Cô gái 25 tuổi, ở Hà Nội, học phương pháp ăn này từ một tài khoản trên mạng xã hội với lời quảng cáo "thanh lọc cơ thể, cải thiện sức khỏe, giúp giảm 2 kg mỗi tuần, không dựa vào thuốc hay áp dụng chế độ tập luyện nghiêm ngặt".
Dưới video có hàng chục nghìn lượt yêu thích, một số người cho biết đã giảm ít nhất một, hai kg sau 7 ngày. Điều này càng khiến Linh An, người từng áp dụng nhiều phương pháp như nhịn ăn gián đoạn 16:8 (nhịn 16 tiếng, ăn 8 tiếng); ketogenic diet (ăn giàu chất béo, ít tinh bột, hấp thụ lượng protein vừa phải) hay eat clean (ăn kiểm soát năng lượng) nhưng không hiệu quả, có hy vọng.
Mỗi bữa sáng của An gồm nửa quả táo và nước ép cần tây. Đến trưa, cô ăn sống nửa củ cà rốt, 3 trái đậu bắp, bắp cải tím thái sợi cùng nửa quả thanh long. Bữa tối gồm nước ép dứa, táo và salad rau củ. Phương thức này giúp An giảm được 1,5 kg, vòng eo bé lại sau một tuần và khiến cô hài lòng. Cô dự định duy trì chế độ thêm vài tuần trước khi thử chu kỳ nhịn đói thường xuyên.
Ám ảnh bởi chuẩn mực phải "đẹp, trắng, gầy" khi liên tục xem video trên mạng xã hội, đặc biệt là các trào lưu tôn vinh cơ thể mảnh mai, Đỗ Thảo, 28 tuổi, TP HCM, chi hàng chục triệu đồng cho các thực phẩm chức năng. Sau thời gian dùng, cân nặng của Thảo chững lại, da sạm đen, tóc rụng, cơ thể như tích nước, buộc phải tìm phương pháp mới: tạo thâm hụt calo (tổng lượng calo nạp vào cơ thể phải thấp hơn lượng đốt cháy trong ngày) và cắt giảm toàn bộ tinh bột.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người cao 1,6 m và nặng 50 kg như Thảo trung bình mỗi ngày cần bổ sung 1.200 calo. Tuy nhiên, các video trên mạng xã hội khuyên cô chỉ nên hấp thụ 300-500 calo. Để tránh hấp thụ nhiều, Thảo sử dụng cân điện tử mini, cân từng món ăn trước khi đưa vào miệng. Cô cho rằng, chỉ cần sai lệch một gram cũng có thể tăng cân.
Thấy con gái giảm cân cực đoan, cơ thể gầy gò, tay lộ gân xanh, mặt hốc hác nhưng vẫn tin là mình béo, bà Thanh Thư, mẹ Thảo thường xuyên nấu đồ ăn ngon, ép uống thuốc bổ mỗi khi con về quê. Điều này khiến Thảo hạn chế về nhà để tập trung ăn kiêng.
"Không biết đẹp lên hay sớm thành bộ xương", bà Thanh thở dài.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng, thành viên hội tâm lý trị liệu Việt Nam, cho biết quan niệm "người dây mới là đẹp" được cho là khởi phát từ những ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng trên các mạng xã hội Hàn Quốc, Trung Quốc... thông qua các hình ảnh, video, phim ảnh.
"Ngoài mạng xã hội, các quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ, kinh doanh sản phẩm về cơ thể tràn lan đang lý tưởng hóa và thúc đẩy thân hình gầy gò quá mức trở thành chuẩn mực, khiến nhiều người ăn kiêng cực đoan hoặc tập thể dục quá mức. Đặc biệt là giới trẻ", ông Hoàng nói.
Theo khảo sát của phóng viên VnExpress, trên nền tảng TikTok, hashtag thu hút nhiều lượt xem nhất là #giảmcân với 1,2 tỷ lượt xem, #eatclean 1,9 tỷ lượt xem hay ketodiet 2,3 tỷ lượt xem. Nhiều nội dung trong đó ủng hộ việc nhịn ăn, chia sẻ các phương pháp giảm mỡ bụng cấp tốc, cuộc thi giảm cân khắc nghiệt hoặc hướng dẫn động tác đốt mỡ, giảm cân nhưng tiềm ẩn rủi ro gây tổn thương cơ, đốt sống, đa chấn thương...
Facebook cũng ngập tràn hội nhóm về giảm cân, hoạt động sôi nổi. Trong một nhóm kín có gần 300.000 thành viên, nội dung bài viết chủ yếu giới thiệu các loại trà thảo mộc cho đến thuốc giảm cân, kẹo hủy mỡ, kem tan ủ tiêu mỡ, bột thiên nhiên. Các sản phẩm này được người bán cam kết "100% thành phần từ thảo dược thiên nhiên, không có tác dụng phụ, giúp giảm cân nhanh, không gây mệt mỏi".
Tuy nhiên, cuộc điều tra năm 2022 do Công ty TNHH Novo Nordisk Pharma có trụ sở ở Tokyo (Nhật Bản) lại chỉ ra những người sử dụng đồ ăn kiêng, thảo dược hay thực phẩm chức năng, có tỷ lệ giảm cân thành công thấp nhất, chỉ 5%. Nghiên cứu cũng cho thấy, chế độ ăn kiêng và ăn chay hay sử dụng thực phẩm chức năng không mang lại kết quả cao như kỳ vọng.
