Trở về trường dịp kỷ niệm 25 năm thành lập, tôi có cơ hội gặp lại những người bạn cấp ba của mình sau hơn chục năm ra trường. Lớp 50 người nhưng chúng tôi chỉ có mặt khoảng gần chục đứa sau cả tháng trời kêu gọi, vận động trên mạng xã hội. Bỏ qua vấn đề số lượng bởi tôi biết hiếm hoi lắm mới có lớp tập trung được đông đủ sau khi ra trường. Tôi cũng hiểu và thông cảm cho công việc, cuộc sống hiện tại của bạn bè mỗi người mỗi khác, không phải ai cũng có thời gian để về họp lớp. Thế nhưng, thứ khiến tôi trăn trở là câu chuyện của những người trở về.
Sau ngần ấy năm rời xa trường lớp phổ thông, mỗi đứa mỗi hướng lập nghiệp, đứa đi làm sớm, đứa học lên cao, với đủ các ngành nghề khác nhau, những tưởng chúng tôi sẽ có nhiều chuyện để kể cho nhau nghe, để nhìn lại cả một quá trình trưởng thành của mình, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược.
>>'Họp lớp là nơi khoe khoang tiền của, con cái'
Câu đầu tiên mà tôi nghe những người bạn của mình hỏi là: "Đang làm gì rồi? Lương bao nhiêu? Vợ con gì chưa...?" - những câu hỏi mà với tôi chẳng khác mấy với lời chào xã giao của mấy kẻ xa lạ. Tôi từng hy vọng sẽ được chào đón nhưng mấy đứa nhóc mới lớn ngày nào với những biệt danh chỉ tụi học trò mới nghĩ ra. Nhưng tuyệt nhiên không hề thấy.
Có vẻ như họp lớp bây giờ là dịp để người ta so bì xem sau ngần ấy năm, đứa nào làm chức cao hơn, đứa nào lương nhiều hơn, đứa nào vợ đẹp con khôn hơn...? Chẳng thế mà đám bạn về họp lớp tôi vừa qua chỉ toàn là kỹ sư, trưởng phòng, trưởng nhóm, dân kinh doanh, ngân hàng... đại khái là dân có chỗ đứng trong xã hội, làm ra tiền. Cũng bởi thế mà những câu chuyện của chúng tôi cũng chẳng khác nào hội nghị liên kết, hợp tác làm ăn. Mấy đứa làm bất động sản nhanh chóng bắt chuyện với dân ngân hàng, mấy đứa làm bảo hiểm cũng "bắt sóng" ngay với đám dân văn phòng... loanh quanh toàn chuyện "tiền".
>>Những người nghèo đi họp lớp
Tôi từng muốn hỏi đứa bạn cùng bàn về cái vết sẹo trên đầu sau vụ ẩu đả năm cuối cấp giờ thế nào, muốn hỏi cô bạn từng thương thầm năm ấy giờ có còn giữ mấy dòng lưu bút của mình không, muốn hỏi anh bạn thân nhất cha mẹ ở nhà có khỏe không...? Nhưng rồi tất cả đều không có cơ hội được nói ra, hoặc ít nhất là tôi cũng chẳng còn biết nói vào lúc nào cho hợp với mạch chuyện của đám bạn ngày nào.
Buổi họp lớp kéo dài từ sáng tới tận tối, với hết tăng này đến tăng nọ, nhưng dường như chúng tôi chỉ thay đổi không gian nói chuyện chứ chẳng khác mấy về nội dung. Để rồi tất cả kết thúc một cách nhạt nhẽo nhất có thể với đôi ba số điện thoại được trao đổi, vài tấm thiệp cá nhân được đổi tay, mà tôi tin phần lớn nhằm mục đích làm ăn sau này.
>> Nỗi buồn sau buổi kỷ niệm 20 năm ra trường
Với một kẻ không làm về kinh doanh, có xu hướng thích mấy thứ chữ nghĩa, lãng mạn như tôi, có vẻ buổi họp lớp kia đã rút sạch những niềm hứng khởi, háo hức của mình. Nhìn sang những buổi họp lớp của cha mẹ, tôi càng thêm ghen tỵ. Ở cái tuổi gần 70, "thất thập cổ lai hy", ấy thế mà các các cô chú, các bác bạn của bố mẹ luôn háo hức chờ đến ngày gặp mặt mỗi năm. Họ vui vẻ với nhau, nói đôi ba câu chuyện về cuộc sống hàng ngày, về gia đình, sức khỏe của nhau, tôi thấy thật ấm áp. Đấy là lúc những buổi họp lớp giữ được đúng giá trị vốn có của nó.
Phải chăng, chỉ khi người ta đã hết động lực phấn đấu trong cuộc sống, khi tuổi đã về già, mới là lúc những buổi họp lớp nên diễn ra?
Nam Thành
>> Bạn có đồng tình với quan điểm này? Gửi bài tại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.