* Ngày giãn cách xã hội, đạo diễn Xuân Phượng gửi VnExpress.net bài viết về tâm trạng, cuộc sống của một người cao niên thời dịch. Dưới đây là bài viết của bà:
Hôm ấy, người đàn bà bán nước giải khát sát vỉa hè phòng tranh Lotus của tôi trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, buồn bã nói: "Tôi đến chào bà để nghỉ bán".
Chị đã ngồi ở vỉa hè này hơn 10 năm. "Cửa hàng" của chị chỉ là mấy bậc thềm sát vách Chùa Ông và phòng tranh của tôi. Sáng nào từ nhà đến gallery, tôi cũng dừng mắt ở mấy quả dừa tươi, mấy chai nước ngọt, một phích nước, vài bao thuốc lá được xếp ngay ngắn. Chiếc ghế nhựa màu đỏ đặt dưới gốc cây điệp vàng.
Bạn buôn cùng vỉa hè với chị giải khát là hai chị cùng quê Quảng Ngãi. Một chuyên bán bánh chuối nướng. Một bán bánh tráng trộn. Vì không có cạnh tranh về mặt hàng, họ sống hòa thuận, dễ dãi với nhau. Cứ nửa năm lại thấy vắng họ mấy ngày. "Họ về quê lo cho gia đinh", chị bán giải khát đưa tin. Cái vỉa hè bên lề con đường tấp nập bậc nhất Sài Gòn thêm thân thuộc với những người đàn bà tần tảo, đảm đang như thế. Họ chịu cái nắng chang chang, những trận mưa rào bất chợt. Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, vỉa hè của thành phố này giúp họ thêm tiền nuôi con ăn học, lo cho giỗ Tết ở tận quê xa.
Rồi một ngày, góc vỉa hè không còn bóng dáng của họ. Trong nỗi nhớ của tôi hiện rõ nét mặt khắc khổ, dáng đi liêu xiêu của chị bán giải khát. Trong đầu tôi trở đi trở lại câu hỏi: "Không biết họ sẽ xoay xở ra sao? . Buồn và thương. Bậc thềm phòng tranh bao năm trời vẫn dành chỗ cho họ mưu sinh, cất giữ các đồ đạc lặt vặt sau giờ bán, nay trống trơn. Phòng tranh của tôi, con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, và nhiều con đường khác của thành phố, giờ vắng lặng...
Có rất nhiều, rất nhiều gương giúp đỡ nhau, những cuộc hồi hương lúc hoạn nạn được báo chí liên tục đưa tin. Ngày 24/7, tàu hỏa SE14 xuất phát từ ga Sài Gòn để đưa hơn 800 hành khách là người Hà Tĩnh về quê... Phóng viên không quên nhấn mạnh: Chuyến tàu chỉ có người lái là không cùng quê Hà tĩnh. Rồi Gia Lai với các địa điểm phát xăng, phát thức ăn, nước uống cho hàng trăm người đang trên đường rời thành phố về quê... Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam tiếp tục tổ chức các đoàn tàu vận chuyển người tỉnh miền Trung đang sống, học tập, làm việc tại TP HCM và các tỉnh phía Nam về lại nhà... Hội đồng hương các tỉnh đồng loạt tìm mọi phương tiện, mọi hình thức, để đưa dân trở về... Những cuộc hồi hương để lại nỗi nhớ cho Sài Gòn nhưng cũng để giảm tải cho thành phố thân yêu vượt qua đại dịch.
Ở tuổi 92 tôi làm gì trong lúc này?
Bạn cứ tưởng tượng về hoàn cảnh sống của tôi nhé. Một căn hộ ở Sài Gòn, một người giúp việc và một người già tóc bạc trắng, phải chống gậy. Suốt ngày, tin tức Covid dồn dập. Không được ra khỏi nhà. Giờ, các buổi chống gậy đi bộ thong thả quanh chung cư cũng đã là quá khứ.
Nhưng tôi không thể để con Covid làm mất tinh thần! Cũng như bao lần vượt khó trong cuộc đời khá dài của mình, tôi thầm nghĩ: "Không thể đi ra ngoài cho khuây khỏa được thì hãy để trí óc mình bay về những kỷ niệm của hơn 50 năm trước, khi là một phóng viên chiến trường. Những kỷ niệm về những đợt làm phim cùng đồng nghiệp dưới bom đạn từ Vĩnh Linh đến chiến trường Lào, chiến trường Campuchia, xuyên qua dãy Trường Sơn với những vách núi đá tai mèo nhọn sắc, hay những cơn mưa rừng tối đất tối trời...".
Ký ức của một thời khiến tôi bừng tỉnh dậy, không ngăn được nụ cười, tôi ngồi ngay vào máy tính. Vậy là bắt tay vào những trang đầu tiên của cuốn Ai bảo đi làm phim là khổ... Chắc phải rất lâu nữa hồi ức này mới đến trang cuối. Nhưng tôi vui vì đã tìm được cách để bản thân không chìm vào trầm cảm, lo âu và bi quan. Thời gian trôi qua thật nhanh. Hay thật, nhờ viết ra, tôi như đang sống lại thời tuổi trẻ xông xáo, hăng say. Tôi đang nhớ lại những bạn quay phim, thu thanh, lái xe... Những người đã cùng tôi tạo nên tình yêu thương bền chặt của tình đồng chí, đồng đội sau những giờ phút vào sinh ra tử...
