Những ngày này tại các khai trường than lộ thiên của Công ty than Cao Sơn và Công ty than Cọc Sáu tại TP Cẩm Phả có hàng trăm xe tải lớn, xe Komatsu HD785 loại 91 và 96 tấn liên tục hoạt động. Mỗi xe chở hàng chục tấn đất đá rầm rầm vượt dốc tại các đường mỏ lộ thiên để đổ thải.
Các bãi thải được đổ theo phân tầng từ thấp lên cao, nhìn từ xa như những dãy núi cao hàng trăm mét, kéo dài nhiều cây số và ôm trọn các khu dân cư bên dưới. Đất đá ở đây có độ xốp, nên mỗi khi xe tải chạy qua bụi lại bay mù mịt. Đến mùa mưa bão, bãi thải như "quả bom" treo trên đầu khu dân cư vì nguy cơ sạt lở cao.
Sống cách bãi thải của Công ty than Cọc Sáu khoảng một km, bà Yến (70 tuổi, trú khu 5, phường Mông Dương) cho biết thường xuyên phải lau dọn và không dám mở cửa nhà.
"Chúng tôi ở đây khổ lắm, cứ hôm nào công ty họ đổ thải là hôm đó bụi bay khắp nơi từ trên cao xuống khu dân cư. Những hôm gió to, trời mù mịt như sương mù. Ở đây mọi người đóng cửa suốt ngày, không dám mở cửa. Nhiều hôm đi bộ tập thể dục một lúc chiếc khẩu trang đã bám đầy bụi", bà Yến nói, cho hay người dân địa phương thường không dám mặc áo trắng khi ra đường.
Ông Trương Xuân Hạ (73 tuổi, trú khu 13 phường Mông Dương) cũng phản ánh gia đình sống cách bãi thải hơn một km nhưng "cứ gió thổi là bụi bay xuống khu dân cư". "Chúng tôi đã sống chung với bụi mịn độc hại hàng chục năm nay, kiến nghị các cấp, các ngành rất nhiều nhưng không thay đổi được gì", ông Hạ nói.
Theo ông Hạ, trước đây một số bãi thải xung quanh nhà ông sau khi đổ cao lên hàng trăm mét đã được trồng cây phía trên để hạn chế ô nhiễm, "nhưng gần đây xe tải tiếp tục đến khu vực này đổ thải, chúng tôi không rõ của đơn vị nào".
Bà Yến, ông Hạ cùng nhiều người dân Cẩm Phả vẫn còn nhớ trận mưa lớn đêm 26/7/2015 trên địa bàn, khiến đập chứa thải than của Công ty than Cao Sơn bị vỡ, đất đá tràn xuống tổ dân phố số 1 và 2, khu 4, phường Mông Dương. Bùn ngập trên diện rộng, có điểm ngập đến nóc nhà, sâu 2-3 m. Khoảng 100 hộ dân với hàng trăm người chỉ kịp chạy thoát thân, không kịp mang theo bất cứ tài sản gì.
Năm 2006, hàng trăm tấn đất đá từ bãi thải của Công ty than Cọc Sáu cũng đổ xuống, thúc vỡ đập chắn, phủ kín nhiều ngôi nhà ở phường Cửa Ông.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, các bãi thải khai thác than trên địa bàn tỉnh phân bố chủ yếu tại TP Hạ Long, Uông Bí, thị xã Đông Triều và nhiều nhất là ở TP Cẩm Phả. Riêng tại TP Cẩm Phả, ngoài hai Công ty than Cao Sơn và Cọc Sáu, còn nhiều đơn vị khác cũng khai thác than lộ thiên, đổ thải.
Tổng diện tích các bãi thải ở Quảng Ninh hơn 4.000 ha, có thể chứa khoảng 2.125 triệu m3 đất đá, hiện nay đã chứa hơn 1.375 triệu m3. Hàng năm, các đơn vị khác thác than lộ thiên đổ thải khoảng 150 triệu m3.
"Các bãi thải chiếm dụng diện tích đất lớn, ảnh hưởng đến cảnh quan, gây ô nhiễm bụi. Nhiều bãi thải có cao độ từ 200 đến 300 m, nguy cơ sạt lở rất cao, đặc biệt là sau các đợt mưa lũ kéo dài", đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh nói.
Vị này cho hay, tỉnh và ngành than đã và đang triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu tác động của các bãi thải như trồng cây phủ xanh phía trên, gia cố hệ thống kè taluy chân bãi, đầu tư xây dựng hệ thống thu thoát nước, hệ thống đập ngăn rửa trôi đất đá, phun sương tưới ẩm chống bụi... Các cơ quan chức năng cũng tổ chức di dân đối với những hộ dân trong khu vực nguy cơ sạt lở.
Ngoài ra, từ tháng 3, UBND tỉnh Quảng Ninh đã lên phương án khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2021-2025).
Hiện nhu cầu sử dụng đất đá để san lấp mặt bằng các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh rất lớn, bình quân khoảng 130 triệu m3 mỗi năm. Trong khi đó, đất đá thải mỏ phù hợp sử dụng làm vật liệu san lấp, thực hiện thành công phương án trên sẽ giúp hạ thấp độ cao bãi thải mỏ, góp phần phòng chống sạt lở trong mùa mưa bão, giảm ảnh hưởng môi trường...
Khi đất đá thải mỏ có "đầu ra", tỉnh và ngành than giảm được các khoản kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường; kinh phí mở rộng và xây dựng bãi thải; kinh phí thực hiện đề án di dân ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở...
Tuy nhiên, ông Cao Tường Huy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết đất đá thải tại các bãi thải của mỏ than đang hoạt động là "khoáng sản đi kèm", để sử dụng phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.
"Tỉnh Quảng Ninh đang đề nghị phía Bộ ủy quyền cho tỉnh cấp phép. Nếu Bộ cấp phép sẽ phải xuống kiểm tra mất nhiều thời gian, để tỉnh làm việc này sẽ nhanh hơn", ông Huy nói.