Hồi giữa tháng 11, hai người bạn trọ chung phòng cũng mắc Covid-19 phải đi cách tập trung, riêng chị Thủy test nhanh âm tính.
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y Dược TP HCM) cho biết những trường hợp miễn nhiễm Covid-19 như chị Thủy không hiếm gặp. Các nhà khoa học đã có nhiều khảo cứu và chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo đó:
Thứ nhất, họ corona virus liên quan đến nhiều bệnh, ví dụ như cúm, cảm lạnh, Covid-19. Nếu một người từng bị cảm lạnh, cơ thể đã có miễn dịch với corona, được lưu lại bằng tế bào trí nhớ miễn dịch. Khi tiếp xúc với mầm bệnh là Covid-19, tế bào trí nhớ được kích hoạt, chủ động đào thải virus ra ngoài, trước khi chúng gây triệu chứng. Đây gọi là miễn dịch chéo.
Thứ hai là do hệ thống miễn dịch của từng cá nhân. Những người có sức đề kháng mạnh sẽ tấn công và tiêu diệt virus, không cho chúng nhân bản ngay khi virus vừa xâm nhập. Họ có thể không nhiễm bệnh, hoặc nhiễm với triệu chứng và mức độ rất nhẹ, nhanh khỏi, khi xét nghiệm thường không thấy virus.
Ngoài ra, những người đã tiêm chủng đủ vaccine phòng Covid-19, lượng kháng thể sinh ra đủ mạnh thì nguy cơ nhiễm bệnh cũng thấp hơn so với người chưa tiêm. Hiệu lực vaccine làm giảm khoảng 80% số người lẽ ra mắc bệnh.
Nguyên nhân thứ 4 rất phổ biến, đó là người này từng mắc và khỏi bệnh trước thời điểm tiếp xúc với F0 hiện tại. Theo ông Dũng, xét nghiệm Covid-19 là xét nghiệm kháng nguyên - tìm virus trong mũi, hầu họng. Trong khi đó, nhiều người mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ (thường nhầm thành sổ mũi, dị ứng thời tiết theo mùa, hắt hơi mùa lạnh). Cộng với hệ miễn dịch khỏe mạnh hoặc đã sẵn kháng thể do tiêm vaccine mà cơ thể xử lý quá tốt, bệnh khỏi nhanh. Do đó khi xét nghiệm không thấy sự hiện diện của virus trong mũi họng.
Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam) cho biết trường hợp này thực chất là đã nhiễm bệnh nhưng không biết, chứ không phải miễn nhiễm. Ở các vùng dịch lưu hành (có số lượng người phơi nhiễm nhiều) như TP HCM, Bình Dương sẽ thường gặp hơn. Ông cho rằng thực tế, số F0 có thể cao gấp hàng chục lần so với số lượng ca nhiễm được cơ quan chức năng báo cáo, vì nhiều lý do.
Bên cạnh đó, bác sĩ Hà chỉ ra một số nguyên nhân miễn nhiễm khác, như ở giai đoạn tiếp xúc, nồng độ virus trong vùng hầu họng của F0 còn thấp, chưa phát tán hoặc phát tán ít ra ngoài. Nếu phòng làm việc, nhà ở rộng rãi, thông khí tốt, vệ sinh khử khuẩn thường xuyên, sạch sẽ... cũng làm giảm khả năng lây nhiễm. Đặc biệt, có những người có cơ địa không cảm nhiễm (không tiếp nhận) virus.
Bất cứ bệnh truyền nhiễm nào cũng có trường hợp miễn nhiễm với virus, kể cả khi họ sống trong "vùng đỏ". Trước khi có vaccine, thực tế nhiều người đã vượt qua được các đại dịch nguy hiểm như cúm, sởi, dịch hạch, đậu mùa... và sống khỏe mạnh tới già. "Đây là quy luật chung của tự nhiên", bác sĩ Hà nói.
Mặc dù vậy, "miễn nhiễm Covid-19 không có nghĩa sẽ an toàn suốt đời", phó giáo sư Dũng nhiều lần nhắc lại. Ông giải thích, tùy vào các yếu tố như cơ địa, giai đoạn, nồng độ virus xâm nhập, miễn dịch cơ thể mạnh/yếu khác nhau sẽ quyết định việc có mắc bệnh hay không. Thêm nữa, kháng thể được tạo ra do tế bào trí nhớ miễn dịch. Nếu không tiếp xúc thường xuyên mới mầm bệnh, hoặc cơ thể già hóa, trải thời gian dài, hoặc phải điều trị một số bệnh khác thì tế bào trí nhớ này sẽ giảm dần và mất đi. Để phục hồi và đảm bảo trí nhớ miễn dịch, các nhà khoa học khuyến cáo tiêm vaccine nhắc lại sau 5-10 năm, như vaccine viêm gan B, uốn ván.
Theo các chuyên gia, Việt Nam chưa có báo cáo nào ghi nhận tỷ lệ miễn nhiễm Covid-19 trên toàn dân. Ở giai đoạn hiện nay, khái niệm này không có giá trị khi vaccine phòng bệnh đã được tiêm chủng miễn phí toàn quốc nhằm đạt miễn dịch cộng đồng. Hơn nữa, để xác định một người từng nhiễm Covid-19 hay chưa, cần đánh giá mức độ phơi nhiễm cộng đồng, điều tra dịch tễ, làm xét nghiệm kháng nguyên... Thậm chí, với những người cơ địa đặc biệt, không có kháng nguyên thì phải làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn như tìm tế bào trí nhớ miễn dịch. Việc này tốn kém và không cần thiết.
Người ở cùng nhà, làm chung với F0, nhất là người nguy cơ cao (lớn tuổi, có bệnh nền) cần tuân thủ nghiêm 5K và tiêm vaccine. Hai biện pháp đơn giản này đã được chứng minh hiệu quả đủ để phòng tránh Covid-19, các chuyên gia khuyến cáo.
Thư Anh