26/1 - Kobe Bryant tử nạn
Không cần là một người hâm mộ bóng rổ hoặc thậm chí là một người hâm mộ thể thao bình thường để biết đến Kobe Bryant, và bị sốc vì cái chết của huyền thoại bóng rổ 41 tuổi. Cựu cầu thủ Los Angeles Lakers qua đời cùng với cô con gái 13 tuổi Gianna và 7 người khác - trong một vụ tai nạn trực thăng ở Calabasas, California vào ngày 26/1.
Là một biểu tượng thể thao toàn cầu, Kobe - giống Lionel Messi, LeBron James , Cristiano Ronaldo, Michael Jordan, Diego Maradona, Muhammad Ali hay Pele - được tôn kính ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Ông có được tình cảm đó với một sự nghiệp lừng lẫy.
Bryant kết thúc sự nghiệp bóng rổ vào năm 2016, sau khi năm lần vô địch NBA, 11 lần được chọn vào đội một của All-NBA và 18 lần lọt vào đội hình All-Star. Ông dành tất cả 20 năm chơi chuyên nghiệp với Lakers, giành được MVP (Cầu thủ hay nhất) ở giải bóng rổ nhà nghề Mỹ năm 2008.
Bryant là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất mà NBA từng sản sinh. Ảnh hưởng của ông không hề bị lu mờ khi giải nghệ. Nhiều siêu sao đương đại của NBA - từ LeBron James, Damian Lillard đến Trae Young và Kyrie Irving - tạo dựng sự nghiệp của họ dựa trên sự kiên trì cùng những kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của Bryant.
Phản ứng của các cầu thủ NBA, người hâm mộ, cầu thủ bóng đá, nhạc sĩ, nghệ sĩ giải trí và các ngôi sao từ mọi môn thể thao trước cái chết của Bryant đã nói lên dấu ấn mà huyền thoại này để lại. Cristiano Ronaldo gọi Bryant là "một huyền thoại thực sự". Lionel Messi gọi ông là "thiên tài". LeBron James thề rằng sẽ đoạt chức vô địch NBA để dành tặng Bryant. Sau bốn tháng gián đoạn do đại dịch, James và các đồng đội của họ đã thực hiện lời hứa đó, mang về danh hiệu NBA đầu tiên cho Lakers kể từ năm 2010.
22/2 - Fury thắng knock-out Wilder
Võ sỹ Anh quốc Tyson Fury đánh bại Deontay Wilder – người bất bại trước đó – để đoạt đai WBC thế giới. Fury đã trở lại sàn đấu từ tình trạng thừa cân quá mức cùng những rắc rối về tâm lý, sau khi lần đầu tiên trở thành nhà vô địch hạng nặng thế giới bằng cách đánh bại Wladimir Klitschko.
Fury từng lỡ cơ hội giành đai WBC ở lần đầu tiên đấu với Wilder, khi trận đấu kết thúc với tỷ số hòa. Nhưng ở trận tái đấu vào tháng 2/2020, võ sỹ 32 tuổi chỉ cần bảy hiệp để hạ Wilder.
Thành quả đến sau khi Fury thuê HLV mới Sugar-Hill Steward, một chuyên gia hạ knock-out, từng làm việc với Lennox Lewis và Wladimir Klitschko. Fury áp đảo Wilder trong cả trận, bằng thể hình và những cú ra đòn cực nặng.
Chiến thắng trước Wilder là bàn đạp để Fury hoàn thành mong muốn trở thành nhà vô địch tuyệt đối của quyền Anh hạng nặng trong năm 2021, nếu đạt được thỏa thuận đấu Anthony Joshua - người giữ ba đai danh giá còn lại là IBF, WBA Super và WBO.
Tháng 3 - Thể thao tê liệt vì Covid-19
Do Covid-19, những sự kiện thể thao lớn trên thế giới phải đồng loạt tạm ngưng vào tháng Ba, điều chưa từng có trong lịch sử. Ở môn bóng đá, các giải đấu hàng đầu châu Âu bị đình trệ, và chỉ trở lại vào cuối mùa Hè trong điều kiện không có khán giả. Ligue 1 thậm chí kết thúc sớm và cup được trao luôn cho PSG.
Toàn thế giới có khoảng 48.800 sự kiện dự kiến diễn ra trong năm 2020, nhưng chỉ 53% trong số này còn khả thi. Ước tính doanh thu thể thao toàn cầu đạt 73,7 tỷ USD - ít hơn đến 61,6 tỷ USD so với dự báo được đưa ra trước dịch bệnh.
