Cụ thể vợ chồng Ellen Scherer Crafts và Trevor Crafts sống với con gái 5 tuổi ở California. Bà Jackie Chirico, mẹ của Ellen sống ở Nevada và cha mẹ của anh Trevor, Edward và Heather Crafts, sống ở bang Texas.
Nhưng sau nhiều tháng bị cách ly, ít có cơ hội gặp nhau và các khó khăn trong chăm sóc trẻ em, họ đã thử một điều gì đó táo bạo. Mỗi gia đình đều rao bán nhà vào tháng 3 vừa qua và thật ngạc nhiên, cả ba căn nhà đều bán trên giá chào bán trong vòng một tuần. Vào tháng 5, họ đã cùng mua một bất động sản 2,6 triệu đôla, rộng hơn 4 hecta ở Weston, bang Connecticut, nơi có một ngôi nhà chính, một nhà khách, một nhà kho và studio.
"Đây là cơ hội chỉ có một lần trong đời mà tôi không muốn bỏ lỡ. Giữa cái lúc thị trường bất động sản đang nóng điên cuồng này, chúng tôi may mắn tìm được một bất động sản có thể tổng hợp tất cả lại với nhau", bà Edward, một ca sĩ opera đã nghỉ hưu cho biết.
Đại dịch đang định hình lại thị trường nhà ở tại Mỹ. Sau nhiều năm tăng trưởng chậm, cuộc sống gia đình đa thế hệ có xu hướng tăng trở lại. Cùng với xu hướng giá nhà tăng ở hầu hết các quốc gia, việc hợp nhất nhiều thế hệ dưới một mái nhà tạo ra sức mạnh lớn hơn để có thể tiếp cận phân khúc nhà cao cấp.
"Tôi nghĩ đây có thể là một xu hướng tiếp tục tồn tại", Jessica Lautz, phó chủ tịch nhân khẩu học tại Hiệp hội chuyên viên địa ốc quốc gia, cho biết. Theo bà, việc mua nhà sống đa thế hệ đã rục rịch trong các năm qua ở các gia đình gốc Á và Latinh, hiện lan rộng hơn nhờ đại dịch.
Một cuộc khảo sát từ tháng 4 đến tháng 6/2020 cho thấy, 15% người mua nhà cho biết họ dự định quay lại với lối sống nhiều thế hệ - tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2012. Lý do phổ biến nhất là đưa cha mẹ già về sống, lo ngại sự cô lập và lây lan Covid-19 trong viện dưỡng lão. Đồng thời cũng phản ánh mong muốn có ông bà giúp chăm con cái, trong bối cảnh phải làm việc từ xa hoặc giãn cách.
Đối với vợ chồng Andrea và Dwight Francis, những người đang thuê một căn hộ rộng 90 m2 ở Queens thì sự xuất hiện đột ngột của con gái đã khiến việc tìm kiếm nhà của họ trở nên cấp thiết. "Sự ra đời của đứa con thứ hai khiến ngôi nhà phát nổ", anh Andrea, 44 tuổi, một kỹ sư phần mềm, người phải làm việc ở nhà cùng với vợ Dwight , 41 tuổi, giáo sư đại học, cho biết.
Vài tuần trước khi con thứ hai chào đời, họ mời mẹ đến sống chung để hỗ trợ chăm bé sơ sinh và con gái lớn 4 tuổi. Bà Masie, 77 tuổi, đang sống trong một cộng đồng hưu trí ở Atlanta, cũng khuyến khích các con tìm kiếm một ngôi nhà đủ rộng để có thể ở chung lâu dài. Với sự hỗ trợ tài chính của mẹ, vợ chồng Andrea đã mua một ngôi nhà ở Kew Gardens (phía đông Manhattan) vào tháng 1 với giá khoảng 715.000 đôla.
Vợ chồng chị Erin Wentz-Lesman, 41 tuổi, một giáo viên trường công lập ở Brooklyn, đang sống trong ngôi nhà 71 m2 với hai con, cũng quyết định cùng với cha mẹ của chị mua một ngôi nhà 5 phòng ngủ ở cùng khu phố với giá 1,25 triệu USD, vào tháng 10/2020.
