"Chúng tôi vừa tấn công các mục tiêu dưới lòng đất. Lực lượng Hamas nghĩ rằng họ có thể trốn ở đó, nhưng không thể. Giới chức cấp cao Hamas tưởng là có thể thoát khỏi vòng vây của chúng tôi, nhưng họ không thể thoát", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tối 14/5.
Theo quân đội Israel, 160 máy bay đã tấn công hơn 150 mục tiêu dưới lòng đất ở phía bắc Dải Gaza, với trọng tâm là thị trấn Beit Lahiya. Mục đích của hoạt động này là gây thiệt hại nặng nề cho mạng lưới địa đạo rộng lớn có tên "Metro Gaza" của Hamas. Quân đội Israel hôm 17/5 thông báo đã đánh sập được 15 km đường hầm.
Trong những cuộc phỏng vấn với báo chí phương Tây, các thủ lĩnh Hamas đã xác nhận về sự tồn tại của hệ thống đường hầm, mô tả chúng như một "sáng kiến", đồng thời nhấn mạnh mạng lưới này chủ yếu để phòng thủ. Hamas lưu ý ngay cả khi lực lượng Israel phá hủy chúng, vẫn còn rất nhiều đường hầm khác.
Quân đội Israel từng đưa các nhà báo đi thăm quan những đường hầm mà họ đã chiếm được. Đây là công trình phức tạp một cách đáng kinh ngạc với những bức tường bê tông, mạng lưới điện và xe đẩy. Một số nhà báo cũng được dân quân Hamas đưa vào xem địa đạo.
Khác với nhiều đường hầm từng bị nhắm đến trong quá khứ, giới chức Israel cho biết các mục tiêu trong những cuộc không kích gần đây chỉ được Hamas sử dụng bên trong lãnh thổ Gaza, không phải để di chuyển ra vào khu vực này.
Được xây dựng tại Gaza nhằm đối phó lệnh phong tỏa của Israel sau khi Hamas giành quyền kiểm soát dải đất vào năm 2006, "Metro Gaza" ban đầu được cho là dùng để buôn lậu hàng hóa vào khu vực, kinh doanh bất hợp pháp, thay vì mục đích quân sự.
Tuy nhiên, hệ thống này nhanh chóng được chuyển sang phục vụ những mục đích khác. Năm 2006, Hamas sử dụng đường hầm để bắt một binh sĩ Israel tên Gilad Shalit, người bị giam giữ trong 5 năm trước khi được trả tự do, như một phần của thỏa thuận trao đổi tù nhân năm 2011.
Trong cuộc chiến đẫm máu tại Gaza năm 2014, Hamas đã đăng những video quay cảnh các dân quân che mặt mang vũ khí tự động và súng phóng lựu, bò lên từ một chiếc hố trên mặt đất. Giới chức Israel xác nhận binh lính của họ đã bị các dân quân "độn thổ" phục kích bất ngờ.
Cũng trong cuộc xung đột này, lực lượng Israel cho biết họ phát hiện dân quân Hamas mang theo còng tay và thuốc an thần, dường như có kế hoạch bắt cóc người Israel.
Khoảng 30 đường hầm bị phá hủy trong cuộc chiến năm 2014. Vào thời điểm đó, giới chức Israel cho biết Hamas đã xây dựng hơn 1.300 đường hầm kể từ năm 2007, với chi phí 1,25 tỷ USD lấy từ nguồn ngân sách đáng lẽ dành cho cơ sở hạ tầng công cộng tại Gaza.
Thủ tướng Netanyahu bày tỏ lo ngại mạng lưới đường hầm sẽ được sử dụng không những để bắt cóc binh sĩ, mà còn cả dân thường Israel. Hamas trong quá khứ từng sát hại dân thường, và các vụ phóng rocket gần đây tuy vũ khí thô sơ nhưng vẫn khiến nhiều người dân thiệt mạng.
Giới chuyên gia chỉ ra rằng một phần mục đích của "ma trận địa đạo" chính là gieo rắc tâm lý sợ hãi đó. Gerard De Groot, giáo sư lịch sử tại Đại học St Andrews, từng mô tả các đường hầm có thể "gợi lên nỗi kinh hoàng khác thường, như thể ma quỷ sẽ xuất hiện từ dưới địa ngục để gieo rắc đau khổ trên Trái Đất".
Những lời ca ngợi về quy mô mạng lưới đường hầm của giới chức Hamas có thể đã được phóng đại, nhưng những người từng nghiên cứu hệ thống này cũng đánh giá nó vô cùng phức tạp.
Trong một bài viết gần đây, Rami Abu Zubaydah, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Ai Cập, cho biết lực lượng dân quân đã tiết lộ trong các cuộc phỏng vấn rằng nhiều loại đường hầm được sử dụng cho những mục tiêu chiến lược đa dạng, bao gồm những đường hầm để chiến đấu, nơi tập hợp ban lãnh đạo, hay cất giữ rocket và vũ khí. Ngoài ra còn có các đường hầm nhỏ hơn giúp vận chuyển nhanh chóng.
Israel từng tính đến nhiều biện pháp đối phó với hệ thống đường hầm, bao gồm dự án xây dựng bức tường ngầm đầy tham vọng vừa được hoàn thành hồi tháng 3 sau nhiều năm đổ công sức. Giới chức từ chối tiết lộ bức tường sâu bao nhiêu.
Phát biểu bên lề hội nghị của tổ chức Ủy ban Các vấn đề Công cộng Israel của Mỹ tại Washington hồi năm 2018, một quan chức lãnh đạo bộ phận tác chiến chống ngầm, thuộc đơn vị công nghệ của quân đội Israel, cho biết họ có những kỹ thuật mới phức tạp để tìm ra các đường hầm, nhưng từ chối nêu chi tiết.
Bất kể thông báo về việc đưa bộ binh tấn công Dải Gaza hôm 14/5 có phải đòn "tung hỏa mù" hay không, giới chức Israel tuyên bố mục tiêu của họ là các thành viên cấp cao của Hamas, bao gồm những người chịu trách nhiệm xây dựng và duy trì hệ thống đường hầm.
"Chúng tôi nhận thấy nỗi sợ của họ sau khi chứng kiến khoảng 100 bằng hữu thiệt mạng trong vài ngày qua", phát ngôn viên quân đội Israel Hidai Zilberman cho biết hôm 14/5.
Sau cuộc họp với các chỉ huy tại Tel Aviv vào cùng ngày, Thủ tướng Netayahu cũng tuyên bố sẽ tiếp cận lực lượng Hamas "ở khắp mọi nơi".
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)