Nhiều sự kiện ở các môn thể thao lớn bị hủy, trong đó có giải Grand Slam Wimbledon trong tennis và The Open Championship ở môn golf. Các giải đấu lớn khác đều bị lùi lại đấu dồn vào cuối năm.
Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC) dời Thế vận hội mùa hè sang năm 2021, trong khi các giải bóng đá lớn cấp châu lục là Euro hay Copa America cũng được lùi xuống một năm. Điều này khiến 2021 hứa hẹn là một năm rất sôi động của thể thao thế giới, nếu đại dịch được kiểm soát.
25/5 - Thể thao toàn cầu lên tiếng sau cái chết của George Floyd
Sự kiện người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát ghì chết trong lúc bắt giữ không chỉ gây phẫn nộ trong dư luận, mà còn ảnh hưởng đến thể thao. Rất nhiều VĐV thể thao nổi tiếng quỳ gối để ủng hộ phong trào Black Lives Matter (Người da màu đáng được sống) diễn ra ở Mỹ.
Trong ảnh, các cầu thủ Liverpool mặc xen lẫn áo sân nhà, sân khách và áo tập với những màu khác nhau, tượng trưng cho nhiều màu da. Tất cả ngừng tập và quỳ gối quanh vòng tròn giữa sân, để hưởng ứng phong trào chống phân biệt chủng tộc.
Ở Đức, một số cầu thủ ghi bàn cũng mừng bàn thắng bằng thông điệp ủng hộ Floyd. Trên mạng xã hội, nhiều ngôi sao thể thao cũng lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ, điển hình là huyền thoại bóng rổ Michael Jordan, nhà vô địch F1 Lewis Hamilton, các cầu thủ Marcus Rashford và Paul Pogba. Ở giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA, các cầu thủ quỳ gối khi hát quốc ca. Điều này được ông Donald Trump - Tổng thống Mỹ lúc đó - mô tả là "một sự sỉ nhục".
22/7 – Liverpool nâng Cup Ngoại hạng Anh
Liverpool giải cơn khát vô địch Anh kéo dài ba thập kỷ vào ngày 22/7, sau trận thắng Chelsea 5-3 ở Anfield. Không cổ động viên nào được vào sân chứng kiến lễ đăng quang Ngoại hạng Anh lần đầu tiên của "The Kop".
Thầy trò HLV Jurgen Kloop, thực tế, đã vô địch từ hôm 25/6, khi giải còn bảy vòng. Họ phải chờ gần một tháng để chạm tay vào danh hiệu Ngoại hạng Anh trong trận cuối cùng trên sân nhà, nơi Liverpool không thua trong 58 trận trước đó.
Trước chức vô địch năm nay, lần gần nhất Liverpool bước lên đỉnh cao bóng đá Anh là năm 1990, với thế hệ những John Barnes, Ian Rush, Steve Nicol, Bruce Grobbelaar... dưới trướng huyền thoại Kenny Dalglish.
"Đặc biệt. Vô cùng đặc biệt", Klopp nói về chức vô địch ở mùa giải dài nhất lịch sử Ngoại hạng Anh. Đội trưởng Jordan Henderson thì bày tỏ: "Sải bước trên sân vói chiếc cup trên tay thật tuyệt. Các cầu thủ xứng đáng với khoảnh khắc này. Đây là mùa giải không thể tin nổi của Liverpool".
25/8 – Messi đòi rời Barca
Barca hứng chịu một loạt chấn động ở cuối mùa trước. Lần đầu từ năm 1951, họ thua cách biệt sáu bàn khi thảm bại 2-8 trước Bayern ở bán kết Champions League. Đó là dấu chấm hết cho triều đại Quique Setien. Nhưng tệ hơn, đội trưởng Lionel Messi công khai ý định rời sân Camp Nou.
Chỉ 11 ngày sau trận thua Bayern, Messi gửi burofax đến Barca yêu cầu kích hoạt điều khoản cho phép anh ra đi dưới dạng tự do. Giới mộ điệu dành nhiều ngày tự hỏi về bến đỗ tiếp theo của Messi. Barca thì không để điều đó thành hiện thực. Họ tuyên bố thời hạn để Messi yêu cầu chấm dứt hợp đồng đã hết và sẵn sàng lao vào cuộc chiến pháp lý.
Barca muốn đủ 859 triệu USD để giải phóng Messi, theo đúng điều khoản phá vỡ hợp đồng. Ngôi sao 33 tuổi, sau đó, không trở lại tập luyện đúng hạn vào 31/8. Nhưng tới 4/9, trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Goal, Messi thông báo ở lại Barca tới hết mùa. "Barca là đội bóng của đời tôi và việc phân xử mọi chuyện ở tòa án nằm ngoài tâm trí tôi", Messi nói.
