"Học phí của trường khoảng 320 triệu đồng một năm, gấp 10-20 lần học phí các đại học công lập nên mình rất do dự, sợ không theo được phải bỏ học giữa chừng", chàng tân sinh viên kể.
Trong lúc đang phân vân, Bạch xin bố mẹ cho mình nhập học muộn một năm để đầu tư thêm cho tiếng Anh và các kỹ năng khác mới yên tâm theo được chương trình học. "Nhưng mình cũng muốn dùng thời gian này để suy nghĩ xem thực sự thích gì", Bạch nói.
Không thiếu tự tin như Minh Bạch, Hoàng Trí Dũng lại thấy hoang mang với những gì đang được học nên quyết định tạm dừng năm 2018, khi đang là sinh viên năm hai Đại học Ngoại thương Hà Nội. "Mình 'cúp học' là muốn dành thời gian để tìm ra điều mình giỏi, điều mình thích làm và trải nghiệm những công việc mới, vùng đất mới mà chưa có được khi đi học", Dũng chia sẻ.
Minh Bạch và Trí Dũng là hai trong số những người Việt đi theo trào lưu gap year vốn rất thịnh hành trong giới trẻ phương Tây. Gap year là thời gian nghỉ khoảng một năm, thường là khi chuyển từ trung học lên đại học hoặc đang học dở đại học.
Kết quả một nghiên cứu năm 2018 của tổ chức thống kê châu Âu (GSE), trung bình mỗi năm có khoảng 230.000 người Anh trong độ tuổi 18-25 tham gia vào phong trào gap year và con số này liên tục tăng lên qua từng năm. Ở Mỹ, chỉ tính riêng năm 2020, khoảng 20% sinh viên của ĐH Harvard quyết định xin bảo lưu để gap year, gấp 3 lần các năm trước. Tại Học viện công nghệ Massachusett, tỷ lệ này là 8%, tăng 1% so với 2019.
Giáo sư Trương Nguyện Thành, cựu hiệu phó ĐH Hoa Sen, giảng viên ĐH Utah (Mỹ) và một số đại học ở Việt Nam, nhận xét gap year chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam song thời gian tới sẽ tăng. "Đại dịch khiến nhiều gia đình không còn đủ khả năng trang trải cho con vào đại học. Nhiều người trẻ sẽ tạm hoãn vào đại học hoặc bảo lưu kết quả, đi làm một thời gian trước khi quay lại trường", ông Thành nói.
Một lý do khiến gap year có thể phổ biến hơn trong những năm tới là sự nhận thức về tính tự chủ, tự lập của người trẻ ngày càng tăng. Nghiên cứu Thế hệ trẻ Việt Nam của Hội Đồng Anh tháng 8/2020 trên 1.200 người tuổi từ 16 đến 30, cho thấy khoảng 40% cảm thấy áp lực khi phải theo đuổi các hình thức học tập và công việc mà gia đình mong muốn.
Để gap year, hầu hết các bạn trẻ đều phải vượt qua cản trở của gia đình. Ban đầu bố mẹ Minh Bạch không đồng ý lựa chọn của con với nhiều lý do như "ở nhà nhàn rỗi lông bông sinh hư", "Có ai làm như vậy đâu"... Chàng trai đã mất nhiều ngày thuyết phục.
Còn Trí Dũng biết bố mẹ sẽ không ủng hộ, nên khi thông báo sẽ nghỉ học cũng đồng thời xin "cắt viện trợ". Trong ví chỉ còn 70.000 đồng, chàng trai quê Hải Phòng phải xin cơm nguội của một số người bạn nhà Hà Nội, số tiền dành mua nước. Lúc này Dũng biết rằng phải "sống trước khi nói đến đam mê".
Khảo sát năm 2015 của Hiệp hội Gap year và Đại học Temple (Mỹ), những người rời xa trường học trung bình một năm, cho biết thời gian nghỉ giúp họ mở mang kiến thức và có được các kỹ năng để thành công trong sự nghiệp. Việc hoãn nhập học một thời gian cũng có thể dẫn đến điểm cao hơn sau này, theo nghiên cứu của Đại học Middlebury (Mỹ).
Nhưng gap year là "con dao hai lưỡi", người dùng nó cho phát triển bản thân thì là cơ hội, người dùng như một cái cớ để nghỉ học là nguy cơ, hậu quả không khám phá được gì lại mất động lực, giáo sư Trương Nguyện Thành cảnh báo. "90% sinh viên gap year trước khi học lên cao học đã không quay lại. Những người gap year trước khi lên đại học còn đối mặt nguy cơ cao hơn vì chưa rõ ràng mục đích sống và đã mất đi thói quen học tập", ông nói.
Trong một năm nghỉ, Minh Bạch đặt mục tiêu phải học thêm tiếng Anh để đạt IELTS 6.5. Cậu đi làm thêm ở quán cà phê và bán giày, quần áo nên không phải xin tiền bố mẹ. "Nhờ có mục tiêu rõ ràng nên mình chưa bao giờ thấy lạc lối. Mình học được sự nhẫn nại khi đi làm. Điều mình tự hào nhất là quen biết được nhiều người tài giỏi để học hỏi", chàng trai cho biết.
Dù vậy, lần đầu bước vào môi trường quốc tế nên đôi lúc Bạch còn bỡ ngỡ. Cậu đã cố gắng thích nghi bằng vốn tiếng Anh đã được cải thiện. "Tâm thế đương đầu và các mối quan hệ này đều có được trong một năm gap year, nếu không chắc hẳn vào trường mình sẽ bị choáng ngợp và khó vực dậy tinh thần", cậu sinh viên ở Bình Chánh, TP HCM nói.
Với Trí Dũng, kể từ lúc gap year với 70.000 đồng, cậu đã ngụp lặn trên mạng tìm được công việc biên dịch tiếng Anh. Từ năm 2019, Dũng làm sales cho công ty giáo dục nước ngoài, sales ôtô, bảo hiểm. Từ mức thu nhập ban đầu 2 triệu đồng mỗi tháng, cuối năm 2020 chàng trai gây xôn xao mạng xã hội khi cán mức thu nhập 5.200 USD một tháng.
Trải qua cả chục công việc khác nhau, Hoàng Trí Dũng thấy rằng chỉ có lăn xả vào thực tế mới học hỏi được nhanh. Càng đi làm Dũng càng có thôi thúc phải học nhiều hơn. Năm ngoái, cậu đã quay lại trường hoàn thành các chứng chỉ để tốt nghiệp. Hiện tại, chàng trai vẫn dành 3-4 tiếng mỗi ngày học kiến thức mới, thậm chí còn đầu tư học hỏi từ những doanh nhân nổi tiếng. Có lần cậu đã chi 40 triệu đồng tham để tham gia khóa học của một triệu phú Canada, hay mua vé tham gia bữa tiệc tất niên với Shark Linh...
Hai năm rưỡi năm gap year cũng định hướng nghề nghiệp cho Trí Dũng. Hiện chàng trai 23 tuổi là người sáng lập và CEO của một công ty tuyển dụng và hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên.
"Sau tất cả, gap year với mình không phải là khoảng lặng mà là thời gian chuẩn bị bàn đạp trước khi tăng tốc. Một số người khác mình biết xem đây là thời gian để đạt được bước tiến trong sự nghiệp hơn là một lần nhấn nút tạm dừng ở trường", chàng CEO trẻ tuổi nói.
Phan Dương