Đây là lần thứ hai trong ngày, cô nhân viên 28 tuổi ở quận 3, TP HCM làm việc này, trước đó là bữa cơm trưa. "Tôi thích cảm giác được ăn uống thoải mái, không phải tập luyện mà vẫn gầy", Loan giải thích phương pháp giảm cân trong bảy tháng qua dù thừa nhận "hơi dã man"
Cô gái cao 1m65, nặng 70 kg, tăng 10 kg sau một năm làm việc tại nhà. Cũng vì chuyện tăng cân mà Loan thường bị đồng nghiệp, bạn bè cười cợt. Cô đã thử tập thể dục, ăn kiêng nhưng cân nặng không giảm. "Ngay cả lúc ngủ tôi cũng cảm giác có tiếng chê cười về ngoại hình. Tôi ghét nhìn bản thân trong gương", Loan nói.
Móc họng là phương án loại bỏ 22 kg, thứ mà cô gọi là mỡ thừa. Hiện, cô nặng 48 kg, trong khi cân nặng tương ứng với chiều cao là 55 kg. Loan vẫn khẳng định phải giảm thêm 3 kg mới đạt chuẩn.
Bà Ngọc Lan, 50 tuổi, mẹ Loan lo lắng khi con giảm cân một cách cực đoan. "Cứ ăn một miếng bánh hoặc hay vài thìa cơm, nó cũng ép để nôn. Người gầy, mặt xanh xao mà vẫn kêu béo", bà Lan thở dài.
Sau 7 tháng giảm cân kiểu này, Loan có hiện tượng bị trào ngược dạ dày, rụng tóc, mất ngủ, chóng mặt và chu kỳ kinh nguyệt không đều. Bác sĩ cảnh báo nếu cứ móc họng, cô có thể bị loét hoặc hỏng thực quản, viêm tụy và đe dọa tính mạng.
Số người ám ảnh chuyện cân nặng như Loan không hiếm. Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng, thành viên hội tâm lý trị liệu Việt Nam cho biết, nhiều người Việt đang mắc các chứng rối loạn tâm lý, trong đó có sự lo lắng quá mức về hình thể, cân nặng và các khiếm khuyết về ngoại hình. Sự ám ảnh thái quá này khiến người bệnh có xu hướng muốn giảm cân nhanh, thúc đẩy hành vi nhịn ăn, tập thể dục quá mức, tự nôn ói sau ăn.
"Ngoài việc chạy theo phim ảnh, một số người bị body shaming (miệt thị ngoại hình) cũng tìm mọi cách để giảm cân, như hành động phản kháng", ông Hoàng nhận định.
Nguyễn Linh, 21 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội là ví dụ. Nữ sinh bắt đầu tăng cân mất kiểm soát vào năm 2015, khi ôn thi vào lớp 10. Căng thẳng, mệt mỏi buộc Linh tìm đến nước tăng lực và đồ ăn vặt. Sau hai tháng, cô lên cân nặng 73 kg, cơ thể xuất hiện nhiều vết rạn da.
"Ê con béo phì, đứng tránh ra"; "Cẩn thận không bạn ấy lu vào người"; "Con gái gì mà to như con trâu"... những câu nói của bạn bè khiến Linh không thể quên. Cô bắt đầu né tránh đi chơi, chụp ảnh chung với lớp vì thấy bản thân xấu xí.
Cuối năm cấp 3, Linh hạ quyết tâm giảm cân để "trả thù những người miệt thị mình suốt ba năm học". Hai tháng đầu, cô nói không với tinh bột, thực đơn hàng ngày chỉ ăn thịt nạc luộc và nước lọc. Sau 15 ngày, cô dùng thêm thuốc giảm cân đặt qua mạng.
"Sai lầm trong quá trình giảm cân nhiều người mắc phải là cắt giảm hoặc không ăn tinh bột", tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám, tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết. Tinh bột, đạm và chất béo là các chất sinh năng lượng, việc nạp không đủ có thể gây suy nhược, ảnh hưởng tới trí nhớ cũng như năng suất công việc.
Giảm được gần 10 kg sau hai tháng ép cân, Linh mắc chứng chán ăn, thường xuyên nôn khan khi ngửi mùi thức ăn. Nữ sinh không biết bản thân mắc chứng rối loạn ăn uống.
Rối loạn ăn uống (eating disorder) là căn bệnh phổ biến toàn thế giới, có nguồn gốc tâm lý, đặc trưng bởi việc người bệnh tự ép buộc bản thân nhịn đói hoặc ăn vô độ. Nghiên cứu công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) năm 2011 kết luận, những người mắc chứng rối loạn ăn uống có nguy cơ tử vong cao hơn các loại bệnh tâm lý khác. Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên gặp vấn đề về ăn uống tăng gấp đôi, lên 7,8% kể từ năm 2000 đến năm 2018. Theo thống kê, một người có thân hình mảnh khảnh nhưng gặp vấn đề về trao đổi chất, nguy cơ tử vong cao gấp 2,5 lần so với một người béo nhưng ăn thực phẩm lành mạnh và duy trì tập luyện.
