Ước tính có khoảng 4,8 triệu người nhập cư không phép sống ở 32 quốc gia châu Âu, tính đến năm 2017, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew. Các nghiên cứu cho thấy họ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi Covid-19 so với đại bộ phận dân số của châu lục.
Tuy nhiên, nhiều nước đã loại người nhập cư không giấy tờ ra khỏi chiến dịch tiêm chủng của mình và tâm lý ngờ vực sâu sắc mà những người nhập cư dành cho giới chức càng khiến nỗ lực tiêm chủng trở nên khó khăn hơn.
Khoảng 64% dân số trưởng thành của châu Âu đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 và gần 44% số dân tiêm đủ hai liều, theo kết quả khảo sát từ Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC). Tuy nhiên, trong bối cảnh biến chủng Delta với khả năng lây lan mạnh hơn đang trỗi dậy, mục tiêu tiêm chủng cho bộ phận dân cư còn lại càng trở nên cấp bách.
Tại Mỹ, người nhập cư không giấy tờ vẫn đủ điều kiện tiêm vaccine và chính quyền liên bang cho biết họ sẽ không tiến hành các hoạt động bắt bớ người nhập cư trái phép ở những địa điểm tiêm chủng.
Hồi tháng ba, Liên minh châu Âu (EU) công bố một hướng dẫn kêu gọi các quốc gia thành viên đưa tất cả những người nhập cư vào chương trình tiêm chủng Covid-19, bất kể tình trạng pháp lý của họ.
Dù vậy, các chính sách và quy trình tiêm chủng đang có khác biệt rất lớn trên khắp châu Âu. Một báo cáo của ECDC hồi tháng trước chỉ ra rằng tỷ lệ tiêm chủng vẫn rất thấp ở một số nhóm người nhập cư.
"Tiêm chủng bắt buộc cho người nhập cư là chính sách hợp lý nhưng đây vẫn là vấn đề bị né tránh ở một số quốc gia", Alyna Smith, điều phối viên từ Diễn đàn Hợp tác Quốc tế về Người di cư Không giấy tờ (PICUM), đánh giá.
Những khó khăn trong việc tiêm chủng cho nhóm "người vô hình" này đã làm bật lên tình trạng bất bình đẳng về chăm sóc y tế hiện nay. Các chuyên gia y tế công cộng cho biết lỗ hổng mà nó tạo ra có thể khiến hành trình trở lại cuộc sống bình thường ở châu Âu không bao giờ đến đích.
"Giải quyết vấn đề nhập cư là điều tối quan trọng bởi đó là nhóm ưu tiên, là những người dễ bị tổn thương bởi các yếu tố rủi ro, điều kiện sống cũng như làm việc của họ", Benedetta Armocida, thạc sĩ nghiên cứu về y tế toàn cầu tại Đại học Geneva, Thụy Sĩ, nhận xét.
Ngay cả trước đại dịch, người nhập cư không giấy tờ đã phải đối mặt với vô số rào cản y tế tại nhiều nước châu Âu, theo Sally Hargreaves, chuyên gia y tế, tác giả chính trong báo cáo của ECDC.
Trong quá khứ, một số nước, bao gồm cả Anh, vẫn có chính sách tính phí dịch vụ y tế đối với người nhập cư, trong khi công dân được miễn phí. Nhiều nơi thậm chí còn từ chối điều trị cho người nhập cư bất hợp pháp.
Nỗi sợ bị trục xuất hay lo lắng về hóa đơn y tế đắt đỏ khiến những người nhập cư trái phép có xu hướng tự tìm cách điều trị các căn bệnh mạn tính, làm gia tăng nguy xảy ra biến chứng khi mắc Covid-19, chuyên gia y tế công cộng nhận định. Nỗi lo lắng này cũng khiến không ít người cảm thấy ngần ngại và tránh xa các trung tâm tiêm chủng.
"Khi bạn nói chuyện với những người nhập cư và các cộng đồng thiểu số, bạn sẽ nhận thấy họ thực sự thiếu tin tưởng vào hệ thống y tế", Hargreaves cho hay.
Dù vậy, vẫn có một số quốc gia đã ưu tiên người nhập cư không giấy tờ trong chương trình tiêm chủng. Kế hoạch tiêm chủng của Hà Lan nêu rõ rằng nhóm này đủ điều kiện tiêm vaccine. Bồ Đào Nha xây dựng một nền tảng trực tuyến cho những người nhập cư không giấy tờ để đặt lịch hẹn tiêm vaccine và hơn 19.000 người đã đăng ký, theo PICUM.
