"Tôi mua kim cương vì tôi muốn và tôi có đủ khả năng chi trả cho nó", Yao nói. "Không có điều luật nào quy định bạn chỉ có thể nhận được một chiếc nhẫn kim cương sau khi kết hôn, hoặc đó phải là món quà từ bạn trai. Tôi là người hùng của chính mình. Tôi có năng lực và tôi thích mua những thứ làm hài lòng bản thân, khiến tôi hạnh phúc hơn".
Phụ nữ Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ trẻ hay thế hệ Gen Z, đang chi tiêu nhiều hơn bao giờ hết cho niềm vui cá nhân và cải thiện bản thân.
Với khả năng độc lập tài chính cao mạnh mẽ hơn so với cha mẹ và ông bà của họ, phụ nữ trẻ ở Trung Quốc đang đóng một vai trò quan trọng chưa từng thấy trên thị trường tiêu dùng, góp phần vào "nền kinh tế nữ giới" đang phát triển xoay quanh người tiêu dùng nữ.
Theo báo cáo năm 2019 của công ty công nghệ thông tin Accenture, Trung Quốc có hơn 400 triệu người tiêu dùng nữ từ 20 đến 60 tuổi và họ chi hơn 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,58 nghìn tỷ USD) tiêu dùng hàng năm. Thực tế này biến thị trường người tiêu dùng nữ ở Trung Quốc trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ ba toàn cầu, gần bằng thị trường bán lẻ Đức, Pháp, Anh cộng lại.
Báo cáo từ Accenture cũng cho thấy quan niệm đàn ông là trụ cột gia đình và phụ nữ làm nội trợ trở nên lỗi thời, vì hiện nay, 97% phụ nữ thành thị Trung Quốc có thu nhập, 68% trong số họ sở hữu nhà.
Trong gia đình, phụ nữ thường chịu trách nhiệm về các quyết định tài chính và mua sắm.
Sức mạnh tài chính vững chắc đã giúp củng cố vị thế độc lập của phụ nữ Trung Quốc khi chi tiêu. Thu nhập tổng thể của phụ nữ Trung Quốc đã tăng từ mức thấp hơn đàn ông 17% vào năm 2020 lên mức thấp hơn 12% trong năm nay, theo báo cáo được công bố hồi đầu tháng bởi nhà cung cấp dịch vụ mua sắm trực tuyến Zhaopin.com.
Báo cáo cho biết thêm rằng khoảng cách thu nhập theo giới được dự báo tiếp tục thu hẹp hơn nữa trong tương lai.
Giáo dục cũng đóng một phần quan trọng trong việc hình thành thói quen làm việc và chi tiêu của phụ nữ.
Theo Niên giám Thống kê Trung Quốc năm 2021, nữ giới chiếm 52,7% trong số những người từ 20 đến 34 tuổi có bằng cử nhân trở lên.
"Những năm gần đây, khả năng độc lập tài chính của phụ nữ và dư luận ủng hộ phụ nữ theo đuổi sự nghiệp cũng như bình đẳng giới liên tục được cải thiện", Angela Luo, nữ luật sư độc thân 40 tuổi ở Quảng Châu, cho hay. "Phong trào nữ quyền toàn cầu là một yếu tố góp phần. Quan trọng hơn, trình độ học vấn và thu nhập trung bình của phụ nữ trẻ Trung Quốc đã tăng mạnh".
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản Trung Quốc đang chứng kiến tỷ lệ người mua nhà là phụ nữ ngày càng tăng. Chủ sở hữu là nữ giới chiếm 48,65% doanh số bán nhà tại 38 thành phố của nước này vào năm 2021, theo Viện Nghiên cứu Beike, tổ chức tư vấn liên kết với Beike Zhaofang, nhà môi giới bất động sản trực tuyến lớn nhất Trung Quốc.
Tại Thâm Quyến, những người mua nhà là phụ nữ chiếm 54,76% tổng doanh số bán nhà. Tại các đô thị mới nổi của Trung Quốc, tỷ lệ phụ nữ mua nhà cũng tăng nhanh trong năm ngoái, chiếm 51,68% doanh số bán nhà ở Đông Quan, tỉnh Quảng Đông, 45,75% ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, và 44,27% ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang.
Hiện tại, mỗi năm Luo trả ngân hàng khoảng 25.200 USD tiền gốc và lãi cho căn hộ hai phòng ngủ của mình, 9.4000 USD cho bảo hiểm y tế và dành một khoản đáng kể cho các khoản đầu tư.
Cô muốn có thu nhập khoảng 945.000 USD trong 5 năm tới để trả trước cho một phần bất động sản đầu tư trị giá 1,57 triệu USD ở khu thương mại trung tâm ở Quảng Châu.
"Tôi chi kha khá mỗi tháng cho các lớp thể dục có huấn luyện viên cá nhân và thực phẩm hữu cơ", Luo nói thêm. "Tôi cũng quan tâm đến môn trượt tuyết đang nổi và muốn trượt tuyết trên khắp đất nước trong tương lai".
Một báo cáo về thói quen tiêu dùng của phụ nữ Trung Quốc, được Viện Nghiên cứu Tiêu dùng và Phát triển Công nghiệp JD công bố hồi tuần trước, đã giúp phân tích động lực gia tăng mức chi tiêu này.
"Những thay đổi trong quan niệm về tiêu dùng của phụ nữ không diễn ra để họ có thể khẳng định bản thân bằng những gì họ mua, mà là để phá vỡ những ranh giới vô hình và cố gắng hướng tới một bản thân tốt đẹp hơn", báo cáo nhấn mạnh. "Họ không bị chủ nghĩa tiêu dùng cuốn đi. Thay vào đó, họ đang tìm kiếm, thể hiện và cải thiện bản thân trong quá trình tiêu dùng.
