Ngày 10/8, ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, Sở vừa đưa ra các giải pháp bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành.
Cụ thể, Sở Nông nghiệp đề nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương xây dựng đề án phục hồi sinh cảnh rừng khoảng 80 ha kết nối từ xã Tam Mỹ Tây đến xã Tam Trà, huyện Núi Thành để tạo môi trường sống cho đàn voọc; thay thế các diện tích rừng trồng bằng loài cây bản địa là nguồn thức ăn của voọc.
Ngoài ra, để bảo tồn và phát triển đàn voọc, Sở Nông nghiệp cũng cho rằng các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuần tra, nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ thiên nhiên nhằm ngăn chặn có hiệu quả các mối đe dọa đối với động vật hoang dã.
“Sở giao Chi cục Kiểm lâm và đề nghị UBND huyện Núi Thành duy trì lực lượng tuần tra, đảm bảo hoạt động liên tục", ông Đức nói.
Trước đó, một số người dân địa phương phản ánh đàn voọc khoảng 20 cá thể sống trên những cụm rừng tự nhiên còn sót lại ở xã Tam Mỹ Tây bị "lãng quên".
Số lượng quần thể voọc ở khu vực này giảm dần trong nhiều năm qua. Tuy nhiên cơ quan chức năng chưa có những cuộc khảo sát, nghiên cứu bảo tồn cần thiết. Trong khi đó, người dân phá rừng trồng keo khiến rừng tự nhiên không còn, ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của voọc.
Voọc chà vá chân xám có tên khoa học Pygathrix cinerea là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố ở khu vực Trung Trường Sơn, trên địa bàn năm tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai. Số lượng quần thể ước khoảng 500 con, thuộc danh sách các loài cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), là một trong 25 loài linh trưởng bị đe dọa nhất thế giới. Theo Sở Nông nghiệp Quảng Nam, voọc chà vá chân nâu có phân bố ở các huyện miền núi tỉnh này nhưng số lượng không nhiều, tập trung tại khu vực rừng Hòn Mỏ, xã Phước Ninh (huyện Nông Sơn) thuộc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi với khoảng 200 con. |