Hiện chưa có thống kê về số người Việt áp dụng các cách giảm cân cực đoan, nhưng khảo sát cuối tháng 11/2022 của VnExpress trên 200 độc giả với câu hỏi "Bạn đã giảm cân theo cách nào?", 79% nói kiên trì tập luyện mỗi ngày; 19% học theo chế độ ăn uống trên mạng xã hội như (nhịn ăn, ăn kiêng, ăn thô...), và 2% thử sử dụng các thực phẩm chức năng hoặc tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ.
Bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết lập chế độ ăn kiêng để cải thiện cân nặng là tốt, phù hợp với trường hợp thừa cân, béo phì nhưng cần có sự chỉ dẫn, theo dõi của bác sĩ.
Theo chuyên gia, có nhiều người đang giảm cân cấp tốc bằng việc ăn kiêng, ăn thô, chỉ ăn rau xanh hoặc uống nước. Các phương pháp này có thể giúp trọng lượng cơ thể giảm xuống vài kg nhưng khiến một số bộ phận trong cơ thể bị bỏ đói, hoạt động bị rối loạn, tạo những phản ứng không chính xác như tim co bóp nhanh, gan phải hoạt động nhiều hơn để tổng hợp chất dinh dưỡng... Đây có thể là nguyên do gây ra tình trạng như suy gan, trụy tim, tiêu cơ, loãng xương.
Bên cạnh đó, nhiều người đang hiểu nhầm khái niệm ăn thô. Ăn thô là ăn thực phẩm còn nguyên sơ như gạo lứt, ngô, khoai chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác... chứ không có nghĩa là ăn sống. "Tất nhiên, mọi thực phẩm còn sống là nguyên sơ, nhiều chất dinh dưỡng hơn, nhưng không phải thứ gì cũng ăn được", bà Hải nói.
Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp phải nhập viện khi giảm cân cấp tốc. Như tháng 2/2023, một phụ nữ 30 tuổi ở Hà Nội đã giảm được ba kg sau một tuần ăn kẹo giảm cân, nhưng trên da xuất hiện mẩn đỏ, mặt nổi mụn, người lả đi vì mệt, buộc phải nhập viện điều trị. Hay tháng 3/2022, một nữ bệnh nhân 35 tuổi sau 5 ngày dùng trà giảm cân phải nhập viện vì mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt.
Đột ngột cắt giảm chất đạm, béo và carbohydrate khiến Linh An thường xuyên mệt mỏi, đau nửa đầu, hơi thở đứt quãng khi leo cầu thang, đầu óc quay cuồng, rối loạn kinh nguyệt, không tập trung làm việc, nảy sinh tâm lý cáu gắt và thi thoảng ngất không rõ nguyên do. Tuy nhiên, cô gái trẻ vẫn khẳng định các triệu chứng này là bình thường.
"Tôi không thể ngừng dằn vặt bản thân nếu không thể gầy đi", Linh tâm sự.
Từng chia sẻ trên VnExpress về vấn đề giảm cân, bác sĩ Ngô Quang Hải, nguyên phó giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết nhịn ăn quá lâu sẽ tiềm ẩn một số rủi ro, dễ nhìn thấy nhất là thiếu năng lượng, thiếu chất dẫn đến tình trạng chóng mặt, buồn nôn, đau đầu và nặng hơn là ngất xỉu do đói. Thiếu hụt vitamin và khoáng chất còn có thể gây suy yếu hệ miễn dịch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.
Ngoài sức khỏe giảm sút, ăn kiêng cực đoan còn khiến Đỗ Thảo tự thu mình, né tránh những bữa tiệc ở công ty hay đi chơi cùng bạn bè. "Tôi không chắc những đồ ăn chế biến sẵn chứa bao nhiêu calo, tỷ lệ dùng dầu mỡ, muối đường như thế nào nên kiên quyết không nếm thử", cô nói.
Trước thực trạng nhiều người trẻ áp dụng phương pháp giảm cân cực đoan, ảnh hưởng đến sức khỏe, bác sĩ Lê Thị Hải khuyên tốt nhất là tìm đến các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn và có phác đồ điều trị phù hợp với thể trạng từng người, tránh nghe theo các bác sĩ "dởm" trên mạng xã hội dễ gây những ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng cũng khuyên người dùng nên hạn chế sử dụng mạng xã hội hoặc báo cáo vi phạm nếu thấy video về giảm cân, làm đẹp không có kiểm chứng, nhằm bảo vệ sức khỏe tinh thần.
Huyền Trang, 22 tuổi, Nghệ An, từng suýt mất mạng vì phương pháp "uống nước trong 24-72 giờ thay ăn" và dùng thực phẩm giảm cân khi nặng đến 70 kg. Trở về từ cửa tử, Trang dần thay đổi suy nghĩ, học cách kết hợp giữa ăn uống và tập luyện điều độ.
Dưới sự tham vấn của bác sĩ, cô xây dựng chế độ ăn khoa học, cân bằng đủ các nhóm dưỡng chất như protein, rau, củ, quả và tinh bột. Riêng bữa tối sẽ hạn chế ăn các thực phẩm nhiều đường, chất béo như bánh kẹo, đồ chiên rán mà bổ sung từ các loại hạt, dầu ô liu. Mỗi tuần, cô đều đến phòng tập gym ba lần để tăng cơ, giảm mỡ.
So với sử dụng thực phẩm chức năng hay nhịn ăn, cô gái trẻ nói phương pháp mới khiến cân nặng giảm chậm. "Nhưng tôi cảm thấy thoải mái, cơ thể khỏe hơn và tập trung làm việc thay vì cả ngày lơ đãng, mệt mỏi và luôn thèm ăn", cô chia sẻ.
Quỳnh Nguyễn