Bác sĩ bệnh viện địa phương chẩn đoán bé sốt xuất huyết, tiểu cầu giảm gấp vài chục lần bình thường, men gan tăng, rối loạn đông máu. Siêu âm thấy tràn dịch màng phổi, màng bụng. Bé được xử trí thở oxy, truyền dịch, kháng sinh điều chỉnh toan máu, đường huyết nhưng tình trạng diễn tiến phức tạp.
Bé lừ đừ, thở nhanh, nhịp tim nhanh, xuất hiện bầm máu vết chích, rỉ máu, mảng bầm da, da xanh xao, tái nhợt nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, ngày 16/9, cho biết khi nhập viện bé được chẩn đoán sốt xuất huyết nặng, tổn thương gan nặng, rối loạn đông máu nặng, xuất huyết tiêu hóa. Trẻ sơ sinh - nhũ nhi mắc sốt xuất huyết thường biến chứng rối loạn đông máu gây xuất huyết bầm da, đặc biệt trẻ nhỏ quá khó thiết lập đường truyền tĩnh mạch dẫn đến bầm xuất huyết ở các vị trí tiêm chích.
Bé được truyền dịch, truyền máu, truyền tiểu cầu, huyết tương tươi đông lạnh, vitamin K1, hỗ trợ gan. Sau hơn một tuần điều trị, tình trạng bé cải thiện dần, bú được, tỉnh táo. "Đây là trường hợp sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh biểu hiện tổn thương gan nặng hiếm gặp được cứu sống", bác sĩ Tiến chia sẻ. Những trường hợp này diễn tiến nặng, phức tạp cần được điều trị tích cực.
Bác sĩ khuyến cáo hiện vào mùa mưa nên bệnh sốt xuất huyết "rình rập" tấn công trẻ. Phụ huynh nên cho trẻ ngủ màn, diệt muỗi, loăng quăng, phát quang xung quanh nhà, nhất là dọn dẹp các chai lọ, hộp, bịch, dụng cụ chứa nước...
Theo bác sĩ Tiến, trẻ dưới một tuổi khi bị sốt, có thể kèm theo ho hoặc sổ mũi, tiêu chảy, ói nên dễ bỏ sót không theo dõi bệnh sốt xuất huyết. Trẻ không biết nói hoặc không biết diễn tả triệu chứng nên phụ huynh cần theo dõi sát tình trạng.
Cần đưa ngay vào viện nếu thấy bé sốt trên hai ngày, có một trong các dấu hiệu như quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì, lơ mơ; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, đỏ; tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống.