Nghĩ cũng lạ, lúc này tôi có thể ngủ nướng thả ga, ngủ bù cho những ngày tháng dài thức khuya làm việc và dậy sớm đưa con đến trường. Nhưng giờ đây, khi Sài Gòn và cả nước đang căng mình chống Covid-19, chỉ quanh quẩn ở nhà, tôi thấy "ước mơ ngủ bù" chợt trở nên xa xỉ. Mà, thực tế thì nhu cầu đó đã tự nhiên tan biến mất.
Mỗi ngày, tôi dậy sớm, làm vài động tác thể dục rồi xuống bếp tự pha một ly cà phê đen nóng. Đứng trong gian bếp mờ tối, tôi cảm nhận một không khí mà 30 năm sống ở Sài Gòn mới thấy. Ngoài kia, cửa vẫn đóng, hẻm phố vắng lặng không một tiếng người. Ngay cả những công trình xây dựng cách đây một tuần còn khua khoắng đục đẽo, hàn cưa, giờ cũng đều im vắng.
Tôi biết, trong khi mình thức dậy, đang uống cà phê, có biết bao nhân viên y tế rời nhà đến bệnh viện, rồi từ đó, tùy tình hình dịch bệnh hàng ngày, họ sẽ được điều chuyển lên những chiếc xe để đến các khu cách ly. Trên xe, họ tiếp tục chợp mắt, tranh thủ ngủ, dự trữ năng lượng cho một ngày dài vất vả đến hụt hơi. Những nhân viên y tế này thường rời nhà lúc 5 giờ sáng, 22 giờ mới về tới nhà.
Đó là chưa nói tới những người phải bám trụ tại các khu cách ly hàng tuần, hàng tháng trời, không biết một giấc ngủ sâu, một bữa cơm gia đình, một ly cà phê đúng nghĩa là như thế nào.
Tôi dậy sớm bởi biết có những chuyến xe chạy xuyên đêm đưa những chuyến hàng cứu trợ hàng hóa từ các vùng quê về Sài Gòn. Rồi tại các địa điểm tiếp nhận ở Sài Gòn, cũng có biết bao nhiêu con người phải dậy sớm để đi nhận hàng rồi lao vào một ngày thiện nguyện miệt mài. Thậm chí có những anh chị thức trắng đêm không ngủ.
Và, giờ đây, khi các tỉnh miền Trung có kế hoạch đưa bà con lao động nghèo từ Sài Gòn về quê thì có biết bao con người thao thức.
Sài Gòn mất ngủ, cả nước thao thức không yên.
Dịch bệnh hay thiên tai là lúc xã hội và con người bộc lộ rõ nhất tình cảnh của mình.
Trong cuộc chiến chống chọi với dịch Covid này, tình cảnh của người nghèo là đáng thương và cần sự quan tâm chia sẻ nhiều nhất. Bởi trong khi chúng ta kêu gọi "5K" và ở nhà, thì ngay tại Sài Gòn này có biết bao nhiêu người vô gia cư, biết bao cảnh đời ngụ cư, sống "du mục" qua những căn nhà trọ tạm bợ.
Tôi thường gần gũi với những người lao động bình dân và cũng từng hơn mười năm sống trong những căn nhà trọ chật hẹp, nên tôi thấm thía vô cùng. Nhà trọ, với người lao động nghèo, thực chất chỉ là một chỗ ngả lưng mỗi đêm về, bởi họ rời nhà trọ từ mờ sớm, lăn lộn mưu sinh ngoài đường đến tối mịt. Đường phố mới chính là cuộc sống, ngôi nhà thực sự của họ.
Nhưng lúc này, không ai được ra đường, thì họ sống sao đây? Ngay cả không ra đường kiếm tiền, họ cũng không thể xoay trở trong những căn phòng trọ chật chội nóng bức suốt cả ngày đêm.
Cho nên, tôi nghĩ giải pháp đưa những người lao động nghèo về quê lúc này là đúng đắn và nhân đạo. Với những người này, ngôi nhà muôn đời của họ vẫn là làng quê. Hãy đưa họ về. Sau cách ly, nếu khỏe mạnh, họ lại tiếp tục với ruộng vườn. Còn nếu chẳng may họ phải chữa trị, thì đó cũng là cách mà các địa phương chia sẻ, gánh bớt gánh nặng đang trĩu vai Sài Gòn.
