Quân đội Nhật Bản và Mỹ vẫn chưa phát hiện xác tiêm kích F-35A và phi công điều khiển sau vụ tai nạn tối 9/4, dù đã triển khai nhiều máy bay và tàu chiến để tìm kiếm trên biển.
Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) cho biết người điều khiển chiếc tiêm kích gặp nạn là thiếu tá phi công Akinori Hosomi, 41 tuổi, từng có 3.200 giờ bay tích lũy nhưng chỉ có 60 giờ bay trên F-35A. Máy bay gặp nạn mang số hiệu 79-8705, là chiếc F-35A đầu tiên do Nhật tự lắp ráp và từng hai lần phải hạ cánh khẩn cấp do sự cố kỹ thuật.
Chiếc F-35A biến mất khỏi màn hình radar khi đang huấn luyện bay đêm ngoài khơi tỉnh Aomori, đông bắc Nhật Bản cùng ba tiêm kích khác. Truyền thông Nhật cho biết phi công đã thông báo "đình chỉ bài tập" không lâu trước khi chiếc F-35A biến mất khỏi màn hình radar.
Giới chuyên gia đưa ra nhiều giả thuyết để giải thích việc máy bay đột nhiên biến mất khỏi radar rồi lao xuống biển mà không có bất kỳ tín hiệu cấp cứu nào từ phi công.
"JASDF không tiết lộ cấu hình hoạt động của chiếc F-35A trước tai nạn, nhưng nhiều khả năng nó được theo dõi trên radar nhờ thiết bị phát đáp (transponder). Nếu máy bay không mang thùng dầu phụ và thiết bị tăng diện tích phản xạ radar, nó có thể biến mất khỏi radar khi bộ phát đáp bị tắt", cây bút Stephen Bryen của Asia Times nhận xét.
Động cơ gặp sự cố được coi là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới vụ rơi chiếc F-35A của Nhật. Siêu tiêm kích F-35 được trang bị nhiều hệ thống điện tử và cảm biến tối tân, khiến nó tiêu thụ rất nhiều năng lượng trong khi bay. Nếu động cơ gặp sự cố, nguồn điện cho các thiết bị điện tử có thể bị cắt hoàn toàn và máy bay phải sử dụng pin dự phòng.
"Pin dự phòng có năng lượng rất giới hạn, nó chỉ dành cho những thiết bị tối quan trọng như hệ thống điều khiển điện tử (fly-by-wire). Bộ phát đáp nhiều khả năng không được cấp điện trong sự cố", Bryen nói.
Sự biến mất đột ngột của chiếc tiêm kích cũng như số lượng rất ít mảnh vỡ được phát hiện cho thấy máy bay vẫn còn nguyên vẹn cho tới khi đâm xuống biển. "Nếu động cơ phát nổ, chiếc F-35A có thể vỡ thành nhiều mảnh ngay trên không và radar sẽ phát hiện được các mảnh văng", Bryen nhận định.
Cháy lớn trên máy bay khiến hệ thống điện bị phá hủy cũng là kịch bản được tính tới. "Các thông tin ban đầu cho thấy dường như một số hệ thống trên máy bay gặp sự cố. Điều này rất đáng lo ngại, nó cho thấy điều gì đó đã bị bỏ sót trong quá trình sản xuất", Carl Schuter, cựu giám đốc trung tâm Tình báo Liên hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nói.
Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) từng gặp sự cố tương tự vào năm 2016, khi bản lề cửa khoang vũ khí trên một chiếc F-35B bị lỗi, làm hở lõi dây điện gần hệ thống thủy lực. Hiện tượng chập điện xảy ra sau đó khiến dầu thủy lực bắt lửa, gây cháy khi máy bay vẫn ở trên không. Phi công kịp thời phát hiện sự cố và hạ cánh an toàn, nhưng chi phí sửa chữa quá cao buộc USMC loại biên chiếc tiêm kích có giá gần 123 triệu USD vào năm ngoái.
Điều này cũng giải thích được việc phi công không liên lạc hay phóng ghế thoát hiểm sau khi máy bay biến mất khỏi radar. Cựu sĩ quan không quân Australia Peter Layton cho rằng đám cháy không quá nghiêm trọng, khiến phi công Hosomi tin rằng mình vẫn kiểm soát được tình hình. "Có thể anh ta đã lao thẳng xuống biển khi đang tìm cách xử lý sự cố", Layton nói.
Một số chuyên gia cũng đề cập tới giả thuyết phi công muốn tự tử. Ngành hàng không dân dụng từng chứng kiến nhiều tai nạn thảm khốc khi phi công chủ động điều khiển máy bay lao xuống đất để kết thúc mạng sống của mình.
"Chúng ta không có thông tin về sức khỏe tâm thần của phi công F-35A, nhưng một sĩ quan dày dạn kinh nghiệm như vậy khó có thể xuất hiện ý muốn tự tử. Chưa từng có vụ phi công tại ngũ nào cố ý đâm máy bay trong lịch sử quân sự thế giới", Bryen đánh giá.
Vũ Anh (Theo Asia Times)