Sáng 10/5, anh Trần Văn Tuyến ở huyện Lục Nam đến trường đón con trai Trần Hải Nam về quê nghỉ hè mới biết cậu sinh viên này đã tình nguyện đăng ký đi chống dịch. Chưa dám tin, anh Tuyến tìm giảng viên để hỏi và được nhà trường xác nhận. Người đàn ông gật đầu nói: "Con giúp được cho bà con, cho đất nước tôi rất tự hào. Nhưng giá cháu báo gia đình sớm hơn, tôi đỡ công xuống đây".
Anh Tuyến bấm điện thoại dặn con "cẩn trọng, nghe theo sự phân công", rồi một mình đội nắng ra về. Nếu không vào tâm dịch, con trai anh sẽ có một mùa hè cùng cha mẹ leo đồi, hái vải bán lấy tiền trang trải học phí.
Không kịp tiễn bố, Hải Nam cùng với 74 sinh viên và 16 giảng viên tham gia tập huấn công tác lấy mẫu, điều tra dịch tễ...
7h sáng hôm sau, những sinh viên được chia thành nhóm nhỏ cùng nhân viên y tế tỏa đi các huyện Lục Nam, Lạng Giang và TP Bắc Giang lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ. Ngày đầu tiên, nhiều người chọn nhiệm vụ viết thông tin người lấy mẫu lên ống để có thời gian quan sát, học hỏi. Từ 12/5, tất cả đều đã thực hiện quy trình thuần thục.
Dưới cái nắng chang chang của miền Bắc những ngày đầu hè, Hải Nam và bạn bè không phút ngơi tay. "Lấy mẫu ngoài trời nắng nóng nên một số người cáu vì phải chờ lâu. Em chỉ biết nhẹ nhàng mong các cô bác thông cảm. Có người bỏ về, nhân viên y tế lại phải đến tận nhà gọi", Nam kể. Sức trẻ không đủ để chống cự với cả ngày liên tục hoạt động với cường độ cao nên đến bữa, các sinh viên chẳng muốn ăn, nằm ra sàn tranh thủ nghỉ, chỉ uống nước cho no bụng. Cảm giác háo hức khi lần đầu được cùng các thầy cô, tiền bối góp sức chống dịch bị guồng quay công việc cuốn phăng.
Giảng viên Hoàng Thị Diệu Linh, trưởng nhóm tình nguyện cho biết: "Khi mặc bộ đồ bảo hộ kín mít vào người, các sinh viên sợ không thể đi vệ sinh. Nhưng lúc làm việc rồi mới biết mồ hôi ròng ròng, chẳng ai còn nhu cầu ấy nữa".
Nhiều sinh viên của cô Diệu Linh được phân công cùng nhân viên y tế vào tận nhà dân ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Lục Nam truy vết. Sinh viên năm hai Lê Thị Minh Ngọc đã có hai ngày liền chạy xe máy vào nhà dân ở các điểm phong toả điều tra dịch tễ kể, nhiều người còn chẳng biết khái niệm F1, F2 là gì, buộc em phải giải thích cặn kẽ. Nhưng giải thích xong, họ lại nói không nhớ mình tiếp xúc với ai. Bí quá, em đành cầu cứu nhân viên y tế địa phương. "Em còn may chứ nhiều bạn nắng nôi mà đi vào xóm bị lạc đường, hỏi mãi mới ra", Ngọc nói.
Hoàn thành công việc ở địa phương, cô sinh viên này lại được huy động đến các khu công nghiệp, khi các ca dương tính dội về liên tục. Tính đến ngày 16/5, tại Bắc Giang có tới 314 trường hợp dương tính, hàng chục nghìn người là F1, F2 cần lấy mẫu dịch họng để kịp thời khoanh vùng, dập dịch.
"Các em sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường chưa phải trực chiến nhiều nên giờ phải làm việc suốt ngày đêm, có sức trẻ nhưng không thể có sức bền bằng người có kinh nghiệm", cô Diệu Linh nói. Vài sinh viên của cô kiệt sức đến ngất, nôn thốc nôn tháo vì sốc nhiệt nhưng chưa một ai có ý định bỏ cuộc.
Anh Đặng Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ Bắc Giang, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Lạng Giang cho biết: "Những đóng góp của các bạn sinh viên, giảng viên tham gia chống dịch rất quan trọng. Các bạn ấy không ăn, không ngủ, làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng rất nhiệt tình".
Giữa đêm 16/5, sau đợt soát mẫu tại thành phố Bắc Giang, Trần Hải Nam và các bạn về trường nghỉ ngơi. Ngả lưng xuống giường, Nam mới có thời gian đọc tin nhắn của bố: "Con mệt lắm không? Nếu mệt thì xin thầy cô cho nghỉ vài ngày rồi làm tiếp". Nam gửi mặt cười, đáp "Con khỏe lắm. Sức con trụ đến hết dịch cơ. Dập xong dịch con mới về".
Sáng sớm mai, cậu sẽ cùng bạn bè về Việt Yên, nơi những ca dương tính đang tăng từng ngày, để tham gia vào việc truy vết. Nam vững tin hơn khi biết tin các bạn sinh viên ngành y khắp các tỉnh thành và nhiều lực lượng khác đã và đang đến Bắc Giang - cùng chung tay đẩy lùi đại dịch.
Các thành trì chống Covid-19 trở thành tâm dịch. Quỹ Hy vọng Báo VnExpress kết nối các cá nhân và doanh nghiệp cùng tiếp sức cho tuyến đầu. Xem chi tiết tại đây.
Phạm Nga