Vài năm qua, Yijia Guo, cô gái 26 tuổi mới kết hôn đến từ Bắc Kinh, đã chi hàng chục nghìn USD cho các lớp học về ngôn ngữ và luật, sắc đẹp và thể dục, nhằm hoàn thiện bản thân.
"Chi tiêu vào các sản phẩm và liệu trình làm đẹp là để tôi quyến rũ hơn, thể dục là để có sức khỏe và một vóc dáng đẹp hơn, các khóa học nhằm giúp tôi nâng cao kỹ năng để có thể phát triển chuyên môn tốt hơn và có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn", Yijia giải thích. "Tôi cảm thấy bản thân cần tiếp tục học hỏi và không ngừng tiến lên phía trước".
"Tôi sẵn sàng chi tiêu cho bản thân và điều rất quan trọng là phụ nữ có đủ khả năng tài chính để mua bất cứ thứ gì họ muốn. Bằng cách này, bạn không phải đặt quá nhiều kỳ vọng vào người khác và nó có thể khắc sâu bản sắc của bạn", cô cho hay.
Báo cáo của JD cũng ghi nhận mức tăng gần 30% trong chi tiêu của phụ nữ nhằm làm hài lòng bản thân so với các khoản chi cho gia đình khác. Phụ nữ đang đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, giải trí và du lịch, cũng như các dịch vụ cải thiện sức khỏe.
Theo báo cáo từ JD, người tiêu dùng nữ cũng cho thấy nhu cầu thay đổi mạnh mẽ và mong muốn được trao quyền. Điều này được thể hiện ở việc họ ngày càng quan tâm đến các môn thể thao như bơi lội, trượt tuyết hay cưỡi ngựa.
Năm 2021, phụ nữ Trung Quốc mua các dịch vụ và vật dụng liên quan đến thể thao nhiều hơn 8,4 lần so với năm 2020, khi đại dịch tàn phá nền kinh tế quốc gia và cắt giảm chi tiêu.
Mục tiêu theo đuổi chất lượng cuộc sống tốt hơn, đặc biệt là mối quan tâm ngày càng tăng đối với các thiết bị công nghệ, cũng xuất hiện những phụ nữ lớn tuổi. Ví dụ vào năm ngoái, chi tiêu cho các thiết bị thông minh đã tăng 122% ở nhóm phụ nữ tuổi từ 46 đến 55 tuổi, trong khi toàn bộ người tiêu dùng nữ chi tiêu nhiều hơn 40% cho các thiết bị thông minh so với năm 2020.
Theo một báo cáo được công bố bởi nền tảng kinh doanh trực tuyến Tmall vào tháng ba năm ngoái, 80% "thương hiệu tốt nhất" được thành lập vào năm 2020 tập trung vào nhu cầu tiêu dùng của phụ nữ và 40% chủ sở hữu thương hiệu đó là nữ. Trong khi đó, ở ngành hàng thời trang, các doanh nhân nữ chiếm hơn 50% tổng số chủ thương hiệu.
Để so sánh, phụ nữ chỉ chiếm chưa đến 1/10 trong danh sách 500 CEO của tạp chí Fortune vào năm 2021.
"Trung Quốc có một trong những nhóm doanh nhân nữ năng động nhất thế giới. Cả số lượng và tỷ trọng của họ đều dẫn đầu so với các nước phát triển ở phương Tây như Mỹ hay Anh", Josh Ding, giám đốc điều hành và đối tác của Boston Consulting Group, cho biết.
Theo Grace Koo, người sáng lập chợ thủ công và hàng mỹ nghệ Mafa Bazaar ở Quảng Đông, thế hệ trẻ Trung Quốc ngày càng tin rằng phụ nữ hoàn toàn có khả năng làm chủ doanh nghiệp và cải thiện chất lượng cuộc sống bản thân.
Chợ Mafa Bazaar chuyên tập trung vào các thiết kế theo yêu cầu và buôn bán đồ sưu tầm. Nó đã thu hút hơn 10.000 nữ doanh nhân trẻ tham gia kể từ khi thành lập vào năm 2013.
Ngoài ra, hơn 57 triệu phụ nữ Trung Quốc đang kiếm việc làm trực tuyến, bao gồm cả trong lĩnh vực thương mại điện tử và với tư cách là những người có ảnh hưởng (infulencer), theo một nghiên cứu được Ali Research công bố hồi đầu tháng, tập trung vào việc làm và tinh thần kinh doanh của phụ nữ trong nền kinh tế kỹ thuật số Trung Quốc.
Nghiên cứu cho thấy nền kinh tế kỹ thuật số cũng góp phần giảm bớt các rào cản đối với việc làm và nỗ lực khởi nghiệp của lao động nữ ở nông thôn cũng như vùng sâu vùng xa, đồng thời tăng quy mô việc làm cho phụ nữ có trình độ học vấn thấp hơn.
"Tôi rất vui khi thấy ngưỡng bắt đầu kinh doanh hoặc cạnh tranh để khởi nghiệp của phụ nữ trẻ Trung Quốc đã giảm đáng kể so với trước đây", Luo cho biết. "Nhiều khách hàng của tôi nhận thấy rằng khi họ có thể tự nuôi sống bản thân bằng chính năng lực và sức lao động của mình thì họ không cần phải phụ thuộc vào đàn ông nữa".
Vũ Hoàng (Theo SCMP)