Bất chấp các nỗ lực ngoại giao ráo riết hiện nay để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra vào ngày 12/6 ở Singapore, chiến lược "sức ép tối đa" về kinh tế của Mỹ vẫn đè nặng lên Triều Tiên. Song tại Nhà hàng Bình Nhưỡng ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia, không khí dường như "thoải mái tối đa", theo Washington Post.
Trong một buổi tối gần đây, không gian nhà hàng chật cứng với hơn 100 du khách Trung Quốc đang uống các chai rượu Triều Tiên giá 70 USD và nhâm nhi những đĩa cá giá 38 USD. Họ đua nhau lên sân khấu tặng hoa và chụp hình lưu niệm với các ca sĩ Triều Tiên đang hát những bản nhạc Hoa.
Nhà hàng trên, đáng lẽ phải đóng cửa theo các lệnh trừng phạt kinh tế mà Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên, đang tìm cách kiếm nguồn tiền mặt USD về cho đất nước. Khi một vị khách muốn trả bằng tiền Campuchia, nhân viên bồi bàn nói nhà hàng chỉ chấp nhận thanh toán bằng USD.
Tại Phnom Penh, có 5 cầu thủ Triều Tiên đang chơi bóng cho câu lạc bộ Visakha ở giải vô địch quốc gia C-League dù các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc cấm Triều Tiên xuất khẩu lao động. Theo một cầu thủ ngoại quốc ở Phnom Penh, họ mang về cho chính phủ Triều Tiên khoảng 2.000 - 5.000 USD mỗi tháng.
Trên sân bóng, không ai quan tâm đến việc họ đến từ đâu. "Chúng tôi chỉ việc chơi bóng. Chúng tôi không bàn về chính trị hay các mối bất đồng chính kiến", Hok Sochivoan, huấn luyện viên trưởng câu lạc bộ Visakha, cho hay.
Trong khi đó, tại thành phố Siem Reap, nằm sát khu đền cổ Angkor Wat, bảo tàng Angkor Panorama đang mở cửa kinh doanh. Bảo tàng này được xây với chi phí 24 triệu USD vào năm 2015 bởi tập đoàn xây dựng Mansudae Overseas Project, đơn vị kinh doanh quốc tế trực thuộc Xưởng Nghệ thuật Mansudae ở Bình Nhưỡng.
Không mặn mà với chính sách trừng phạt
Các nước thuộc Phong trào Không liên kết ở Đông Nam Á, từ Malaysia, Indonesia cho đến Campuchia, chưa bao giờ ủng hộ cách tiếp cận dựa trên trừng phạt giống như chiến dịch "sức ép tối đa" mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phát động nhằm vào Triều Tiên, Anna Fifield, bình luận viên của Washington Post, nhận xét.
Cách tiếp cận đó có thể thay đổi nếu hội nghị cấp cao giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được tiến hành thuận lợi. Nếu hai bên đạt thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, các lệnh trừng phạt có thể được nới lỏng và nguồn tiền sẽ chảy vào Triều Tiên trở lại.
Dù kết quả hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim ra sao, quan hệ giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á và Triều Tiên chắc chắn chỉ cải thiện hơn, giới quan sát đánh giá.
"Chính quyền Trump cho rằng nên tiếp tục duy trì sức ép tối đa đến bao giờ Triều Tiên thực sự từ bỏ điều gì đó. Song kể từ giây phút Trump đồng ý dự hội nghị cấp cao (với Kim Jong-un) và thậm chí ngay trước đó, khi Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trao nhau cái ôm, áp lực tối đa đã mất đi sức mạnh", Ralph Cossa, chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương ở bang Hawaii, Mỹ, nhận xét, đề cập đến hội nghị thượng đỉnh Kim - Moon tại Khu Phi quân sự liên Triều (DMZ) ngày 27/4.
Singapore là một trong những nước có xu hướng tuân thủ nghiêm túc nhất các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Dù nước này kiểm tra nghiêm ngặt các hoạt động hàng hải bị nghi ngờ liên quan đến Triều Tiên nhưng trong năm nay, hai công ty Singapore đã bị phát hiện chở hàng xa xỉ, bao gồm rượu và đồng hồ, đến Triều Tiên.
Thậm chí, Malaysia đã vượt qua cuộc tranh cãi ngoại giao ầm ĩ với Triều Tiên hồi năm ngoái trước nghi án Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Kim Jong-un, bị sát hại bằng chất độc thần kinh ở sân bay tại thủ đô Kuala Lumpur.
"Có vẻ như Malaysia đã bỏ qua được vụ ám sát. Họ rõ ràng đã quay về mối quan hệ bình thường", Carl Baker, chuyên gia châu Á tại Diễn đàn Thái Bình Dương, nhận định.
Bước biến chuyển trên diễn ra trước khi ông Mahathir Mohamad trở lại ghế thủ tướng Malaysia. Trong nhiệm kỳ thủ tướng trước đây, Mahathir Mohamad là người không ủng hộ sử dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước khác.
