Tại World Mobile Broadband & ICT 2021 do IDG tổ chức ngày 25/3 ở Hà Nội, ông Michael Jiang, Giám đốc Công nghệ Huawei Việt Nam, cho biết hiện đã có hơn 140 nhà mạng ở 61 nước trên thế giới triển khai 5G với khoảng 260 triệu người dùng toàn cầu.
Theo ông, thách thức đầu tiên mà các nhà mạng Việt Nam sẽ phải chuẩn bị là cơ sở hạ tầng. "Khi triển khai xây dựng mạng 5G, hầu hết trạm di động hiện nay đều đã được lắp đặt rất nhiều thiết bị 2G, 3G, 4G nên không đủ không gian lắp đặt 5G và các hạ tầng, như nguồn điện, ăng-ten cần nâng cấp để đáp ứng yêu cầu cho mạng 5G. Do đó sẽ phát sinh chi phí lớn", ông Jiang giải thích.
Thách thức tiếp theo là thời gian triển khai cung cấp dịch vụ. Thị trường viễn thông là thị trường "đóng". Các nhà mạng cung cấp dịch vụ sớm sẽ chiếm được thị phần lớn hơn. Nhà mạng ra sau sẽ thiệt thòi hơn và dễ mất thị phần. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến thời gian triển khai cung cấp dịch vụ. "Do đó, các nhà mạng nên lựa chọn chiến lược phù hợp để rút ngắn thời gian đưa dịch vụ ra thị trường", đại diện Huawei nói.

Ông Michael Jiang, Giám đốc Công nghệ Huawei Việt Nam.
Một vấn đề khác nằm ở việc tối ưu hóa chi phí. Chi phí thiết bị mạng 5G vốn cao và đòi hỏi triển khai số lượng trạm lớn, do đó chi phí đầu tư, như thiết bị và vận hành mạng, sẽ rất lớn. Vì vậy các nhà mạng sẽ phải tối ưu chi phí đó để tăng hiệu quả đầu tư.
Cuối cùng là trải nghiệm người dùng. Khi chuyển sang mạng 5G, người dùng yêu cầu tốc độ cao, chi phí thấp, nên đây cũng là thách thức của các nhà mạng để đảm bảo yêu cầu về trải nghiệm người dùng tốt nhất, tăng tính cạnh tranh.
"Các nhà mạng Việt Nam hiện sử dụng hầu hết là mạng trong nhà (indoor), làm phát sinh nhiều chi phí, như xây dựng, mua sắm thiết bị nhà trạm, phí thuê địa điểm, điện cho hệ thống điều hòa làm mát của nhà trạm...", ông Jiang nói. "Biện pháp tối ưu là chuyển sang giải pháp ngoài trời, bởi những thiết bị treo trực tiếp trên cột sẽ không cần xây dựng nhà trạm, giảm chi phí điều hòa".
Theo ước tính của Huawei, với một mạng lưới 30.000 trạm, giải pháp outdoor có thể giúp các nhà mạng Việt Nam tiết kiệm được chi phí vận hành là 133 triệu USD/năm.
Các ứng dụng 5G hiện được triển khai trong hơn 20 ngành công nghiệp, bao gồm sản xuất, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và hậu cần. Ở Trung Quốc, ứng dụng công nghiệp 5G đã chứng tỏ giá trị trong khai thác than, luyện thép và sản xuất, giúp sản xuất an toàn hơn, thông minh hơn và hiệu quả hơn.