Đêm 14/5, khi những quả bom Israel trút xuống Dải Gaza ngày thứ tư liên tiếp, Mghames, nhạc sĩ kiêm rapper người Palestine, rời khỏi nhà bếp nơi gia đình 4 người của anh đang trú ẩn để đi lấy chiếc tai nghe chống ồn. Anh đeo chúng lên đôi tai bé nhỏ của con, tìm một video vui nhộn trên YouTube rồi ấn nút phát.
"Con bé bắt đầu cười", Mghames nhớ lại. "Nó nói, 'ba ơi, ba có nghe thấy con không?' Giờ đây, con bé đi ngủ với chúng".
Mghames, 36 tuổi, biết rõ rằng chiếc tai nghe sẽ không thể bảo vệ con anh khỏi những quả bom đã giết chết hơn 200 người ở Gaza trong 10 ngày qua, trong đó có hơn 60 trẻ em. Nhưng như vô số bậc phụ huynh khác, cả người Palestine lẫn Israel, anh đang làm mọi việc có thể để bảo vệ con cái mình khỏi bị tổn thương về tâm lý dưới làn mưa bom.
Các ông bố, bà mẹ ở cả hai phía đã gác lại nỗi sợ hãi để tổ chức những trò chơi trong nhà, tiệc khiêu vũ hay cuộc thi nấu ăn nhằm giúp con cái họ tiêu khiển, quên đi tiếng bom. Họ xây những "pháo đài bằng gối phía sau cánh cửa nhà".
Zaher Sbaih cùng cậu con trai 8 tuổi của anh hát và biểu diễn với một chiếc guitar đồ chơi mỗi khi có không kích, trong lúc đó, mẹ anh ngồi xem hai cha con. "Buổi hòa nhạc" làm dịu lòng tất cả mọi người, Sbaih nói. Nó diễn ra sau một ngày dài đầy các hoạt động, từ tô màu, nhảy múa đến đuổi bắt. Nhưng không gian chơi đùa chỉ bó hẹp giữa những bức tường.
"Chúng tôi khiến chúng mệt để có thể ngủ và không thức giấc nếu các đợt dội bom không quá khủng khiếp", Sbaih cho hay. Gia đình anh chuyển đến sống cùng mẹ sau khi tòa nhà chung cư của họ bị phá hủy sau một cuộc không kích hồi tuần trước.
Sbaih điều hành một nhóm phi lợi nhuận cung cấp viện trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi nghèo đói và xung đột. Khi phần lớn người dân ở Gaza đều đang trú ẩn, anh không thể gặp các gia đình mà mình thường giúp đỡ. Nhưng Sbaih lại có thể dùng những kiến thức chuyên môn tích lũy được cho chính gia đình mình: Phải luôn bình tĩnh, đánh lạc hướng và thu hút chú ý của lũ trẻ. Cho chúng biết chúng không đơn độc.
Điều khó nhất là làm sao để không thể hiện nỗi sợ hãi trước lũ trẻ, anh nói. Khi con tô màu, Sbaih và vợ cũng vẽ để giải tỏa những căng thẳng, lo âu.
"Thực sự rất khó", Sbaih cho hay. "Sau vài ngày thì tôi nhận ra rằng bản thân thậm chí không thể ăn uống tử tế. Tôi phải nhờ em trai nhắc mình uống nước".
Maha al-Daya, 44 tuổi, vẫn nhớ cảnh hai con lao vội vào lòng cô sau một vụ nổ kinh hoàng.
"Tôi đã khóc nhưng không phát ra tiếng để các con không nghe thấy", cô kể. "Chúng hỏi: 'Ở đâu bị trúng bom vậy mẹ?', tôi trả lời: 'Ở rất xa nơi này. Đừng sợ nhé'. Nhưng bản thân tôi lúc đó cũng đang run sợ".
Tại Israel, nơi hơn 10 người đã thiệt mạng bởi hàng nghìn quả rocket phóng từ Dải Gaza hơn một tuần qua, những cuộc tập kích không ngừng nghỉ của dân quân Hamas khiến nhiều gia đình phải chạy tới nơi trú ẩn hơn chục lần mỗi ngày. Một người mẹ cho biết cô run rẩy đến mức sợ rằng cái ôm của mình sẽ chỉ khiến con trai cô thêm kinh hãi trước những tiếng nổ bên ngoài, chủ yếu là âm thanh của tên lửa phòng không đánh chặn rocket Hamas.
