Nước biển dâng và lũ lụt thường xuyên đẩy hàng chục triệu người Bangladesh vào cảnh sống bấp bênh, đồng thời gây ra một vấn đề khác đe dọa toàn bộ quốc gia, đó là đất ngập nước và độ mặn cao đe dọa nghiêm trọng mùa màng.
Bangladesh xếp thứ 7 trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do thời tiết khắc nghiệt trong hai thập kỷ qua, theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu. Nông dâng nước này đang nỗ lực thích nghi với điều kiện thời tiết ngày càng khó lường do hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra, bắt đầu bằng các mảnh ruộng nổi cho đến canh tác lúa chịu mặn.
"25 năm trước, chúng tôi có thể trồng trọt quanh năm, nhưng sau đó nước bắt đầu không rút đi, đồng ruộng ngập suốt 7 tháng. Lúc đó chúng tôi không biết phải sống sao", Altaf Mahmud, một nông dân ở Mugarjhor, khu vực cách thủ đô Dhaka của Bangladesh khoảng 200 km về phía nam, nói.
"Đa số nông dân ở đây đều nghèo, đất canh tác ít. Nhưng nếu không trồng gì suốt 7 tháng, chúng tôi sẽ chết đói", Mohammad Mostofa, hàng xóm của Mahmud, giải thích.
Vì vậy, họ và những người nông dân địa phương khác đã tái sử dụng kỹ thuật trồng trọt trên ruộng nổi hơn 100 năm trước.
Họ xếp và buộc từng luống lục bình và tre thành bè cao 60-120 cm để gieo hạt, sử dụng gỗ dăm và xơ dừa làm phân bón. Bằng phương pháp này, họ tạo ra các thửa ruộng nổi trồng bầu, bí, rau muống, đậu bắp, lên xuống theo mực nước lũ.
Ruộng nổi trở thành sáng kiến cộng đồng. Tại một số ngôi làng, phụ nữ dành hàng tháng làm ruộng nổi để cánh đàn ông chèo thuyền kéo chúng qua những cánh đồng ngập nước, tới nơi các thửa ruộng nổi cũ đang ủ phân bón.
Bão thường xuyên hơn, mực nước biển dâng cao, lũ lụt, xói mòn, hạn hán và mưa lớn khiến hàng triệu người phải chuyển tới các khu ổ chuột hay di cư ra nước ngoài. Những người ở lại không còn cách nào khác ngoài việc tìm kế sinh nhai mới.
Một số nông dân ngừng trồng trọt, thay bằng nuôi tôm nước lợ hoặc nuôi cua. Họ bắt cua tự nhiên rồi thả xuống ruộng. Họ cũng nuôi vịt để bán cho các quán ăn ở Dhaka.
Để hỗ trợ nông dân, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Bangladesh (BRRI) đã tạo ra nhiều giống cây trồng chịu mặn mới.
"Lúa bình thường không thể sinh trưởng trong nước mặn", Alamgir Hossain, nhà khoa học BRRI, giải thích, cho hay cơ quan này đã tạo ra một giống lúa có thể phát triển trong nước có độ mặn gấp ba lần mức bình thường.
Giống lúa mới đem lại hy vọng cho nông dân các vùng ven biển, nơi nước biển ngày càng lấn sâu vào đất liền. Nhưng Saiful Islam, chuyên gia khí hậu tại Đại học Bách khoa Bangladesh, cho rằng những nỗ lực như vậy mới chỉ như muối bỏ bể.
"Chúng ta cần chi hàng tỷ USD để đắp và gia cố bờ kè dọc vùng duyên hải rộng lớn. Chúng ta cần trồng rừng ngập mặn dọc vành đai biển làm hàng rào tự nhiên chống bão, sụt lún và nước biển dâng", ông nói.
"Chúng ta cần xây dựng thêm đường sá, trữ nước mưa, tạo ra sinh kế mới cho hàng triệu người. Chỉ phát minh ra giống lúa mới thôi là chưa đủ. Bangladesh không đủ sức tự làm một mình", Islam nói.
Ông cho rằng các nước phương Tây phải "chịu trách nhiệm vì phát thải đa số khí nhà kính" nên họ cần giúp đỡ nước khác. Islam nhận định Bangldesh "hầu như không nhận được khoản nào" trong số 100 tỷ USD mà các nước phát triển đề xuất hỗ trợ để đối phó biến đổi khí hậu.
Ở một số vùng khác tại Bangladesh, những người bình thường đang nỗ lực gánh vác trách nhiệm chống biến đổi khí hậu. "Lungi" Jakir trở thành người nổi tiếng ở địa phương vì cuộc chiến tay đôi chống biến đổi khí hậu.
Jakir từng là công nhân xây dựng. Ông và bạn bè đã xây một đê bao dài 6,5 km ngăn nước biển xâm nhập con kênh nước ngọt, vốn là nguồn sống của 43.000 người ở Pakhimara, miền nam Bangladesh. Đê bao đòi hỏi phải sửa chữa liên tục, nhưng nó đã giúp người dân đủ nước ngọt tưới tiêu quanh năm, thậm chí còn thử trồng giống cây mới.
"Nước mặn bao vây chúng tôi", Jakir nói. "Chúng tôi nhận được rất ít hỗ trợ từ chính phủ nên phải tự tìm cách sinh tồn. Tôi có thể di cư tới thành phố, nhưng thừa hiểu sống trong khu ổ chuột khó khăn tới mức nào".
Hồng Hạnh (Theo AFP)