Chiều 17/7, UBND tỉnh Quảng Nam cùng Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và một số tổ chức bàn cách thực hiện đề án bảo tồn loài voọc chà vá chân xám ở xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành.
Ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc GreenViet cho biết, tại xã Tam Mỹ Tây hiện có đàn voọc khoảng 50 con sinh sống trên các ngọn núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông và Dương Bản Lầu. Tổng diện tích rừng tự nhiên ở xã khoảng 30 ha, nhưng nghèo nàn nguồn thức ăn cho voọc.
Qua khảo sát, nghiên cứu gần ba năm nay, GreenViet ghi nhận voọc khu vực này đang đối diện với nạn săn bắt, phá rừng làm nương rẫy. "Voọc chà vá chân xám đang có nguy cơ thoái hóa nguồn gen, trong khi đây là quần thể duy nhất trên thế giới dễ dàng quan sát được ngoài tự nhiên", ông Vỹ nói.
Từ thực trạng trên, ông Vỹ đề xuất thực hiện một đề án bảo tồn loài chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây với ba nội dung chính, gồm: bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học trong khu vực, nâng cao vai trò phòng hộ của rừng đầu nguồn và đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương.
Thời gian thực hiện đề án từ năm 2019 đến 2028 với kinh phí 100 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước 60 tỷ đồng và 40 tỷ đồng nguồn vốn khác để triển khai nhiều hạng mục. Số chi đầu tư hơn 65 tỷ đồng mua lại rừng trồng để phục hồi sinh cảnh cho voọc; thành lập trung tâm diễn giải thiên nhiên 10 tỷ đồng; cơ sở hạ tầng 6,3 tỷ đồng và phát triển kinh tế vùng đệm 7 tỷ đồng...
Theo ông Vỹ, trước mắt chính quyền phải giữ nguyên vẹn 30 ha rừng tự nhiên, tiếp đến trồng thêm 120 ha rừng cho voọc sinh sống. Số đất này đang được khoảng 40 hộ dân trồng cây keo, giờ phải đền bù và có các mô hình sinh kế thay thế để người dân có thu nhập.
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, đồng ý cần thiết bảo vệ loài voọc quý hiếm, xác lập khu bảo tồn sinh cảnh loài voọc chà vá trên cơ sở bổ sung thành khu rừng đặc dụng thay thế rừng sản xuất. Khi xác lập khu bảo tồn, cần thực hiện dự án kêu gọi các tổ chức quốc tế tài trợ một phần kinh phí.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng chi phí 100 tỷ đồng bảo tồn đàn voọc là khá lớn, mong các đơn vị tư vấn, chuyên gia cùng tính toán để thuyết phục được HĐND, UBND, sở ngành khi trình phê duyệt. Diện tích rừng trồng cần được tính toán lại vì đàn voọc có thể tăng số lượng.
"Bảo tồn voọc là không phải là việc của riêng Quảng Nam, cần huy động tất cả nguồn lực từ nhiều nơi để thực hiện", ông Thanh nói.
Voọc chà vá chân xám có tên khoa học Pygathrix cinerea, là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố ở khu vực Trung Trường Sơn, trên địa bàn năm tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai. Hiện cả nước có khoảng 1.500-2.000 cá thể.
Chà vá chân xám thuộc danh sách loài cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), là một trong 25 loài linh trưởng bị đe dọa nhất thế giới.