Người đàn ông ở thôn Phương Lạn 3, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam không ngờ ngay hôm đó, hàng chục hàng xóm cũng ra vườn cắt rau xếp vào "gian hàng" của anh.
"Tôi nghĩ chợ dừng hoạt động nhiều người sẽ không có rau ăn, nhà mình có thì chia sẻ với bà con", anh Lập nói. Đến lúc rau nhiều không đếm xuể, anh báo cáo cán bộ thôn để tiếp nhận, phân phát tận nhà cho các hộ đang phải cách ly tại nhà, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Bình, trưởng thôn Phương Lạn 3 lập tức thành lập đội tiếp nhận nhu yếu phẩm, tiền bạc của bà con trong thôn ủng hộ công tác phòng, chống dịch. Ngõ nhà anh Lập trở thành điểm tiếp nhận và phân phối đầu tiên của phong trào ủng hộ nhu yếu phẩm phòng dịch tại xã Phương Sơn. Cuốn sổ ghi danh sách các hộ gia đình do anh phụ trách ghi chép sau một tuần đã gần về trang cuối.
Nghe trên loa phát động ủng hộ phòng chống dịch, cụ Hoàng Thị Quyết, 81 tuổi, cũng hái rau, lấy 200 nghìn đồng mang ra ủng hộ. "Cụ già rồi, mắt lại lòa, nếu muốn ủng hộ rau, cứ để đấy chúng con hái giúp", cán bộ xúc động nói khi ngày nào cũng thấy bà đội nắng mang rau dền, mùng tơi đến ủng hộ. "Dịch dã, các anh còn phải lo nhiều việc nên bà làm được, cứ để bà làm", bà lão sống một mình, nói.
Trưởng thôn Phương Lạn 3 cho biết, sự đồng lòng của người dân là động lực cho cán bộ như ông cố gắng. "Có khi một ngày tôi phải đọc trên loa 15 văn bản chỉ đạo của cấp trên, đi rạc cả người giữa trời nắng đến các điểm chốt xem anh em thiếu thốn thế nào để kịp thời hỗ trợ. Vất vả nhưng nhìn mọi người đều cố gắng, tôi cũng quên mệt nhọc", ông Bình nói.
Từ thôn ông Bình, phong trào quyên góp nhu yếu phẩm, tiền bạc chống dịch lan khắp 10 thôn trong xã Phương Sơn.
Ông Đỗ Bá Cường, chủ tịch UBND xã cho biết, kinh phí dự phòng chống dịch của xã chỉ có hơn 100 triệu đồng. Đợt dịch trước, địa phương đã phải dùng gần một nửa. Đợt này, xã bị phong tỏa khoản dự phòng còn lại chẳng thấm tháp vào đâu.
"Cái khó ló cái khôn. Ý tưởng của bà con xuất phát từ chính những khó khăn. Nhờ phong trào ủng hộ của dân trong xã, không hộ nào phải thiếu thốn", ông Cường nói. Tính đến 15/5, xã có 6 trường hợp dương tính, hơn 900 người thuộc diện F1, F2, phải cách ly tại nhà. Toàn xã với 8.000 hộ dân đang trong diện phong toả, bắt đầu từ 8/5.
Ba ngày nay, hội trường UBND xã Phương Sơn đã được trưng dụng thành điểm nấu cơm phục vụ các chốt kiểm dịch. Gần 10 người là đại diện của các thôn thay nhau người thái thịt, làm rau, người xào nấu. Đúng bữa trưa, các món được xếp gọn gàng vào hộp, đưa đến chốt kiểm dịch.
"Chính tiền, rau ủng hộ của bà con và kinh phí của xã đã biến thành những suất ăn đầy đủ dinh dưỡng như vậy", chị Trương Thị Tình, 50 tuổi, ở thôn Phương Lạn 1 cho biết.
Mấy hôm đầu phong toả, cán bộ chốt phải ăn cơm hộp qua bữa. Thấy cơm không ngon như ở nhà, hội Phụ nữ xã Phương Sơn thành lập tổ nấu cơm để tặng hơn 100 suất ăn mỗi ngày cho cán bộ trực chốt.
Ba ngày tổ được thành lập là sáu lượt chị Tình đội nắng đi giao cơm. Đặt hàng chục hộp cơm lên xe, buộc vào hai tay lái, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong nhóm lao đi. Ngoài trời, giữa trưa nhiệt độ chạm ngưỡng 40 độ C. "Về đến nhà là mặt đỏ gay, mệt lả vì nắng nóng, nhưng chẳng là gì so với những khó khăn cán bộ đang căng mình chống dịch. Mỗi người góp một tay mới nhanh dập dịch", chị nói.
Trưa 15/5, mở hộp cơm có thịt lợn quay, bí đỏ, chả, rau muống, anh Hoàng Văn Hùng, công an viên xã Phương Sơn đang trực chốt tấm tắc khen "chẳng khác cơm nhà".
Những ngày đầu dịch bùng phát, anh Hùng lo cảnh đội nắng, trắng đêm phòng chống dịch. Nhưng vừa nhận nhiệm vụ, chốt của anh đã được người dân chia nhà cho ở, có hai quạt trần, có giường ngả lưng. Những chốt khác, bà con thuê rạp đám cưới, quây bạt làm chỗ nghỉ ngơi miễn phí cho cán bộ. Cơm được trao tận tay, liên tục đổi bữa.
"Chưa bao giờ chúng tôi thấy tình cảm của xóm làng, quê hương lại ấm áp như thế", anh nói.
Các thành trì chống Covid-19 trở thành tâm dịch. Quỹ Hy vọng Báo VnExpress kết nối các cá nhân và doanh nghiệp cùng tiếp sức cho tuyến đầu. Xem chi tiết tại đây.
Phạm Nga