"Tôi thấy cách mời vô tội vạ của cô dâu chú rể và gia đình đôi bên sẽ sinh ra những lời trách móc. Ở quê, việc mời 100, 200 khách là bình thường, vì cha mẹ bạn và bạn sống ở trong làng, trong xã nhiều năm, có nhiều mối quan hệ xung quanh. Còn ở thành phố lớn, 100 khách là vấn đề đáng cân nhắc. Bạn chú rể bao nhiêu người? Bạn cô dâu bao nhiêu bàn? Hàng xóm thì sao?
Tôi đang sống ở TP HCM. Một lần kia tôi mới chuyển đến căn nhà thuê, khoảng một tháng thì nhận được hai thiệp mời cưới của hàng xóm. Tôi chẳng biết họ là ai, và họ cũng chẳng biết tôi, thế mà họ vẫn gởi thiệp và không ghi tên tuổi".
Bạn đọc có nickname dinhthienchienthan kể về một lời bị mừng cưới như trên, sau bài viết Tôi từ 6 năm nay không dự, không gửi tiền mừng đám cưới.
Đồng thời, độc giả này cho rằng "mời cưới và mừng cưới là nét phong tục văn hóa của chúng ta. Bạn sống không phải chỉ có vài người bạn là hết, mà còn nhiều mối quan hệ xung quanh, và cả cha mẹ chúng ta nữa. Vì thế chúng ta mời những người cần thiết, chứ không phải là những người quan trọng".
Cùng chung cảm nhận, độc giả nickname Tui Đây Nè kể: "Tôi cảm thấy rất phiền khi phải nhận thiệp mời cưới cho con của các đồng nghiệp cũ. Trong khi tôi đã chuyển công tác từ lâu, thời gian qua chúng tôi không còn gặp nhau, không còn liên lạc với nhau. Tôi thấy rất mệt mỏi.
Tiền mừng cưới chỉ 5 - 6 đám là hết cả tháng lương. Vậy nên khi tổ chức cưới cho con, tôi nghĩ nên cân nhắc cho kỹ giùm chúng tôi, những người vô can nhưng phải tham gia tiệc cưới.
Trong khi đó, độc giả Thụy Vân chia sẻ: "Từ 20 năm trước khi tổ chức đám cưới cho chị em tôi bố tôi đã làm mỗi đám đúng 30 mâm, không mời ai quá hai lần.
Ai trách bố tôi kệ, ông bảo quan trọng các con sống với nhau như thế nào, tổ chức tiệc càng to càng tốn cho các con càng mệt rồi sau này lại còng lưng đi trả.
Tôi cũng quan niệm như vậy, nhưng không lẽ ai mời mình cũng không đi? Tôi sẽ đi dự những người tôi yêu quý, còn lại dù không đi cũng gửi phong bì mừng, như vậy không ảnh hưởng tới quan điểm sống của mình mà cũng dung hòa với mọi người xung quanh. Đồng nghiệp mời mà không đi không gửi quà thì cũng có vấn đề".
Độc giả goodguyonsky: "Người ta ngại thay đổi vì tư duy lời chào cao hơn mâm cỗ. Bạn có thể không đi nhưng người đi ăn cưới lại trách móc người được mời mà không đi là không biết đối nhân xử thế. Thực tế nhiều người mời cưới nhiều là vì ngoài người thân của cô dâu, chú rể còn có bạn bè và cả bạn xã giao của cha mẹ hai bên. Khi xã hội còn trọng lời mời hơn thực chất thì rất khó thay đổi vấn đề mời cưới hiện nay".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.