6h ngày giữa tháng 6, ông Dư cùng hai người bạn là Nguyễn Hải và Lương Thanh Vân, ở xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành bắt đầu công việc tuần tra. Họ mang theo nước uống, thức ăn và cây rựa lên xe máy rời nhà. Vượt quãng đường hơn một km, băng qua rừng trồng cây gỗ keo, cả nhóm đến núi Hòn Dồ. Nơi đó có hơn 10 ha rừng tự nhiên trên đỉnh núi và hai gia đình voọc sinh sống.
Ông Dư dùng ống nhòm quan sát đàn voọc đang ăn lá cây, miệng lẩm nhẩm đếm mỗi gia đình khoảng 10 con.
Trước đây, xã Tam Mỹ Tây toàn rừng tự nhiên, nhưng dần bị khai thác để lấy đất trồng keo. Hiện khu rừng chỉ còn gần 30 ha, gồm Hòn Dồ hơn 10 ha, Hòn Ông 4,5 ha, Hòn Dương Bông gần 8 ha và Dương Bản Lầu 6 ha, toàn là đỉnh núi đá, nhiều cây bụi xen kẽ cây gỗ lớn sinh trưởng và bị cô lập với các hệ sinh thái rừng tự nhiên khác với khoảng cách 7 đến 10 km.
Trong rừng có voọc chà vá chân xám, khỉ đuôi lợn, mang, cheo, nhiều loài chim, sóc, chuột..., thường bị một số thợ săn nơi khác đến đặt bẫy săn bắt. Năm 2017, sau thông tin đàn voọc quý hiếm bị "lãng quên", ông Dư rủ thêm hai ông Hải và Vân, đều là nông dân, tuần tra bảo vệ. Nhiều người nói họ gàn, "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", nhưng họ vẫn cứ làm với hy vọng đàn voọc sinh sôi phát triển.
Đến năm 2019, xã Tam Mỹ Tây thành lập tổ bảo vệ rừng thôn bản với 10 thành viên, do ông Dư làm tổ trưởng. Không có kinh phí, tiền xăng xe, cơm nước họ phải tự lo liệu. Tổ bảo vệ thay phiên nhau vào rừng tuần tra, theo dõi mọi biến động của đàn voọc, bất kể ngày mưa hay nắng. Đi hết đỉnh núi này, họ lại băng qua các rẫy keo đến các ngọn núi khác, từ sáng sớm cho đến chiều tối thì về nhà.
"Có đêm người dân điện báo phát hiện ánh đèn pin trên núi, nghi ngờ săn bắt voọc. Tôi huy động anh em đến kiểm tra thì ra hóa ra dân mất bò, vào rừng tìm", ông Dư kể. Mỗi khi phát hiện ai gây hại đến rừng, tổ sẽ báo cho kiểm lâm xử lý.
Đầu tháng 1/2020, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt (GreenViet) hỗ trợ cho tổ bảo vệ mỗi năm 6 triệu đồng, tính ra mỗi người được 600.000 đồng mua xăng đi rừng. "Chúng tôi không nặng nề vấn đề tiền bạc, chỉ góp công sức để bảo vệ voọc, không để chúng bị gây hại", ông Dư chia sẻ.
Ông Lương Thanh Vân, 42 tuổi, cho hay đàn voọc ở trên núi nhiều năm và không ai biết là động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Người dân địa phương không bắt voọc. Khi họ trồng rừng, voọc ngồi vắt vẻo trên cây, có lúc còn hú lên trêu chọc. "Tuy nhiên, khi phát hiện người nơi khác đến, con đực đầu đàn sẽ leo lên cây cao quan sát, sau đó ra hiệu cho cả đàn chạy trốn", ông Vân kể.
Theo ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc GreenViet, cánh rừng ở xã Tam Mỹ Tây là quần thể duy nhất trên thế giới dễ dàng quan sát được voọc chà vá chân xám ngoài tự nhiên. Từng thực hiện dự án ở nhiều nơi, ông nhận thấy không nơi đâu ý thức bảo vệ linh trưởng được đồng thuận như người dân Tam Mỹ Tây.
Kết quả khảo sát hồi tháng 3 của GreenViet xác định có khoảng 60 voọc chà vá chân xám trong 8 gia đình. So với khảo sát năm 2018, số lượng tăng lên 10 cá thể và 2 gia đình. Ông Vỹ cho rằng chưa thể khẳng định do voọc sinh trưởng tự nhiên, vì không loại trừ khả năng voọc ở các hòn núi lân cận di chuyển đến. Tuy nhiên, số lượng cá thể tăng lên là dấu hiệu tích cực.
Để bảo vệ đàn voọc, chính quyền tỉnh Quảng Nam đang xây dựng đề án bảo tồn với kinh phí 100 tỷ đồng nhằm mua lại rừng trồng, phục hồi sinh cảnh. Một phương án khác nhà nước không đền bù đất rừng, thay vào đó người dân góp rừng vào làm cổ đông cho mô hình hợp tác xã hoặc doanh nghiệp du lịch sinh thái. Cổ đông được quản lý, điều hành và chia lợi nhuận theo cổ phần góp vốn.
"Thực hiện theo đề án nhà nước bỏ tiền mua lại rừng thì tương đối lớn nên tỉnh đang hướng đến phát triển du lịch cộng đồng để người dân tham gia, sau đó liên kết với một ty du lịch đưa khách đến tham quan nhằm chia sẻ bớt kinh phí đầu tư", Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nói.
Voọc chà vá chân xám có tên khoa học Pygathrix cinerea, là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố ở Trung Trường Sơn. Chúng thuộc danh sách loài cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), là một trong 25 loài linh trưởng bị đe dọa nhất thế giới. Hiện loài này sống ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai với khoảng 1.500-2.000 cá thể.