Tôi vốn trầm tính, không thích chỗ đông người vì chúng thường ồn ào. Tiệc cưới của người quen và con cái của họ, tôi đến bỏ phong bì, ngồi dự một chút rồi về ngay chứ không ở lâu.
Họp lớp tôi càng không muốn tham dự vì thấy rất không thoải mái. Tôi đã từ chối, nhiều lần không tham dự. Nhưng bản thân là cựu ban cán sự lớp nên dịp kỷ niệm 20 năm ngày ra trường tôi nằm trong ban tổ chức nên phải tham gia. Tôi xin chia sẻ vài góc nhìn mà tôi quan sát được trong buổi hôm đó.
Phải nói rằng, những buổi họp lớp thường là cuộc đụng độ xã hội của những người trước đây đều là bạn bè chung lớp, nhưng giờ đây có nhiều khác biệt về địa vị xã hội, gia đình và tài chính.
Lúc đi học, là cuộc so kè giữa bạn học giỏi và bạn học kém. Lúc nào bạn học giỏi cũng gây được chú ý, có tiếng nói hơn đó sao? Bây giờ, khái quát mà nói đó là cuộc đụng độ giữa những người giàu và kẻ nghèo.
Ngày họp được chọn là ngày cuối tuần để sao cho nhiều người tham gia được nhất có thể. Thế mà vì một vài nhân vật, tự cho mình là quan trọng đã nằng nặc đòi dời lịch vì ngày được chọn là ngày họ bận. Thôi thì họ đã ngỏ ý tài trợ tiền vé xe, ngủ nghỉ cho một số người ở quê rồi nên phải chiều lòng họ. Không thể để những nhà tài trợ vắng mặt được.
Tới ngày họp, theo lẽ dĩ nhiên, một nhóm người đã tỏ ra khác biệt so với nhóm còn lại: Họ đến bằng những chiếc xe hơi sang trọng, mặc quần áo thời thượng, những chiếc điện thoại đắt tiền hoạt động hết công suất vì chuyện làm ăn, chuyện tiền bạc. Ngồi trong bàn vài phút là phải nghe điện thoại, ra ra vào vào.
Ngược lại, một số người khác không tương xứng khi diện quần áo bình dân, đi bằng xe máy hay xe khách đường dài từ quê vào. Lớp tôi đủ thành phần xã hội: Giáo viên, bác sĩ, kiến trúc sư, trưởng phòng kinh doanh của một công ty, thợ hồ, bán tạp hóa ở quê...
Thế nên sự chênh lệch về địa vị và tài chính đã trở thành điểm nổi bật. Thế nhưng những người vượt trội dường như không có ý hâm nóng không khí bằng những cử chỉ ấm ám, thân mật.
Tôi cho là họ đang thiếu tinh tế hoặc có thể là cố ý khoe mẽ. Những người giàu có nói chuyện vui vẻ với nhau rất lớn tiếng. Họ chia sẻ những câu chuyện về những kỳ nghỉ mát ở nước ngoài, lô đất nào mới mua, cho con học trường gì, định cho cho du học nước nào...
Trong khi đó, những người nghèo hơn cảm thấy thiếu tự tin và xa lạ hơn. Họ tìm đến nhau và ngồi chung bàn tiệc, nói chuyện nhẹ nhàng, ăn uống lặng lẽ. Tôi có cảm giác như những người có điều kiện hơn đều thiếu sự nhạy bén hoặc họ phớt lờ khi không khí của buổi họp mặt bị chia làm hai nửa.
Ngay cả các thầy cô được mời đến cũng cụng bia với nhóm có điều kiện nhiều hơn. Có người còn liên tục nhấn mạnh, khoe học trò của mình, là những người đang có địa vị.
Tôi thoáng thấy nhiều nét buồn, chỉ cố ở lại cho xong và chờ đợi giờ tàn tiệc. Một bạn nói với tôi đây là lần đầu cũng là lần cuối dự họp lớp, bạn bông đùa: Không biết còn sống tới lần 40 năm không. Nhưng tôi hiểu lý do thực sự đằng sau là gì.
Chính sự thiếu tinh tế đã làm chia rẽ những buổi họp lớp. Nếu muốn khoe mẽ hãy tìm đến dịp khác. Khi đi họp lớp, hãy để lại những địa vị xã hội, tài chính ngoài cổng nhà hàng hoặc trường học.
Hải Anh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.