Bác sĩ Nguyễn Trọng Duy, khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn (ICU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết các dấu hiệu cảnh báo ở bệnh nhân sốt xuất huyết gồm: Vật vã, lừ đừ; đau bụng nhiều; nôn ói nhiều; chảy máu chân răng, mũi, nôn ra máu, tiêu tiểu ra máu, xuất huyết âm đạo bất thường, tiểu ít; thể tích hồng cầu tăng nhưng tiểu cầu giảm nhanh, gan to... Nếu có một trong các dấu hiệu này, người bệnh có nguy cơ diễn tiến nặng (vào sốc), thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Bốn nhóm dễ bị sốc sốt xuất huyết là phụ nữ mang thai, người thừa cân béo phì, người có bệnh nền và trẻ em, đặc biệt là trẻ nhũ nhi (dưới một tuổi).
Phụ nữ có thai
Việc chăm sóc, điều trị cho bà bầu sốt xuất huyết khó hơn người bình thường. Thai phụ phải nhập viện sớm, theo dõi diễn tiến bệnh sát sao để kịp thời phát hiện dấu hiệu cảnh báo. Từ đó, bác sĩ ra chỉ định chống sốc chủ động, ngay khi bệnh nhân mới vào sốc và phải tìm mọi cách không để bệnh nhân sốc kéo dài, tái sốc, không thoát sốc. Lý do là nếu người mẹ vào sốc, tính mạng của thai nhi cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng từ loại thuốc, liều lượng sử dụng đến việc truyền máu và chế phẩm máu... sao cho đạt hiệu quả điều trị mà không ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi. Mẹ bầu bị sốt xuất huyết trong lúc sinh, khả năng băng huyết sau sinh rất cao. Mẹ bị sốt xuất huyết trong thai kỳ có thể khiến trẻ sinh non, nhẹ cân, sinh non hoặc thậm chí thai nhi chết lưu.
"Trường hợp này rất nghiêm trọng", bác sĩ Duy nói. Nếu không phẫu thuật lấy thai ra ngoài, người mẹ có nguy cơ bị nhiễm độc, nhiễm trùng máu. Ngược lại, nếu phẫu thuật, người mẹ có nguy cơ chảy máu ồ ạt, khó kiểm soát. Các bác sĩ sẽ phải cân nhắc giữa nguy cơ và sự cần thiết hủy thai kỳ đối với sức khỏe từng thai phụ để có phương án phù hợp.
Người thừa cân, béo phì
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận bệnh nhân dư cân dễ vào sốc hơn người có cân nặng bình thường. Mặc dù vậy, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra được cơ chế gây bệnh rõ ràng giữa béo phì và sốt xuất huyết. Khó khăn nhất trong điều trị sốc sốt xuất huyết ở nhóm người bệnh nhân này là không thể truyền bù lượng dịch theo trọng lượng cơ thể hiện tại. Làm như vậy sẽ dẫn đến quá tải dịch. Các bác sĩ sẽ dựa vào cân nặng, chiều cao, giới tính của mỗi bệnh nhân để hiệu chỉnh lượng dịch truyền phù hợp.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cũng đồng ý với quan điểm này. Ông nói trẻ em thừa cân, béo phì có nguy cơ sốc cao gấp đôi trẻ có cân nặng tiêu chuẩn. Nguyên nhân là trẻ béo phì dễ bị rối loạn chuyển hóa dẫn đến nhiều biến chứng nặng như suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan thận.
Trẻ em
Theo bác sĩ Tiến, hệ miễn dịch của trẻ nhỏ, nhất là trẻ nhũ nhi (dưới một tuổi) chưa phát triển toàn diện, khó có thể chống chọi được sự tấn công rầm rộ của virus gây bệnh. Do đó, trẻ dễ vào sốc, tái sốc và gặp biến chứng nặng (thường gặp là suy đa tạng, suy hô hấp) dẫn tới tử vong.
