"Yêu cầu của chúng tôi là các quốc gia phát triển phải gánh chịu chi phí phát sinh", Rameshwar Prasad Gupta, quan chức Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi Khí hậu Ấn Độ, cho biết ngày 22/10. "Ấn Độ sát cánh cùng các nước nghèo và đang phát triển khác trong vấn đề này".
Tuyên bố được Bộ trưởng Gupta đưa ra nhằm trình bày về lập trường của nước này đối với những vấn đề quan trọng sẽ được thảo luận tại Diễn đàn về Biến đổi Khí hậu lần thứ 26 (COP26) của Liên Hợp Quốc bắt đầu từ ngày 31/10 tại thành phố Glasgow, xứ Scotland, Anh.
COP26 được coi là cơ hội để lãnh đạo và quan chức ngoại giao các nước bàn bạc những giải pháp để ngăn những tác động ngày càng tồi tệ do biến đổi khí hậu gây ra với thế giới.
Bồi thường thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra dự kiến là điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán tại COP26 và đã được Ấn Độ nêu ra với đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu John Kerry, Gupta cho biết. Các nước giàu là bên thải ra phần lớn lượng khí nhà kính, hiện tượng được cho là khiến Trái Đất nóng lên đáng kể trong những năm qua.
Thỏa thuận khí hậu Paris 2015 đề cập đến việc giải quyết mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, song vẫn để ngỏ về trách nhiệm pháp lý và cách khắc phục của các nước. Vấn đề bồi thường do biến đổi khí hậu lần đầu được tổ chức vào năm 2013, song chi tiết về cách nước giàu chuyển tiền cho các quốc gia bị ảnh hưởng chưa được đem ra bàn bạc.
Ý tưởng mà các nhà đàm phán đưa ra là các nước giàu sẽ phải bồi thường thiệt hại dựa trên lượng khí nhà kính họ thải ra. Các quốc gia chịu tác động của biến đổi khí hậu có thể đòi tiền khắc phục hậu quả những cơn bão hay lũ lụt do hiện tượng này gây ra.
Tuy nhiên, không phải mọi thảm họa tự nhiên đều đến từ biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học gần đây mới bắt đầu tính toán xem hiện tượng Trái Đất ấm lên đóng góp thế nào trong gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan.
Ấn Độ là nước phát thải nhiều thứ ba trên thế giới và nằm trong số 10 quốc gia phát thải nhiều nhất lịch sử, do đó họ sẽ phải góp khoảng 4% cho quỹ bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, số tiền bồi thường mà họ nhận được có thể lớn hơn nhiều, Gupta cho biết. "Nếu họ muốn Ấn Độ tham gia chương trình bồi thường, chúng tôi sẽ sẵn sàng", Gupta nói.
Ấn Độ cũng là nền kinh tế duy nhất trong số 10 nền kinh tế lớn nhất không đặt mục tiêu đưa mức phát thải ròng xuống bằng 0. Trung Quốc đặt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2060, muộn hơn một thập kỷ so với mục tiêu mà Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang hướng tới.
Ấn Độ hồi đầu năm cân nhắc đặt mục tiêu phát thải bằng 0, song sau đó rút lui. Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Bhupender Yadav cho biết không phải tất cả quốc gia cần công bố mục tiêu phát thải bằng 0. "Cơ chế tài chính khí hậu chưa có hiệu lực", Gupta nói. "Trước tiên cần có nguồn tài chính dồi dào hơn cho các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng".
Vấn đề tài chính khí hậu dự kiến là một chủ đề khác tại COP26. Các nước phát triển được cho là sẽ cung cấp 100 tỷ USD tài chính khí hậu hàng năm cho các quốc gia đang phát triển, bắt đầu từ năm 2020. Số tiền này sẽ được sử dụng cho các dự án giảm phát thải và giúp các nước thích ứng với tình trạng Trái Đất ấm lên.
Nguyễn Tiến (Theo Bloomberg)