Tất cả những người cư trú tại Bỉ đều đủ điều kiện tiêm vaccine và chính phủ nước này đã quy định rằng dữ liệu thu thập trong quá trình tiêm chủng chỉ được phép sử dụng cho mục đích y tế.
Chính phủ cũng đã triển khai các đội tiêm chủng lưu động và hợp tác với chính quyền địa phương và các nhóm xã hội dân sự nhằm tiếp cận những người nhập cư.
Nhưng tại những nước mà về mặt lý thuyết tất cả mọi người đều có quyền tiêm vaccine, các rào cản hành chính vẫn tồn tại. Vaccine Covid-19 được cung cấp miễn phí cho người nhập cư không phép ở Anh, nhưng để được tiêm, họ phải đặt lịch với một bác sĩ đa khoa. Một số bác sĩ "thường từ chối" đăng ký cho người nhập cư nếu họ không thể cung cấp bằng chứng về địa chỉ hay căn cước công dân, theo Anna Miller từ tổ chức Bác sĩ Thế giới của Anh.
Trong khi đó, nhà chức trách Italy lại truyền đi những thông điệp nhiễu loạn về việc người nhập cư không phép có đủ điều kiện tiêm chủng hay không. Các yêu cầu đăng ký tiêm chủng cho thấy họ "trên thực tế thường bị loại trừ", Belkis Wille, nhà nghiên cứu tại tổ chức Giám sát Nhân Quyền, bình luận.
Chính phủ Đức hồi mùa xuân làm rõ rằng người nhập cư không giấy tờ có thể tiếp cận vaccine. Song một điều luật yêu cầu nhân viên tiêm chủng báo cáo thông tin của họ với các quan chức nhập cư vẫn còn hiệu lực. Hệ quả là người nhập cư trái phép luôn tìm cách né tránh hệ thống y tế để tránh bị bắt hay trục xuất.
Một số nước khác thực hiện rất ít hoặc không thúc đẩy những nỗ lực tiêm chủng cho người nhập cư không giấy tờ. Tại Hungary, người dân gần như không thể đăng ký tiêm vaccine nếu không có giấy tờ chứng minh cư trú hợp pháp.
Hy Lạp bắt đầu tiêm phòng cho những người tị nạn sống trong các trại tập trung từ tháng 6, sau khi bị chỉ trích chậm chạp trong việc triển khai. Tuy nhiên, người nhập cư không giấy tờ vẫn không thể đăng ký tiêm vaccine, Lefteris Papagiannakis, cựu phó thị trưởng Athens, cho biết.
Papagiannakis đổ lỗi cho chính sách chống nhập cư của đất nước, thêm rằng lập trường này sẽ phản tách dụng khi Hy Lạp tìm cách hồi sinh ngành du lịch.
"Khi bạn đề cập đến du lịch nhưng không nhắc tới những người làm việc với tư cách lao động không giấy tờ trong các bếp ăn, tại các khách sạn, hay thực hiện những công việc như giặt giũ, trông coi người già thì bạn đã tạo ra một lỗ hổng trong hàng rào bảo vệ sức khỏe cộng đồng", ông nói.
Nghiên cứu của ECDC cho thấy ngay cả ở những quốc gia đang cố gắng tiêm chủng cho người nhập cư không giấy tờ, rào cản ngôn ngữ và thông tin sai lệch cũng khiến họ do dự với vaccine. Với bộ phận người muốn tiêm, thời gian làm việc kéo dài hay những khó khăn trong việc di chuyển đến các địa điểm tiêm chủng có thể cản trở họ.
Các nhóm nhân quyền đang kêu gọi EU đóng vai trò chủ động hơn trong việc điều phối nỗ lực của những quốc gia thành viên nhằm đưa vaccine đến với các nhóm chịu thiệt thòi.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền cũng yêu cầu chính phủ các nước xóa bỏ những yêu cầu về giấy tờ cư trú đối với việc đăng ký tiêm vaccine, đồng thời đảm bảo cơ quan y tế không cung cấp thông tin người nhập cư trái phép cho giới chức quản lý nhập cư.
Giới chuyên gia y tế nhấn mạnh đại dịch đã phơi bày nguy cơ người nhập cư không giấy tờ bị "gạt ra khỏi hệ thống y tế", qua đó làm bật lên yêu cầu phải khắc phục nhanh chóng điều này trong tương lai.
Việc có hàng chục nghìn người phải sống bên ngoài hệ thống y tế và vaccine là điều không chấp nhận được ở những quốc gia thu nhập cao", Hargreaves nói. "Thực tế là chúng ta đều cùng nhau trải qua dịch bệnh, không phải ư?".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)