Trong khi đó, dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi cũng không rõ ràng, có thể kèm theo triệu chứng của các bệnh lý tiêu hóa, hô hấp (như nôn ói, tiêu chảy hay ho, sổ mũi...). Trẻ dễ bị chẩn đoán nhầm bệnh và điều trị sai hướng. Thêm nữa, trẻ chưa nói được các khó chịu của bản thân, việc phát hiện triệu chứng, dấu hiệu trở nặng hoàn toàn phụ thuộc vào sự quan sát, theo dõi của phụ huynh. Vì thế, bệnh nhi có nguy cơ nhập viện trễ.
Ngoài ra, trẻ còn quá nhỏ, khiến việc thiết lập đường truyền tĩnh mạch để truyền dịch cũng khó khăn hơn. Khi có rối loạn đông máu, trẻ dễ bị bầm tím, xuất huyết ở các vị trí lấy ven, tiêm chích.
Đặc biệt, trẻ nhiễm kép Covid-19 và sốt xuất huyết cũng có nguy cơ trở nặng và tử vong cao hơn, bác sĩ Tiến thông tin. Có hai tình huống xảy ra, một là trẻ nhiễm hai bệnh cùng lúc, hoặc mắc sốt xuất huyết sau khi đã khỏi Covid-19 và đang bị MIS-C (viêm đa hệ thống - một di chứng nghiêm trọng hậu Covid-19). Lúc này, có thể trẻ sẽ diễn tiến nặng bởi cả hai bệnh, hoặc bởi một bệnh tấn công mạnh hơn.
Bệnh kép gây nhiều khó khăn trong điều trị. Nguyên nhân là Covid-19 gây tổn thương phổi, viêm phổi làm suy hô hấp và hình thành cục máu đông); còn sốt xuất huyết gây sốc, suy giảm chức năng hệ tuần hoàn, gây chảy máu.
Nếu điều trị Covid-19 bằng thuốc kháng đông, kháng viêm như thông thường, tình trạng chảy máu sẽ nặng nề hơn. Nếu điều trị sốt xuất huyết bằng truyền dịch, truyền máu và chế phẩm máu trên bệnh nhân viêm phổi sẽ khiến khó thở, nhanh suy hô hấp hơn. Tùy từng ca, các bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị bệnh nặng hơn, đồng thời thận trọng theo dõi diễn tiến bất lợi giữa các phương pháp điều trị.
Thực tế, sốt xuất huyết là mối nguy lớn hơn với trẻ em, khi 10-20% vào sốc, trong khi chỉ khoảng 1% trẻ mắc Covid-19 trở nặng, bác sĩ Tiến nói.
Người có bệnh nền
Qua thực tế điều trị, các bác sĩ cho hay những bệnh nhân đang dùng thuốc kháng đông máu, có tiền căn viêm dạ dày tá tràng, cơ địa dễ chảy máu, có bệnh lý về huyết học... khi mắc sốt xuất huyết dễ bị rối loạn đông máu, nguy cơ chảy máu cao hơn. Đặc biệt, người đã có vết loét do xuất huyết tiêu hóa có khả năng bị tái chảy máu ồ ạt tại chính vị trí đó. Trường hợp bệnh nhân không được cấp cứu, cầm máu kịp thời, có thể sốc mất máu, suy đa tạng và tử vong.
Sốt xuất huyết hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Để ngăn bệnh biến chứng nặng, các bác sĩ khuyến cáo, khi đột ngột sốt cao trên hai ngày, người bệnh cần nghĩ ngay đến sốt xuất huyết và đi khám để được chẩn đoán và có chỉ định điều trị phù hợp.
Bà bầu, trẻ em, người dư cân và có bệnh nền cần nhập viện theo dõi bệnh từ sớm, theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp điều trị ngoại trú, cần vào viện ngay nếu có một trong các dấu hiệu như mệt mỏi, bứt rứt, xuất huyết, tiểu ít, tay chân lạnh, đau bụng và nôn ói nhiều.
Thư Anh