trên một hệ thống máy tính của nhà cung cấp, và người chơi thực hiện các thao tác qua trình duyệt hoặc app chuyên dụng. Trong trường hợp của Toản, dịch vụ được sử dụng là Xbox Cloud Gaming - giải pháp chơi game trên đám mây được Microsoft phát triển.
Do phần lớn game dành cho máy console, Toản phải sử dụng thêm một tay cầm kết nối với máy tính. Microsoft chưa cung cấp dịch vụ này tại Việt Nam, vì vậy người muốn chơi phải cài phần mềm VPN nhằm thay đổi khu vực. Sau khi vào game, Toản cho biết có thể tắt VPN để sử dụng bình thường. "Miễn là có kết nối mạng và tay cầm. Tôi có thể chơi hàng trăm game, từ bất cứ đâu mà không cần đầu tư thiết bị khủng, thậm chí có thể chơi trên trình duyệt điện thoại", Toản nói.
"Lách luật" để dùng cloud gaming tại Việt Nam
Tại Việt Nam, phần lớn dịch vụ cloud gaming phổ biến như Geforce Now của Nvidia, Xbox Cloud Gaming của Microsoft... đều chưa được cung cấp chính thức. Người chơi thường phải mua dịch vụ từ một bên chuyên bán các tài khoản game dạng này, sau đó nhận về một địa chỉ email và mật khẩu đăng nhập.
Tìm kiếm với từ khóa "cloud gaming", hàng chục cửa hàng online cung cấp dịch vụ xuất hiện trên trang đầu tìm kiếm. Trên một nhóm Cloud Gaming ở Việt Nam với hơn 4.000 thành viên, mỗi ngày có hàng loạt bài viết chia sẻ cách chơi và trao đổi tài khoản.
Một người chuyên cung cấp tài khoản cloud gaming tiết lộ trong hai tháng gần đây, anh bán được vài trăm tài khoản cho game thủ Việt. "Phần lớn người dùng chọn Xbox Cloud Gaming bởi giá rẻ, chơi được trên nhiều thiết bị từ điện thoại, TV đến máy tính, có đầy đủ các game của Microsoft cung cấp cho dịch vụ Xbox Game Pass, thay vì phải mua từng game như dịch vụ của Nvidia", người này nói.
Nếu mua lẻ từng tháng, người chơi phải chi khoảng 70-80 nghìn đồng, con gói một năm là 600 nghìn đồng, tương đương 50 nghìn đồng mỗi tháng. Trong khi đó, Microsoft cung cấp dịch vụ này kèm thuê bao Game Pass, có giá 15 USD (350 nghìn đồng) mỗi tháng. Sự chênh lệch này được người bán giải thích là do "có sẵn các mã và thẻ quả tặng", đồng thời khẳng định "người chơi sở hữu hoàn toàn tài khoản, có thể gia hạn bất cứ lúc nào".
Ưu nhược điểm của cloud gaming
Đức Tiến, đại diện một hệ thống máy tính lớn tại Hà Nội, cho biết cloud gaming là dịch vụ mới tại Việt Nam, nhưng đang ngày càng được người dùng quan tâm. Ưu điểm của dịch vụ là giúp người dùng có thể chơi game trên đa nền tảng, bao gồm cả những thiết bị "kén" game như máy tính Mac, iPad, máy tính không có card đồ họa rời, smartphone hay Android TV.
"Dịch vụ giúp nhiều khách hàng mua máy cấu hình trung bình, giá 10 triệu đồng cũng có thể chơi game khủng. Các mẫu tay cầm giá rẻ như PXN, giá 500 nghìn đồng cũng được mua ngày càng nhiều cho nhu cầu này", anh Tiến cho biết. "Do hoạt động trên đám mây, người chơi cũng không lo tải game, tốn dung lượng bộ nhớ,".
Tuy nhiên, để có thể chạy được game trên trình duyệt, thiết bị vẫn phải đạt được một số yêu cầu như chạy Windows 10, iOS 14.4, Android 6 về sau. Nhược điểm của loại hình này là cần kết nối Internet qua Wi-Fi hoặc mạng LAN đủ mạnh và ổn định, tốc độ tối thiểu 20 Mbps. Hiện nay, các dịch vụ cloud gaming chưa hỗ trợ chơi trên kết nối 4G tại Việt Nam.
Ngoài ra, do các dịch vụ chưa cung cấp chính thức trong nước, người dùng cũng gặp bất tiện khi phải sử dụng VPN để làm giả địa chỉ IP, phải mua tài khoản từ bên thứ ba nên có thể dễ bị lừa.
Lưu Lưu