"Con trai tôi có thể phân biệt tiếng nổ từ một quả rocket bị bắn trên trời với một quả rocket rơi xuống bên ngoài nhà", bà mẹ ba con Stella Weinstein nói. "Đây là điều mà một đứa trẻ 7 tuổi không nên biết".
Weinstein sống tại Ashdod, thành phố cảng cách Gaza hơn 20 km, nơi những năm gần đây thường xuyên trở thành mục tiêu bắn phá của Hamas và nhóm vũ trang Hồi giáo Islamic Jihad.
Cuộc sống ở miền nam Israel, khu vực gần Dải Gaza, từ lâu đã gắn liền với những tiếng còi báo động phòng không. Người dân có chưa đầy 20 giây để chạy đến nơi trú ẩn khi còi báo động rú lên, có thể là gầm cầu thang chung cư hay một căn phòng kiên cố được xây sẵn trong nhà. Căn phòng này giờ đây là yêu cầu cơ bản đối với tất cả các công trình xây mới.
Sau nhiều năm trốn dưới gầm cầu thang, Weinstein cho biết vợ chồng cô may mắn đã có được một phòng trú ẩn trong căn hộ nằm trên tầng 6 chung cư mà họ mới chuyển đến hồi tháng trước. Họ sau đó trang trí nó giống như phòng vui chơi để trấn an các con.
Vào đêm 10/5, khi Hamas bắt đầu đợt tập kích rocket, gia đình cô đã phải chạy vào phòng trú ẩn hơn 15 lần. Cuối cùng, vì quá mệt, họ quyết định ngủ luôn trong đó.
Nhưng cảm giác an toàn không còn nữa sau khi Weinstein nghe tin một cậu bé tên Ido, trùng với tên con trai cô, đã thiệt mạng hôm 14/5 trong lúc đang trốn cùng mẹ tại phòng trú ẩn. Ba ngày sau, một tòa nhà gần đó bị rocket rơi trúng, khiến căn phòng trú ẩn của nhà Weinstein cũng rung chuyển bởi tiếng nổ khủng khiếp.
Các con của Weinstein không còn muốn đi quá xa khỏi phòng trú ẩn và cũng không dám chơi ngoài ban công căn hộ nữa vì chúng không muốn quả bóng mà mình hay đá bị thiêu rụi như tòa nhà bên cạnh. Một đứa trẻ hai tuổi con hàng xóm thậm bỏ cả ăn.
Mghames, nhạc sĩ kiêm rapper tại Gaza, cho biết con trai anh, Jamal, 4 tuổi, không tỏ ra lo lắng trước những tiếng nổ vào ban đêm, nhưng con gái và vợ anh thì vô cùng kinh sợ.
Sáng sớm hôm 13/5, cô con gái Joury của anh nói "Cha ơi, con không muốn đêm xuống". Cô bé bắt đầu tìm trên Internet những nơi không có tiếng bom và muốn được cùng bà đến Đức hay Abu Dhabi, thủ đô Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Đáp lại, Mghames chỉ biết cố tìm cách làm con phân tâm. Anh và bọn trẻ dành hàng giờ mỗi ngày tô màu, vẽ tranh, phụ giúp công việc bếp núc, tập nhảy theo video và xem YouTube. Họ dùng đệm để dựng một "ngôi nhà" và chơi đồ hàng, nơi anh là con và Joury là mẹ.
"Con bé nói trong lúc nhập vai: 'Con không được ra ngoài đâu'. Mẹ sẽ kể chuyện cho con ở trong này'", anh kể.
Đôi lúc, khi tiếng nổ bên ngoài quá gần hay tin tức quá khủng khiếp, anh phải vào phòng vệ sinh một mình. "Tất nhiên, tôi không thể khóc trước mặt chúng", anh nói. "Tôi đang cố hết sức. Nhưng rất nhiều hình ảnh tồi tệ cứ tràn ngập trong đầu tôi".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)