"Tôi muốn mọi người thấy mình vẫn có cuộc sống hạnh phúc dù độc thân", Min nói. Ở Hàn Quốc, đến nay vẫn có nhiều người quan niệm người độc thân rất đáng thương, cô đơn hoặc thiếu thốn về kinh tế, tâm lý, thể chất. Nhưng Min nói rằng bản thân rất hạnh phúc mà không cần người đồng hành.
Xu hướng "honjok" (làm mọi thứ một mình) - được ghép từ "hon" là một mình và "jok" chỉ một nhóm người, cho đến "bihon" (cam kết không kết hôn) ngày càng trở nên phổ biến tại Hàn Quốc. Những người chọn theo lối sống này thường không quan tâm đến đánh giá của người khác. Họ tự nguyện lựa chọn cuộc sống độc thân thay vì bị ràng buộc bởi cuộc sống gia đình, con cái. Thậm chí, nhiều phụ nữ Hàn Quốc đang sống độc thân còn thề sẽ không kết hôn.
Năm 2020, tỷ lệ hộ gia đình một người ở Hàn Quốc tăng kỷ lục, lên 31,7%, đa phần ở nhóm tuổi từ 20 đến 30. Trong khi tỷ lệ kết hôn và sinh con ở nước này đang thấp kỷ lục. Chi phí sinh hoạt và giá nhà tăng cao là một trong những lý do khiến nhiều người trẻ ngại lập gia đình.
Tại xứ sở kim chi, sở hữu một ngôi nhà được xem là điều kiện kiên quyết để kết hôn. Nhưng bốn năm trở lại đây, giá căn hộ tầm trung ở Seoul cũng tăng gấp đôi. Phí nuôi dạy con cái cũng trở nên đắt đỏ khiến nhiều người tạm hoãn kế hoạch lập gia đình.
"Khi Hàn Quốc vẫn là một xã hội tập thể và gia trưởng thì xu hướng ở một mình không ngừng gia tăng", Joongseek Lee, giáo sư Đại học Quốc gia Seoul, chuyên nghiên cứu về các hộ gia đình một người, chia sẻ.
Ngay cả khi quan niệm về hôn nhân đang dần thay đổi thì những kỳ vọng truyền thống vẫn tồn tại. Nữ giới phải kết hôn trước tuổi 30, nghỉ việc để làm mẹ, làm vợ và nội trợ toàn thời gian trong khi nam giới phải là trụ cột gia đình và mua nhà, mua xe.
Min nói rằng các quan niệm truyền thống khiến anh không được là chính mình. "Tôi luôn cảm nhận bản thân được giao nhiệm vụ. Từ việc phải vào trường tốt, kiếm được việc làm, phải kết hôn và sinh con. Còn không, sẽ bị đánh giá thấp và nghi ngờ năng lực", Min nói.
Bên cạnh đó, tình trạng bất bình đẳng giới đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người. Sinh viên Lee Ye Eun, ở Seoul, người tuyên bố bản thân sẽ theo đuổi xu hướng "bihon" là ví dụ.
Chín năm liên tiếp, Hàn Quốc xếp hạng chót trong danh sách đánh giá chỉ số GCI – chỉ số đo lường môi trường cho phụ nữ cơ hội đi làm kết hợp dữ liệu về giáo dục đại học, tham gia lực lượng lao động, trả lương, chi phí chăm sóc trẻ em, quyền thai sản..., theo The Economist.
"Không phải không chọn được người tốt, mà bởi xã hội này khiến nữ giới gặp nhiều bất lợi khi tiến tới một mối quan hệ", Lee nói.
Các doanh nghiệp, dịch vụ cũng thay đổi để phục vụ các lượng khách chọn sống độc thân gia tăng. Thậm chí, chính quyền thành phố Seoul đã thành lập một nhóm chuyên phát triển các dịch vụ dành cho hộ gia đình một mình như: camera an ninh giá rẻ, hội thảo về sức khoẻ tâm thần, và cơ hội cho những người sống một mình cùng làm kim chi.
Các dịch vụ lưu trú cũng cố thu hút khách hàng độc thân. Xu hướng ăn một mình ngày càng lên ngôi. Viện Nghiên cứu Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc cũng dự báo nền kinh tế vật nuôi gia tăng, khi ngày càng có nhiều người chọn nuôi thú cưng như con cái.
Kang Ye-seul, 27 tuổi, quyết định không bao giờ kết hôn bởi cuộc sống một mình mang lại cho cô sự tự do, có nhiều thời gian để gặp gỡ bạn bè và chăm sóc bản thân.
"Tôi từng khao khát cuộc sống hạnh phúc, nhưng những chuẩn mực xã hội khiến tôi không thể. Nhưng khi lựa chọn cuộc sống một mình, tôi như sống ở một thế giới khác – khi không còn cảm thấy gánh nặng hay sợ hãi", Kang nói.
Cô gái 27 tuổi cho rằng thái độ của chính phủ và nhận thức của xã hội với người độc thân vẫn còn tụt hậu so với xu hướng vận động hiện nay.
Năm ngoái, chính phủ nước này cho biết sẽ xem xét việc mở rộng khái niệm "gia đình", gồm cả những người sống thử và cha mẹ đơn thân. Nhưng thực tế vẫn còn các hạn chế với các hộ gia đình một người, dù xu hướng hiện nay cho thấy số người chọn sống một mình ngày càng gia tăng.
Minh Phương (Theo The Guardian)