15/11 – Hamilton vô địch F1 lần thứ bảy
Lewis Hamilton trở thành tay đua F1 thành công nhất mọi thời. Anh vượt kỷ lục 91 lần thắng chặng của huyền thoại Michael Schumacher vào tháng 10. Tới tháng 11, chiến thắng ở Thổ Nhĩ Kỳ giúp tay lái người Anh san bằng kỷ lục bảy lần vô địch thế giới mà Schumacher thiết lập 16 năm trước.
Chặng đua này là minh chứng rõ nhất về tài năng của Hamilton. Anh xuất phát thứ sáu, kém nhóm đầu 20 giây sau tám vòng, trong điều kiện trơn trượt. Nhưng rồi vẫn lên dẫn đầu ở vòng 37 và từ đó không để ai vượt qua trong 21 vòng còn lại. Hamilton đã mừng chiến thắng bằng cách quỳ gối để nêu cao tinh thần của phong trào Black Lives Matter. Trong một năm hỗn loạn, ngôi sao 35 tuổi đã kết hợp hoàn hảo vai trò giữa một vận động viên thể thao và một chính khách.
25/11 – Maradona qua đời
Mất mát lớn nhất của thế giới bóng đá năm 2020 là sự ra đi của Diego Maradona. Huyền thoại Argentina trút hơi thở cuối tại nhà riêng ở Buenos Aires, ba tuần sau sinh nhật tuổi 60. Nguyên nhân cái chết là suy tim dẫn tới phù phổi cấp. Maradona trước đó vừa phẫu thuật não, từng có tiền sử nghiện rượu và ma túy.
"Cậu bé Vàng" để lại sự nghiệp đầy vinh quang, kèm theo không ít tranh cãi. Maradona cùng Argentina vô địch World Cup 1986, giải đấu ông đoạt Quả bóng Vàng. Ông đã ghi bàn bằng tay trong trận tứ kết gặp đội tuyển Anh, tạo thành câu chuyện không hồi kết cho tới hiện tại. Năm 2002, trang web của FIFA chọn đây là "Bàn thắng của Thế kỷ 20".
Maradona cũng có đầy ắp vinh quang cùng Napoli, nơi ông giành hai Scudetto. Đội bóng Italy đã ngay lập tức đổi tên sân thành Diego Armando Maradona, vài ngày sau khi huyền thoại qua đời. Maradona giành phần lớn sự nghiệp ở châu Âu, nơi ông còn khoác áo Barca và Sevilla. Đây cũng là thời điểm Maradona vướng vào nhiều rắc rối, từ ma túy, trốn thuế đến mối quan hệ với các tổ chức tội phạm. Ông bị đuổi khỏi World Cup 1994 vì dương tính với chất cấm. Sau khi giải nghệ, ông tốn 5 năm cai nghiện ở Cuba và trải qua nhiều lần thập tử nhất sinh.
Bất chấp tai tiếng, Maradona vẫn chiếm được tình yêu của số đông. Hàng triệu người đã có mặt ở Buenos Aires dự lễ tang của ông. Họ nối thành các đoàn xe đưa linh cữu Maradona tới nghĩa trang. "Tôi đã mất một người bạn tuyệt vời và thế giới mất đi một huyền thoại", Pele bày tỏ nỗi đau khi hay tin Maradona qua đời.
29/11 – Grosjean gặp nạn trên đường đua F1
Romain Grosjean may mắn sống sót sau tai nạn kinh hoàng trên đường đua Bahrain hôm 29/11. Chiếc VF-20 của tay lái đội Haas lao vào rào chắn ở vận tốc 225km/h, gãy đôi và bốc cháy dữ dội. Chiếc mũ bảo hiểm mà Grosjean sử dụng tan chảy nhưng anh chỉ bị thương nhẹ. Đây là tai nạn nghiêm trọng nhất của môn F1 sau vụ va chạm của Jules Bianchi ở Suzuka năm 2014.
Phân tích sau tai nạn cho thấy thiết bị bảo vệ Halo đã cứu sống ngôi sao 34 tuổi. Năm 2017, chính Grosjean chỉ trích việc sử dụng nó trên những chiếc xe F1. Trong vụ tai nạn thảm khốc, thiết bị bằng titan bảo vệ khoang lái đã giúp Grosjean còn tỉnh táo để rời xe sau 28 giây bốc cháy. Vụ tai nạn ám ảnh của Grosjean khiến các chuyên gia phải tiếp tục lao vào nghiên cứu nâng cấp trang bị an toàn cho các tay đua trong tương lai.
Nhân Đạt
Ảnh: AP, Reuters, EPA, Photo President, Sky Sports