"Rất nhiều nhà lãnh đạo ở khu vực có cùng cách nghĩ như vậy. Các lãnh đạo Đông Nam Á vẫn thấy được giá trị nào đó trong việc duy trì quan hệ với Triều Tiên, dù mối quan hệ chính trị với Bình Nhưỡng đôi lúc gặp khó khăn. Họ vẫn muốn giữ lập trường trung lập và sự linh hoạt về chính sách ngoại giao", Hoo Chiew-Ping, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên từ Đại học Quốc gia Malaysia, bình luận.
Campuchia vẫn là môi trường tương đối thoải mái đối với Triều Tiên trong suốt những năm nước này bị đặt dưới các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Chính phủ Campuchia cam kết tuân thủ tất cả các lệnh trừng phạt từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) nhằm vào Bình Nhưỡng và đã thiết lập một nhóm công tác cấp bộ trưởng để thực hiện chúng.
"Nhóm công tác này đã triển khai một số biện pháp trừng phạt và đang cân nhắc áp dụng thêm một số biện pháp khác để thực hiện những nghị quyết của UNSC", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Chum Sounry cho biết.
Nhưng cả hai nước đã thiết lập mối quan hệ gần gũi từ thập niên 1960 khi Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk và lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành trở thành những người bạn.
Vào thời kỳ Campuchia chìm trong cuộc nội chiến thập niên 1970, Kim Nhật Thành đã xây dựng một dinh thự 60 phòng ở Bình Nhưỡng dành cho Sihanouk và đây là nơi tá túc của Sihanouk trong phần lớn thời gian nội chiến Campuchia xảy ra. Đáp lại, Sihanouk đã cấp cho Triều Tiên một dinh thự hoàng gia nằm trên khu đất nhìn ra Tượng đài Độc lập để làm đại sứ quán.
Ngày nay, Triều Tiên vẫn nắm giữ dinh thự này và nó nằm ngay kế bên tư dinh của Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Nhưng quan hệ giữa hai nước hiện nay không mật thiết như trước vì Campuchia cần được nhìn nhận như là nước có trách nhiệm trong nỗ lực tuân thủ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, Vannarith Chheang, nhà phân tích chính trị người Campuchia, nhận xét.
Đối với Liên Hợp Quốc, cách tiếp cận mà Campuchia dành cho Bình Nhưỡng đôi lúc có mặt tích cực, mang đến cơ hội trao đổi với Triều Tiên một cách không chính thức. Gần đây, văn phòng phụ trách các vấn đề chính trị của Liên Hợp Quốc đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình và xung đột, một tổ chức phi chính phủ ở Campuchia, để tổ chức hội thảo dành cho các nhà ngoại giao Triều Tiên tại Siem Reap.
7 nhà ngoại giao Triều Tiên đã gặp các quan chức Mỹ, thảo luận chuyên đề xây dựng niềm tin và giải quyết xung đột. Hội thảo diễn ra chỉ một tháng trước hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim.
"Mục đích là nhằm cho họ thấy các ví dụ về giải pháp đối với xung đột và hòa giải cũng như minh họa về cách mà giải pháp này được thực hiện trong các tranh chấp khu vực gần đây", một người nắm rõ chương trình hội thảo cho biết.
Tại cuộc hội thảo, Jeffrey Feltman, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, người giữ chức phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề chính trị cho đến đầu năm nay, đã thuyết trình về cách Mỹ tiếp cận các xung đột. Feltman từng đến Bình Nhưỡng vào tháng 12 năm ngoái để hối thúc Triều Tiên đối thoại.
Trong khi đó, Keith Luse, giám đốc điều hành Ủy ban Quốc gia về Triều Tiên, một tổ chức phi chính phủ ở Washington, đồng thời là cựu cố vấn châu Á tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, lại nói về vai trò của quốc hội trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Robert Carlin, cựu chuyên gia phân tích thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), người thường xuyên tới Triều Tiên, cũng tham dự hội thảo.
Tất cả quan chức Triều Tiên dự sự kiện đều đến từ Bộ Ngoại giao, bao gồm Ri Tong Il, cựu phó đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc và nay là Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế trực thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên.
Bình luận viên Anna Fifield cho rằng cách tiếp cận của Campuchia và hầu hết các nước Đông Nam khác với Triều Tiên sẽ tiếp tục thiên về hướng duy trì mối quan hệ tốt đẹp, đồng thời giữ thái độ trung lập trong các bất đồng giữa Triều Tiên với Mỹ và đồng minh.
Dino Patti Djalal, cựu đại sứ Indonesia tại Liên Hợp Quốc, người dẫn đầu một phái đoàn các chuyên gia Đông Nam Á sang thăm Bình Nhưỡng hồi tháng 4, kết luận rằng thái độ mà các nước Đông Nam Á dành cho Triều Tiên chính xác là đi ngược lại với chiến lược "sức ép tối đa" của Mỹ.
"Đừng đánh giá thấp giá trị của kết nối và thuyết phục. Hãy thử cách tiếp cận cho đi thay vì cho đi và nhận lại", ông Djalal nói.
Hồng Vân