Cuối tháng trước, truyền thông nhà nước Triều Tiên tiết lộ tướng quân đội Kim Su-gil đã được bổ nhiệm làm Cục trưởng Tổng cục Chính trị thay cho Kim Jong-gak, theo AFP. Yonhap cũng dẫn nguồn tin tình báo cho biết Tổng tham mưu trưởng quân đội Ri Myong-su được thay thế bởi cấp phó của mình là Ri Yong-gil và No Kwang-chol trở thành Bộ trưởng Quốc phòng thay cho Pak Yong-sik.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết việc cải tổ quy mô lớn này nếu được xác nhận sẽ là động thái bất thường.
"Chúng tôi đang giám sát những diễn biến liên quan", người phát ngôn Bộ Baik Tae-hyun nói.
Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) có ảnh hưởng to lớn ở Triều Tiên và là trung tâm quyền lực, biểu hiện ở việc các tướng lĩnh thường đứng một bên Kim Jong-un và bên còn lại là người dân trong những dịp lễ lớn.
Theo các nhà nghiên cứu, sự thay đổi ở Tổng cục Chính trị "tượng trưng cho việc thắt chặt kiểm soát của đảng Lao động Triều Tiên đối với quân đội". Kim Su-gil là người rất được Kim Jong-un tín nhiệm và từng được bổ nhiệm vào ủy ban trung ương đảng thay Jang Song-theak sau khi ông này bị tử hình năm 2013.
Nguồn tin tình báo cho rằng những thay đổi lớn về nhân sự này có thể nhằm ngăn chặn quan chức quân đội cấp cao phản đối bất cứ thay đổi nào về chính sách hạt nhân của đất ước. Bộ trưởng Quốc phòng mới No Kwang-chol được biết đến là người ôn hòa.
"Triều Tiên dường như đã thay thế quan chức thiếu linh hoạt trong suy nghĩ bằng những gương mặt mới", nguồn tin nhận định.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao Mỹ cho rằng việc Triều Tiên cải tổ quân đội có thể nhằm gây dựng sự ủng hộ cho nỗ lực phát triển kinh tế và hòa nhập quốc tế của lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.
Các nhà phân tích cho rằng dù chưa rõ mục đích thực sự của Kim Jong-un nhưng cải tổ cho phép ông và đảng cầm quyền thắt chặt kiểm soát đối với quân đội vào thời điểm quan trọng của hòa nhập quốc tế và phát triển trong nước.
"Nếu Kim Jong-un thiết lập được hòa bình với Mỹ - Hàn và giải quyết ít nhất một phần chương trình hạt nhân, ông ấy sẽ đặt ảnh hưởng của KPA vào một cái hộp và giữ nó ở đó", Ken Gause, giám đốc Nhóm các vấn đề quốc tế tại CNA, một tổ chức nghiên cứu và phân tích phi lợi nhuận cho biết.
"Sự cải tổ này mang đến những người có thể làm việc đó. Họ trung thành với Kim Jong-un chứ không phải bất cứ ai khác", Gause nói thêm.
Cải tổ quân đội dường như cũng đang đưa nhóm quan chức trẻ tuổi hơn, thậm chí là đáng tin tưởng hơn mà Kim Jong-un kỳ vọng khi đối đầu nhiều vấn đề trong nước và quốc tế, Michael Madden, một chuyên gia về Triều Tiên tại website 38North thuộc Đại học Johns Hopkins cho biết.
Động thái này cũng nằm trong chiến lược thúc đẩy vai trò quân đội trong những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của Kim Jong-un. Điều đó lý giải tại sao cục trưởng tổng cục chính trị mới bổ nhiệm Kim Su-gil lại tháp tùng Kim Jong-un tới một khu du lịch biển cùng quan chức khác, Madden cho biết.
Kim Jong-un có thể mong chờ nhận được nhiều hơn viện trợ kinh tế và đầu tư quốc tế trong các cuộc đàm phán đang diễn ra và ông muốn ngăn chặn vấn nạn tham nhũng từng cản trở một số dự án trong quá khứ bằng cách thay thế những quan chức trẻ tuổi hơn. Tổng tham mưu trưởng quân đội Ri Yong-gil, 63 tuổi, trẻ hơn 21 tuổi so với người tiền nhiệm Ri Myong-su.
"Cải tổ nhằm hai mục đích là củng cố quyền lực của Kim Jong-un trong vai trò là nhà lãnh đạo duy nhất của Triều Tiên và tăng cường liên kết giữa đảng và quân đội khi đất nước xúc tiến phát triển kinh tế", Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul cho biết. "Họ đều là những người trẻ nhưng có khả năng", Yang nói thêm.
Cả ba quan chức quân sự mới đều ít nhiều từng có kinh nghiệm tương tác với các phái đoàn nước ngoài, một yếu tố rất quan trọng khi Kim Jong-un đang nỗ lực sắp xếp hội nghị với lãnh đạo các nước Mỹ, Trung Quốc, Nga và Syria.
"Triều Tiên đang dồn sức cho những quan chức này bởi vì sẽ có rất nhiều tương tác với nước ngoài. Họ hiểu rõ những cuộc đàm phán và không quá say sưa ở những bữa tiệc. Họ tự biết cư xử như thế nào", Madden nói.
Huyền Lê