Nhắc đến tôi, bạn bè thân quen đều nói: "70 năm trước, đây là người có nhiều cháu nhất ở khu tập thể số 1 phố Lê phụng Hiểu Hà Nội". Từng là một thầy thuốc chuyên khoa Nhi, tôi đã chăm lo sức khỏe cho các cháu thuộc mấy trăm gia đình trong khu. Tôi còn là người hay thuyết minh phim Pháp ở Ủy ban Liên lạc văn hóa với nước ngoài. Hà Nội thời ấy, được xem phim là một điều mơ ước của hầu hết cháu trong khu tập thể. Hễ thấy tôi quần áo tề chỉnh bước ra khỏi sân nhà là cả một đoàn cháu chít rồng rắn xếp hàng theo tôi. Anh Trị, người kiểm soát vé ra vào luôn miệng lẩm bẩm: "Sao cái bà này nhiều cháu đến thế!". Nhưng rồi vì nể nang, các cháu lọt hết vào phòng chiếu. Thêm vào đó là nhức đầu, sốt ho, tiêu chảy... đều đã có "cô Phượng". Sau này, cuộc sống đã đưa chúng tôi tứ tán bốn phương trời. Nhưng tình cảm gắn bó vẫn bền chặt.
Tôi phải kể dài dòng về chuyện này vì khi xảy ra Covid-19. Không ngờ từ nhiều nơi, từ nhiều nước, những lời thăm hỏi, những sự chăm sóc chu đáo nghĩa tình ùa về làm tôi bàng hoàng xúc động. Không thể kể hết những tin nhắn trên mạng, những bó hoa, những món ăn do các cháu tự làm và gửi cho tôi. Từ Hải Dương, một gói quà đã đến theo đường bưu điện: nấm hương, măng khô, mộc nhĩ, miến của cháu Hải Yến, một nhà văn trẻ gửi đến, kèm lời nhắn: "Bà ơi, cháu đang làm ruốc gửi vào...". Rồi: "Cô ơi! Cô uống loại nước con nấu đặc biệt chống cảm sốt, rất tốt cô ạ...". Bao thương yêu dành cho một người già, sao lại không cảm thấy ấm áp và hạnh phúc.
Xin nói thêm là nhiều "cháu" của tôi, nay cũng đã ngót nghét bước vào U70, cũng đã tìm được con đường "thoát" cho họ. Tăng thêm giờ tập đàn, mua thêm lò nướng bánh, học thêm ngoại ngữ, chăm "điểm tin' cho bạn bè. Ăn theo phong trào này, tôi hạnh phúc nhận rất nhiều quà, bánh "home made" đủ loại: su kem, su chocolate, bánh mỳ dài, bánh mỳ chua pha óc chó, rồi gà hầm sen, cháo bào ngư...Tôi cam đoan là tất cả ngon như ở hiệu, có loại còn ngon hơn. Không thể không khen: "Tài tình như thế là cùng".
Ngồi ở nhà, có khi tôi bật cười vì các nàng của tôi - trước Covid không có thời gian thưởng thức một bữa cơm gia đình - giờ là thành những nội trợ vô cùng đảm đang, quán xuyến không chê vào đâu được.
Nhưng cũng nhiều lần tôi khóc khi xem các video về những y bác sĩ, hộ lý, lao công... nằm vật vạ trên thềm bệnh viện sau giờ làm việc mệt mỏi. Tôi khóc khi nhìn bức ảnh tấm lưng đẫm mồ hôi của những thầy thuốc tận tụy đêm ngày chữa trị người nhiễm nCoV. Sau những nỗi lo âu thắt lòng vì con số bệnh nhân Covid-19, những phóng viên năng nổ, xông xáo đã đem lại một sự an ủi thật lớn cho tôi qua các bản tin tích cực về cuộc sống, về những tấm gương giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn. Công việc thầm lặng ngày đêm của họ chẳng khác nào chúng tôi ngày trước - vượt bom đạn đưa những thước phim từ chiến trường trở về, hay vượt bão lũ đế báo cáo tình hình thiên tai lên những trang báo. Tự hào và cám ơn các đồng nghiệp của tôi vô cùng.
Tôi vừa nhận tin báo là sẽ được tiêm vaccine Covid-19 trong vài ngày tới. Thế là sắp có tư liệu để viết một bản tin về "Bà già 92 tuổi tiêm vaccine chống dịch" rồi. Nếu ai hỏi tôi nghĩ gì trong thời này, tôi xin nói lên sự thấm thía của "nghĩa tình đồng bào", "máu chảy ruột mềm" và một câu hát của Trịnh công Sơn: "Tôi ơi đừng tuyệt vọng".
Xuân Phượng đi theo kháng chiến chống Pháp từ năm 16 tuổi. Bà cũng từng thực hiện hàng loạt phim tài liệu mang tính thời sự, phản ánh những sự kiện chiến sự tại chiến trường Campuchia, biên giới phía Bắc và là một trong những phóng viên đầu tiên vào Dinh Độc lập theo trung đoàn xe tăng vào ngày 30/4/1975. Những bộ phim bà đã thực hiện gồm: Việt Nam và chiếc xe đạp (1974), Tôi viết bài ca hồi sinh (1979), Khi tiếng súng vừa tắt (1975), Khi những nụ cười trở lại (1976), Hai tiếng quê hương (1978)... Khi về hưu năm 1989, bà trở thành nhà sưu tập tranh, chủ gallery Lotus nổi tiếng ở TP HCM.
Đạo diễn Xuân Phượng