Bralette (loại áo lót không có phần gọng, lót độn), áo lót dạng băng đô, bikini kiểu đan móc đang xuất hiện khắp đường phố New York, sau 16 tháng "ngủ đông". "Mọi người như thể đang khỏa thân một nửa vậy", nhà báo Guy Trebay nhận xét trên New York Times.
Tuần trước, nữ nhà văn Claudia Summers đang làm một số việc vặt ở khu Midtown Manhattan thì thấy một cô gái đi ngang qua, trên người chỉ mặc áo lót và quần jeans cạp trễ.
"Đó có phải là áo lót thể thao không", một người theo dõi hỏi Summers sau khi nữ nhà văn đăng ảnh chụp cô gái kia lên tài khoản mạng xã hội.
"Chắc chắn là không", Summers trả lời và nói thêm mình rất ngưỡng mộ sự phóng khoáng của cô gái kia. Chưa kể, hôm đó, trời rất nóng.
"Thành phố nóng và bẩn thỉu nên bạn phải làm những gì có thể để giữ cơ thể mát mẻ, dễ chịu", Nefalfj Lewis lý giải về bộ đồ liền thân ngắn và bó sát của mình. Để bảo vệ bản thân khi đi tàu điện ngầm, nữ nhân viên pha chế 25 tuổi cầm theo một chiếc khăn tắm.
Không chỉ phái đẹp mới thích khoe thân. Một buổi tối đi chơi, do trời nóng, Kae Cook ra đường với chiếc quần chỉ ngắn tới giữa đùi và áo lót thể thao.
"Sau đại dịch, mọi người cảm thấy vui khi được khoe cơ thể cho dù cơ thể đó như thế nào. Tôi rất thoải mái với chuyện này", người đàn ông 32 tuổi làm nghề đưa thư nói.
Không phải ai cũng thoải mái như Cook. Deniz Saypinar, nữ vận động viên thể hình gốc Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã bị cấm lên chuyến bay từ Texas đến Miami của hãng Hàng không Mỹ American Airlines vì áo hai dây và chiếc quần siêu ngắn "có thể làm phiền các gia đình trên máy bay".
Cô gái 26 tuổi nhanh chóng lên mạng xã hội, than phiền với hàng triệu người theo dõi rằng nhân viên sân bay đã xúc phạm mình khi nói "cô gần như khỏa thân".
American Airlines đáp lại: "Như đã nêu trong điều kiện vận chuyển, mọi hành khách phải ăn mặc phù hợp. Trang phục phản cảm sẽ không được cho phép lên chuyến bay của chúng tôi".
Reina Lewis, giáo sư văn hóa học tại Đại học Thời trang London cho biết trào lưu khoe thân gần đây ở Mỹ chắc chắn thể hiện nhu cầu muốn tự giải phóng. Tuy nhiên, nhu cầu này dường như bắt nguồn từ việc bị kìm kẹp suốt đại dịch hơn là mong muốn đi ngược lại đạo đức thông thường.
"Phần lớn người trẻ không thể hẹn hò. Nhiều người tuyệt vọng về những kỳ nghỉ mãi chẳng thực hiện được. Du lịch cũng tốn kém và khó khăn hơn", Lewis nhận định về tình hình xã hội. Trong bối cảnh đó, ăn mặc hớ hênh ngoài công cộng như một giải pháp bù đắp. Về cơ bản, đây là cách mọi người nghỉ hè. Những trang phục, hoạt động vốn chỉ dành cho bể bơi hay sân sau nhà giờ chuyển sang công viên đô thị và đường phố.
Nhà báo Guy Trebay nhận định "các ranh giới đã bắt đầu bị mờ đi trước khi thành phố giãn cách, khi quần ngủ xuất hiện trên vỉa hè cùng với dép đi trong nhà, quần bó sát và dép đi trong nhà tắm". Như vậy, việc diện áo lót trên Đại lộ số 5 có thể là "điểm cuối hợp lý" trong việc xóa nhòa sự phân biệt giữa công cộng và riêng tư. Tuy nhiên, Trebay thừa nhận vẫn khó chịu khi nhìn thấy những người "mát mẻ".
Ngay với các chuyên gia thời trang cũng không ủng hộ trào lưu khoe thân như thế.
"Chúng ta đi từ chỗ ẩn mình cho đến sự xuất hiện chẳng ai ngờ này", Linda Fargo, giám đốc thời trang nữ của trung tâm thương mại Bergdorf Goodman nhận xét. Với bà, ăn mặc hớ hênh trên đường phố là "sự hạ thấp niềm tự hào công dân" và khẳng định "chưa bao giờ thấy kiểu thể hiện bản thân này, trừ khi ở các điểm du lịch như Ibiza hoặc St. Tropez".
Thu Nguyệt (Theo New York Times)