Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo vaccine cúm cần được tiêm định kỳ, mỗi năm một lần, áp dụng với mọi đối tượng từ 6 tháng tuổi trở lên. Trong số đó, có những nhóm cần đặc biệt quan tâm, nhằm tránh biến chứng nặng của bệnh. Gồm:
- Người già trên 65 tuổi.
- Trẻ em dưới 5 tuổi.
- Người mắc các bệnh mạn tính, có các bệnh lý nền liên quan tim mạch, hô hấp, đái tháo đường, người suy giảm miễn dịch.
- Nhân viên y tế cũng là nhóm cần tiêm phòng do thường xuyên tiếp xúc với các nguồn truyền nhiễm.
- Đặc biệt, trẻ dưới 9 tuổi chưa được tiêm vaccine cúm lần nào, cần phải tiêm 2 mũi cách nhau một tháng mới đảm bảo hiệu quả phòng bệnh
Virus cúm thường có các loại như A, B, C; thường gặp là cúm A và B, gây ra dịch cúm theo mùa. Bệnh cúm dễ lây, thuộc nhóm B trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh nhân thường sốt cao, đau đầu, đau họng, đau cơ, ho, sổ mũi, mệt mỏi. Cúm tự khỏi sau 2-7 ngày, song có thể xâm nhập gây biến chứng viêm tai, phế quản, phổi, não ở trẻ em và người lớn miễn dịch kém.
Một trong những cách đơn giản, hiệu quả để phòng bệnh là tiêm vaccine. Vaccine cúm thường chứa loại virus cúm đã bị bất hoạt, có thể tiêm phòng cúm cho trẻ em và người lớn. Trẻ 6-9 tháng tuổi chưa từng tiêm vaccine cúm sẽ tiêm 2 mũi. Người lớn tiêm một mũi. Tùy từng loại vaccine khác nhau mà độ tuổi, lịch tiêm chủng có thể thay đổi.
Cần phân biệt cúm với cảm lạnh. Đối với cúm, bệnh nhân thường có biểu hiện của đường hô hấp như ho, hắt hơi, chảy mũi, đau họng, nặng hơn là viêm phổi, viêm phế quản gây khó thở. Cảm lạnh chỉ dẫn đến hắt hơi, đau họng, và có thể có chảy mũi. Để phân biệt chính xác nhất, cần ngoáy mũi họng mang bệnh phẩm đi xét nghiệm.
Minh Huy