Từ vài năm trước cha mẹ của chị Erin đã chuyển từ Ohio đến một nhà thuê ở đây để được gần cháu. Giờ đây họ sống ở tầng 1 của ngôi nhà 3 thế hệ, có căn bếp chứa đầy các món bánh ngọt cho hai đứa cháu. "Tôi luôn nói với chồng tôi rằng tôi muốn sống đủ gần để giúp đỡ, nhưng tôi không biết chúng tôi sẽ sống với các con", mẹ của Wentz nói.
Thị trường cho thuê, đặc biệt là ở các thành phố như New York, bị ảnh hưởng lớn do đại dịch. Jose Madrigal, 68 tuổi, một kiến trúc sư sống ở trung tâm thành phố Manhattan, có bốn người thuê nhà tại bất động sản ở Astoria vào đầu năm 2020, bao gồm cả căn cho đứa con trai 28 tuổi. Nhưng khi bùng dịch, những người thuê khác bỏ phố về quê.
Thay vì tìm kiếm người thuê mới, ông Joe, cùng vợ và con trai út chuyển đến sống cùng con trai cả - người thuê duy nhất còn lại bất động sản này, còn ngôi nhà kia thì rao bán. "Bạn nghe chuyện những đứa trẻ chạy trốn đại dịch về bên cha mẹ, điều ngược lại xảy ra với chúng tôi. Và thành thật mà nói, thật tuyệt vời", Jose nói. Gia đình ít phàn nàn về sở thích âm nhạc sôi động của cậu con trai so với những người thuê trước. Họ cũng thấy thoải mái ở đây vì ngôi nhà này nằm trên con phố với hai không gian ngoài trời. Việc gặp gỡ bạn bè cũng dễ dàng hơn.
Đối với đại gia đình Crafts thì lựa chọn này giúp họ ít đối mặt với cạnh tranh tài sản, trong xu hướng nhu cầu nhà ở gia đình hạt nhân đang nóng lên. Chủ đại lý bất động sản giúp gia đình này mua nhà cho biết: "Đó là một bất động sản không phù hợp với nhiều người, bởi đã chào bán vài tháng mà không tìm kiếm được người mua. Với đại gia đình này, sự hợp nhất lại trở nên phù hợp".
Quyết định đưa đại gia đình về chung một mái nhà cũng vì để bảo toàn tài sản. Anh Talib McDowell, 42 tuổi và vợ đã bán nhà của bà cố mình và sử dụng tiền thu được để xây một nhà mới gần Tampa (Florida). Đây sẽ là nơi sống của vợ chồng anh, hai con và bố mẹ anh thời gian tới. Còn hiện tại gia đình anh đang chuyến đến sống tạm ở ngôi nhà 5 phòng ngủ của bố mẹ ở Valrico (Florida), trong khi bán nhà ở New York.
Năm ngoái anh McDowell phải nghỉ việc trong ngành khách sạn và bố mẹ anh đã phải bán đi một căn hộ để hỗ trợ con. "Trải qua quá trình này, tôi nhận ra rằng hàng nghìn người đang mất đi sự giàu có của cả thế hệ chỉ vì Covid-19", anh nói và động thái hợp nhất dưới một mái nhà là một cách củng cố tài sản.
Đối với bà Janice, mẹ anh McDowell thì việc về sống với nhau là một sự điều chỉnh lớn và phải từ bỏ nhiều thứ đã có. Còn với ông Wade, bố anh thì cũng có nhiều mặt tốt, bởi vài tháng gần đây anh con trai đầu bếp của ông đã nấu những bữa ăn thuần chay nghiêm ngặt trong gia đình. "Tôi đã trở lại cân nặng thời đại học", ông Wade, cựu cảnh sát, giảm được 9 kg, nói.
Tất nhiên, họ rất vui khi nhìn thấy các cháu của mình mỗi ngày, mặc dù nhiều lúc bị chúng nó trêu đùa. "Tôi đang rót một ly soda để uống thì bị đứa cháu nẫng tay trên. Nó nói: 'Bà không nên uống'", bà Janice cười kể.
Bảo Nhiên (Theo Nytimes)