Sài Gòn ơi.
Những ngày này, những dòng nào, những hình ảnh nào gửi đến Sài Gòn – TP HCM cũng đầy thương cảm.
Trên facebook của bạn bè tôi, hầu hết đều chia sẻ những năng lượng tích cực cho Sài Gòn. Như họa sĩ Lê Sa Long, họa sĩ Trần Trung Lĩnh, doanh nhân - thi sĩ Đàm Hà Phú... Đó là những con người hành động.
Tôi không có thói quen khi nhật ký. Nhưng tôi sẽ nhớ mãi không bao giờ quên bức ảnh ký họa đứa bé 5 tuổi ngơ ngác bước lên ôtô đi cách ly của họa sĩ Lê Sa Long. Tôi đã lưu bức ảnh Bánh mì Sài Gòn 0 đồng một ổ/ Bánh mì Sài Gòn đặc biệt yêu thương của họa sĩ Trần Trung Lĩnh vào ổ cứng, coi như "di vật" một thời không thể nào quên. Tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh Đàm Hà Phú cùng với nhóm Sài Gòn Chợ Lạc Xoong đi phát bánh mì cho những người nghèo trên từng con phố Sài Gòn.
Và, tôi khắc sâu vào tâm khảm, hình ảnh những nhân viên y tế đang đêm ngày vắt kiệt sức mình chống dịch Covid. Tôi sẽ nhớ và biết ơn họ trong suốt cuộc đời của mình.
Có một câu chuyện thiền đại ý thế này.
Một thiền sư hỏi các học trò của mình rằng, theo các đệ thì đời người là bao nhiêu lâu?
Các đệ tử tranh nhau đưa đáp án. Người nói đời người có khi ngoài trăm năm. Người bảo, đời người chừng 80 năm. Lại có người nói đời người 60 năm mà thôi.
Thiền sư nghe xong đều lắc đầu, rồi bảo: "Đời người, rốt cuộc chỉ trong vòng một hơi thở".
Tôi ấn tượng bởi câu chuyện đầy tính triết lý về sự vô thường. Nay trong đại dịch, lại thấy càng thêm ý nghĩa. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta thấy quý trọng cuộc sống như thế này. Cũng chưa bao giờ chúng ta thường trực ý nghĩ "trong vòng một hơi thở" như lúc này. Chưa bao giờ chúng ta thèm được thở hơi thở của phố xá trong "trạng thái bình thường mới" như lúc này.
Nhưng để làm được những điều đó, để vượt qua nghịch cảnh, không gì khác hơn là suy nghĩ tích cực và dũng cảm hành động.
Đây không phải là lúc ngồi đổ lỗi và trách mắng. Hãy nhìn nhận vấn đề cho đúng đắn và quyết liệt hành động kịp thời.
Cầu mong cho những khó khăn này sớm qua, mọi điều may mắn tốt đẹp rồi sẽ đến.
Trần Nhã Thụy tên thật là Trần Trung Việt, sinh năm 1973 ở Quảng Ngãi, sống tại TP HCM từ năm 1991 đến nay. Các tác phẩm đã xuất bản của anh gồm: Lặng lẽ rừng mai (tập truyện ngắn), Thị trấn có tháp đồng hồ (truyện dài), Những bước chậm của thời gian (tập truyện ngắn), Gối đầu trên mây (tập tạp văn), Sự trở lại của vết xước (tiểu thuyết), Chàng trẻ măng ở phố treo đầu (tập truyện ngắn), Hát (tiểu thuyết)...
Tác giả đã đoạt các giải thưởng văn học: giải Truyện ngắn Trẻ (báo Văn Nghệ Trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam 1998), Truyện ngắn Văn học cho tuổi trẻ (NXB Thanh Niên - báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn VN 2003), tặng thưởng Hội Nhà văn TP HCM cho tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước (năm 2009), giải thưởng (giải ba) cuộc thi tiểu thuyết lần thứ tư Hội Nhà văn VN (2011 - 2015) cho tiểu thuyết Hát...
>> Xem thêm:
Tiểu thuyết 'Hát' của Trần Nhã Thụy thúc giục mở lòng với đời
Trần Nhã Thụy 'nhiều chuyện' khi viết tiểu phẩm
Trần Nhã Thụy: 'Viết và sống là quá trình cần luyện tập'
Trần Nhã Thụy