12h30, chiếc xe tải từ từ giảm tốc rồi dừng hẳn trước hàng rào phong tỏa của ngõ 91, tổ dân phố 14, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông. Một nhóm người đeo hai lớp khẩu trang khẩn trương chạy lại phía sau xe, vác từng bao gạo, bí, cá nục, dầu ăn... xếp ngay ngắn lên vỉa hè gần đó. Tay thoăn thoắt chuyển đồ, anh Trần Đức Xuân nhắc mọi người: "Chuyển hết vào nhà trọ đầu ngõ".
Bà Lê Thị Doãn tiếp quản số hàng hóa, tay ghi chép, miệng hướng dẫn 4-5 người chia vào các túi nilong chuẩn bị sẵn. Xong xuôi, bà bấm máy gọi điện cho một nhóm khác, thông báo thời gian và yêu cầu họ sẵn sàng lấy đồ ngay tại cổng. Anh Xuân, bà Doãn, những người bốc vác hay chờ nhận thực phẩm chính là những chủ nhà trọ nằm trong tổ 14 - 15, nơi thường được gọi là "xóm ung thư" bởi khách trọ chủ yếu là bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện K Tân Triều.
"Khi xóm trọ bị phong tỏa hai hôm trước, có khoảng 600 bệnh nhân mắc kẹt tại đây. Họ đa phần là người nghèo ở các tỉnh, không kịp trở tay hay chuẩn bị gì hết nên gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Chúng tôi tự tập hợp nhau và tìm cách giúp họ", bà Doãn, 54 tuổi nói.
Anh Trần Đức Xuân nói thêm: "Ngày 7/5, Viện K bị phong tỏa, bệnh nhân về quê gần hết vì không thể chờ đợi, một số trụ lại bởi sức khỏe quá yếu hoặc sợ bị đưa đi cách ly. Họ chẳng có người thân thích ở thành phố để mà cứu trợ, cửa hàng ăn, chợ cóc quanh khu vực đều đóng cửa, nhiều người lo lắng "không biết lấy gì để sống".
Nhóm tình nguyện của anh Xuân, bà Doãn hàng ngày tiếp nhận hàng quyên góp của những mạnh thường quân ở khắp nơi gửi về rồi chia thành hai đội, chở xe máy, hoặc đẩy bằng xe rùa, đến tận các ngõ ngách, tiếp tế cho từng bệnh nhân đang mắc kẹt trong vùng phong tỏa. Những phần quà gồm gạo, trứng gà, cá, mỳ tôm, dầu ăn, rau củ quả... và không thể thiếu những chiếc khẩu trang y tế .
Chị Vũ Thị Minh Tâm, quê Minh Tân, Kinh Môn, Hải Dương, đang bám trụ lại Hà Nội cùng với chồng là một bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 3, từng bần thần nói với chồng: "Giờ biết sống thế nào, lấy cái gì ăn cho 21 ngày đây?". Mọi việc đến bất ngờ khiến chị chẳng kịp mua đồ dự phòng. Nhận được thực phẩm thiết yếu từ nhóm chủ trọ đủ cho vợ chồng ăn trong một tuần, chị mừng rỡ, yên tâm là "sẽ sống tốt" những ngày tới.
Ông Bùi Đức Ninh, tổ trưởng tổ 14 nói: "Với những người bệnh lay lắt chờ viện K mở cửa trở lại, đây là món quà giá trị".
Giải thích thêm về "hoàn cảnh ra đời" của nhóm tình nguyện, anh Xuân cho biết: "Có một bệnh nhân thuê trọ một mình kể, mấy ngày chẳng được ăn rau vì hàng quán, chợ xung quanh đều đóng cửa. Tôi nghĩ, bệnh nhân trong viện được quan tâm, bệnh nhân ngoại trú cũng cần được như vậy, vì họ khổ như nhau nên mới lên mạng xã hội kêu gọi ủng hộ".
Sau nửa ngày, anh nhận được nhiều cuộc gọi khắp Hà Nội, người nhận cung cấp gạo, người tặng bánh chưng, xôi... Bất ngờ vì không nghĩ là sẽ nhận được nhiều thế, anh Xuân tìm cách chia cho những nhà trọ khác.
Anh gọi điện nhờ bà Doãn lên danh sách bệnh nhân đang ở lại trong "xóm ung thư" và xin phép chính quyền địa phương. 3 giờ chiều ngày 11/5, xe thực phẩm đầu tiên đến, các chủ trọ được gọi đến lấy quà cho bệnh nhân nhà mình. Tuy nhiên, vì sợ tụ tập đông người ảnh hưởng đến công tác phòng dịch, Xuân lại lên phương án khác. "Lần này tôi phân công 5 chủ trọ chia thực phẩm và mang đến từng nhà. Tuy vất vả chút nhưng an toàn".
Hôm sau, với quần áo bảo hộ cùng hai lớp khẩu trang kín mít, những chủ trọ nằm trong vùng bị phong tỏa nhận nhiệm vụ mới. Nhận được hàng tiếp tế, nhóm bắt đầu lên đường, tỏa ra các nhà trọ từ 12h30 - thời điểm vắng vẻ nhất để hạn chế tiếp xúc và thường kết thúc lúc 21h.
"Giữa trưa nắng lại mặc quần áo bảo hộ, mồ hôi ai cũng chảy như suối. Nhưng nghĩ cố thêm chút nữa người bệnh đỡ khổ, chúng tôi lại có động lực", bà Doãn kể. Đi đến từng nhà, họ gặp những bệnh nhân ung thư chỉ sống một mình, mấy ngày không dám ra khỏi phòng. Nhận được quà, người bệnh cuống quýt cảm ơn, khiến người trong nhóm dù về đến nơi tập kết, mắt vẫn đỏ hoe.
Có buổi đang mướt mồ hôi chia thực phẩm, bà Doãn nhận điện của một bệnh nhân cầu cứu. Người này vì tạm dừng điều trị khi bệnh viện bị phong tỏa nên choáng ngất, đập đầu xuống đất chảy bê bết máu. Không chần chừ, bà chủ trọ tạm giao lại việc cho chị em, gọi điện khắp nơi xin xe cấp cứu. Một bệnh viện sau đó đã tiếp nhận chữa trị, bệnh nhân qua được cơn nguy kịch.
Còn với Xuân, mấy ngày nay, anh nhận được nhiều nhu yếu phẩm từ những người không tiết lộ danh tính. Sáng 14/5, một mạnh thường quân gọi điện đến cam kết sẽ cung cấp mỗi ngày 300 suất cơm cho đến khi "xóm ung thư" được gỡ phong tỏa. Mở hộp cơm với đầy đủ thức ăn, rau củ, Xuân rất vui, nói với người trong nhóm, chỉ trong hoạn nạn mới hiểu rõ tình nghĩa đồng bào.
Hải Hiền