Việt Nam chưa có thống kê về số người mắc chứng biếng ăn liên quan đến ám ảnh cân nặng. Nhưng lượng người quan tâm đến cách thức giảm cân tăng mạnh. Mạng xã hội cũng xuất hiện hàng nghìn hội nhóm chia sẻ cách giảm cân từ tập luyện, ăn uống cho đến mua bán thực phẩm chức năng. Mỗi nhóm có từ vài chục nghìn đến gần 300.000 thành viên tham gia. Dưới các bài chia sẻ là hàng nghìn bình luận giới thiệu thuốc giảm cân, liệu trình ép mỡ đến phẫu thuật thẩm mỹ, không kiểm chứng.
"Mạng xã hội phát triển cùng các quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ, kinh doanh sản phẩm về cơ thể tràn lan, đẩy thân hình mảnh mai trở thành chuẩn mực của cái đẹp, khiến nhiều người bị ám ảnh và chạy theo", chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng nói.
Không nghĩ bản thân quá béo nhưng liên tục xem hình ảnh, clip về tiêu chuẩn "mình hạc xương mai", Ánh Tuyết, 20 tuổi, cao 1,61 m, nặng 50 kg lao vào giảm cân. Mỗi lần lướt mạng xã hội, cô sinh viên năm thứ ba đại học tự ti khi thấy bạn bè khoe số đo ba vòng. "Tôi mong muốn ước bản thân có được vòng eo con kiến, thân hình săn chắc, cơ bụng số 11 lộ rõ khi mặc áo ngắn", Tuyết nói.
Mỗi bữa cơm, cô gái bắt đầu tính lượng calories được nạp vào cơ thể. "Tôi phát mệt khi nhìn con gái ngồi đếm từng cọng rau, tính toán lượng thịt trước khi ăn", anh Đức Hùng, 45 tuổi, bố Tuyết than thở.
Nhưng không phải mọi các cô gái đều giảm cân phản khoa học. Như trường hợp của Lê Phương Oanh, 23 tuổi, ở TP HCM. Thuộc tạng người dễ tăng cân, trung bình một năm tăng khoảng 10 kg và đỉnh điểm là năm lớp 10, Oanh nặng 105 kg.
Cô bị bạn bè trêu ghẹo, miệt thị, thậm chí bị một số bạn lớp khác ném rác vào người chỉ vì béo. Điều này khiến cô căng thẳng, mệt mỏi và mắc chứng ám ảnh với người lạ. Không muốn bị cô lập và chịu áp lực từ xã hội, Oanh lập kế hoạch giảm cân.
Những ngày đầu nữ sinh chỉ ăn một bữa cơm, tăng rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước và không ăn vặt. Sau ba tháng, cô giảm gần 15kg nhưng không là gì so cân nặng lúc đó.
Lên đại học, 9x tìm hiểu thêm nhiều phương pháp giảm cân lành mạnh, chăm chỉ tập thể dục và kiên trì tuân thủ chế độ ăn kiêng. Sau hai năm tập luyện, cân nặng của Oanh giảm còn 67 kg, và hiện tại giữ ở mức 55 kg. "Giảm cân là cả một quá trình rèn luyện, cần sự kiên trì thay vì cố gắng móc họng, uống thuốc hay nhịn ăn bất chấp, để giảm vài cân thịt", Phương Oanh bộc bạch.
Giống nhiều nước trên thế giới, cân nặng trở thành nỗi ám ảnh của người dân và thúc đẩy ngành thực phẩm chức năng, thể dục thể hình và các dịch vụ đi kèm phát triển.
Đánh giá của Statistics, ngành công nghiệp thể dục thể hình của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ bình quân 20% mỗi năm đến năm 2021, với quy mô thị trường khoảng 113 triệu USD. Báo cáo tài chính của Công ty TNHH Trung tâm thể dục thể hình và Yoga California, doanh thu năm 2018 đạt hơn 300 tỷ đồng, tăng 6% so với 2017 và hơn 60% so với 2016. Hay chuỗi phòng gym được vận hành bởi Công ty Lifestyle Việt Nam ghi nhận doanh thu gần 465 tỷ đồng trong năm gần nhất, tăng 17% so với 2017 và hơn 60% so với trước đó hai năm.
Nhưng khi phòng gym tạm ngưng vì dịch, các khóa huấn luyện online trở nên thịnh hành. Báo cáo toàn cầu về xu hướng thể dục năm 2021, nữ giới chọn tập trực tuyến nhiều hơn 37,4% so với năm 2020, tăng hơn gấp ba lần so với nam giới (tăng 11,7%).
Thị trường thuốc bổ, thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân, quản lý cân nặng trong nước tăng mạnh. Theo báo cáo của Euromonitor năm 2019, người tiêu dùng có xu hướng quan tâm đến sức khỏe, tập trung vào tập thể dục, cải thiện ngoại ngoại hình khiến nhu cầu dinh dưỡng thể thao và các sản phẩm kiểm soát cân nặng, sức khỏe tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, dự báo sản phẩm quản lý cân nặng và nâng cao thể trạng sẽ đạt 23.571 tỷ đồng vào năm 2024, gần gấp đôi so với doanh thu năm 2019 và đứng đầu trong doanh số thị trường chăm sóc sức khỏe trong nước.
Được gia đình khuyên nhủ, Hồng Loan nói sẽ dừng việc móc họng khi cân nặng xuống còn 45 kg. "Lúc đó tôi sẽ cân nhắc việc đạp xe, chạy bộ hoặc tìm đến các phòng tập gym để duy trì thân hình mảnh mai. Còn giờ tôi vẫn sẽ làm, nhưng giảm tần suất móc họng xuống ngày một lần", cô gái 28 tuổi nói.
Quỳnh Nguyễn