Kinh nguyệt là một phần trong cuộc đời của người phụ nữ. Kỳ kinh kéo dài từ 3 đến 7 ngày và thường lặp lại sau 28 ngày. Song không ít người còn hiểu biết hạn chế về nó.
Quan hệ trong kỳ kinh nguyệt không thể mang thai
Theo Medical News Today, khả năng mang thai lớn nhất thường rơi vào giai đoạn rụng trứng, từ khoảng 12 đến 16 ngày trước khi bắt đầu lần kinh nguyệt tiếp theo. Khi đó, buồng trứng sản xuất và giải phóng tế bào trứng mới.
Hầu hết các chu kỳ kinh nguyệt kéo dài khoảng 28 ngày. Một số chu kỳ khoảng 21 ngày. Hơn nữa, tinh trùng có thể sống bên trong đường sinh dục tối đa 5 ngày hoặc 7 ngày. Do đó, quan hệ tình dục không thể hoàn toàn ngăn chặn khả năng mang thai nếu tinh trùng ở đủ lâu để trùng với quá trình rụng trứng và thụ tinh với trứng, dẫn đến mang thai.
Ngăn chu kỳ kinh nguyệt là không an toàn
Theo Sức khỏe phụ nữ quốc gia, ngăn chặn kinh nguyệt bằng việc dùng thuốc tránh thai được hầu hết bác sĩ phụ khoa khuyên là an toàn.
Đối với nhiều người, các triệu chứng kỳ kinh nguyệt trở nên nghiêm trọng, gây cản trở cho hoạt động bình thường và chất lượng cuộc sống. Họ có thể bị chảy máu nhiều, bị đau đớn và có các triệu chứng khó chịu khác như chứng đau nửa đầu và buồn nôn.
Những người bị đau bụng kinh hoặc gặp rắc rối với một số triệu chứng rối loạn có thể quyết định ngăn cản chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để có lựa chọn tốt nhất cho cơ thể.
Hạn chế tắm
Một số người nghĩ rằng tắm trong khi đang hành kinh là không an toàn do nước nóng kích thích chảy máu nên có thể có tác dụng xấu. Tuy nhiên, theo Medical News Today, nước nóng có thể giúp giảm đau bụng kinh và giảm căng cơ.
Thư giãn trong bồn tắm mang lại cảm giác sạch sẽ, cải thiện tâm trạng và giúp bạn đối phó với các triệu chứng của chu kỳ kinh nguyệt
Ngoài ra, bạn nên sử dụng nước và loại xà phòng nhẹ, không gây khó chịu để vệ sinh vùng kín thay vì dùng những sản phẩm khác. Nhiều sản phẩm có thể phá vỡ sự cân bằng vi khuẩn ở bộ phận sinh dục.
Ngoài ra, tắm nước nóng có thể làm giảm viêm và cải thiện lượng đường trong máu.
Nhầm lẫn về băng vệ sinh tampon
Hầu hết người ta thường lo lắng việc đặt băng vệ sinh có thể phá vỡ màng trinh. Song, màng trinh là một màng co giãn dọc theo lỗ mở của âm đạo và thường không bao phủ lỗ âm đạo. Trong một số trường hợp, màng trinh chặn máu kinh nguyệt hoặc các loại dịch tiết khác khỏi cơ thể, gây nguy hiểm và có thể phải phẫu thuật.
Trong thời kỳ kinh nguyệt, máu bôi trơn âm đạo nên việc chèn một vật nhỏ như băng vệ sinh không gây đau đớn hay khó chịu nếu bạn dùng đúng cách.
Nếu vẫn không thoải mái, hãy thử sử dụng chất bôi trơn để giúp trượt băng vệ sinh vào. Phải luôn thay băng vệ sinh thường xuyên, theo khuyến cáo cứ sau 4-8 giờ để loại bỏ vi khuẩn, chống viêm.
Ngoài ra, tampon không vào sâu bên trong âm đạo đối với người sử dụng lần đầu.
Thùy An