Viết về những người có ý định sống độc thân suốt đời, tờ Hankook Ilbo đã kể về trường hợp của cô Kim, 30 tuổi, nhân viên văn phòng, có nhóm bạn thân từ hồi trung học, nhưng đa phần đã kết hôn hoặc sắp cưới.
Khi người bạn trong nhóm của Kim mang thai, một người đã gợi ý tổ chức "bữa tiệc tiết lộ giới tính", tốn khoảng 300.000 won (gần 6 triệu đồng). Bữa tiệc sẽ do một công ty chuyên tổ chức sự kiện chuẩn bị, với bánh kem, bóng bay và các đồ trang trí đi kèm.
Nhưng trước đó cô đã chi 200.000 won cho tiệc độc thân của người này, 100.000 won cho quà cưới. Chưa kể quà tân gia, tiền mừng em bé ra đời và tiệc thôi nôi. "Quyết định sống độc thân, tôi chẳng có sự kiện nào để "thu hồi vốn cả", cô nói.
Một trường hợp khác nói rằng sẽ không đi tham dự cưới của bạn thân vì chẳng có cơ hội nhận lại tiền mừng. "Tại sao tôi phải tiêu tiền bản thân cực khổ làm ra và dành thời gian cho những dịp vô bổ này khi tôi không có ý định kết hôn?", người đàn ông độc thân đáp trả.
Nhưng đây không phải là trường hợp cá biệt. Những lời than phiền "mất tiền oan" của người chọn sống độc thân ngày càng gia tăng, khi hôn nhân được coi là điều bắt buộc ở quốc gia này.
Tuy nhiên, các số liệu thống kê những năm gần đây cho thấy người dân cái nhìn cởi mở hơn về việc không kết hôn.
Theo cuộc khảo sát năm 2020 của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (Statistics Korea), 16,8% người dân nói rằng "hôn nhân là bắt buộc", trong khi 41,4% coi đó là sự lựa chọn. Một cuộc khảo sát khác do Cổng thông tin việc làm Job Korea và Albamon cho thấy, cứ bốn người trong độ tuổi 20-30 sẽ có một người chọn không kết hôn.
Với nam giới, lý do ngại kết hôn liên quan đến giá nhà tăng cao, chi phí nuôi dạy con cái lớn. Trong khi áp lực về các mối quan hệ trong gia đình, liên tục phải tham dự các sự kiện với họ hàng, không có thời gian cho sự nghiệp và bản thân khiến nữ giới chọn sống độc thân.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng chỉ ra việc đối xử bất công với những người đang sống thử, hoặc sống chung khi chưa kết hôn. Theo khảo sát của Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc, hơn một nửa số người đang sống chung ngoài hôn nhân cho biết họ không được hưởng phúc lợi của công ty và phúc lợi thuế nhà nước dành cho gia đình.
Minh Phương (Theo Korea Times)