Tôi mới đọc một khảo sát của Australia về tỷ lệ người trẻ gặp vấn đề sức khỏe tâm thần trong thời kỳ giãn cách vì dịch bệnh. Cơ quan thống kê quốc gia Australia cho biết cứ 3 người trong độ tuổi từ 18-34 có một người cho biết họ đã trải qua đau khổ ở mức độ cao trong tháng 6, thời kỳ giãn cách vì dịch bệnh.
Tôi nghĩ, rất nhiều người trên thế giới cũng dễ gặp vấn đề tâm lý trong thời kỳ giãn cách vì đại dịch. Ngay cả ở nước ta, nhiều người đã ở trong nhà thời gian dài gần 4 tháng rồi.
Đầu tiên có lẽ là những người gặp vấn đề về tiền bạc, kinh doanh. Chị họ tôi có dấu hiệu bị streess nặng, tóc rụng nhiều, mắt thâm quần vì không ngủ được. Chị lo lắng công việc kinh doanh đã bị đóng băng suốt thời gian qua. Lúc bình thường, chị luôn đi ngủ trước 23h30 để sáng sớm còn làm việc. Tuy nhiên, những tháng qua, mỗi khi đặt lưng lên giường, chị không sao chợp mắt nổi. Những câu hỏi về tiền bạc, về tương lai cứ liên tục hiện ra trong đầu. Mãi đến sáng, chị mới ngủ được nhưng vẫn chập chờn trong những dòng suy nghĩ miên man đó.
Trường hợp khác, nguyên nhân gây stress vì chính gia đình của họ. Bạn đồng nghiệp tôi than thở về việc cả ngày quần quật với hai đứa con, chồng. Buổi sáng, hết lo ăn sáng cho gia đình thì chuẩn bị cho giờ cơm trưa, rửa bát, lau nhà, ăn trưa rồi lo chuẩn bị cho giờ cơm chiều. Việc quản lý, cho ăn, dạy dỗ hai đứa trẻ tốn nhiều năng lượng. Chị cáu gắt và quát mắng các con nhiều hơn. Lúc trước, mỗi buổi sáng hai vợ chồng đi làm, hai con đến trường. Đến chiều tối cả nhà mới gặp nhau nên không có thời gian để giận dỗi. Nay ở nhà đụng mặt nhau nhiều quá lại thấy phiền toái và căng thẳng thần kinh như thế.
Đọc nhiều chia sẻ, tôi cũng thấy các chị em phụ nữ thường là đối tượng bị stress, trầm cảm trong mùa dịch này nhiều hơn cánh đàn ông. Có lẽ do đàn ông suy nghĩ đơn giản, dứt khoát nên không phải chịu những phiền phức như thế?
Tôi nghĩ là cuộc sống hiện tại đã tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các bệnh lý tâm thần. Chẳng qua nó còn rời rạc, nhỏ lẻ nên ta khó nhận ra. Chỉ đến lúc giãn cách, chúng như là một sang chấn thúc đẩy bệnh lý tâm thần diễn ra nhanh và trầm trọng hơn.
Những lo âu về kinh tế gia đình, về sự nghiệp, về việc liệu mình và người thân có mắc bệnh không? Cộng với việc giãn cách xã hội, giao tiếp xã hội bị hạn chế, khiến mọi người khó chịu, bức xúc vì không được thư giãn khiến mất ngủ và dẫn đến trầm cảm.
Theo tôi có hai luồng giải pháp chính để giúp họ bớt căng thẳng. Thứ nhất là cần tăng cường những đường dây nóng kết nối với các tổng đài tư vấn tâm lý. Thứ hai là những ông chồng, người thân cần kết nối và quan tâm chia sẻ nhiều hơn, thay vì chơi game, xem TV hoặc bấm điện thoại.
Trong những ngày giãn cách về dịch, tôi thấy nhiều người quan tâm về việc mua hàng thiết yếu, chuyện ăn uống và sinh hoạt. Nhưng vấn đề sức khỏe tinh thần mùa dịch cũng cần phải được quan tâm. Nhưng chưa thấy có thật nhiều giải pháp cho vấn đề này. Sống khỏe và sống vui phải đi đôi thì một người mới thực sự rũ bỏ được những âu lo.
Thanh Dũng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.