Hai trợ lý hàng đầu Nhà Trắng hồi tháng 12 năm ngoái đệ trình lên Tổng thống Joe Biden dự thảo thỏa thuận với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, trong đó nêu rõ Washington sẽ khoan hồng cho một đồng minh của ông Maduro để đối lấy việc Caracas phóng thích 30 tù nhân, trong đó có 10 người Mỹ.
Trong Phòng Bầu dục, ông Biden đặt ra loạt câu hỏi cho Chánh văn phòng Nhà Trắng Jeff Zients và Phó cố vấn an ninh quốc gia Jon Finer. Liệu họ có chắc ông Maduro sẽ tôn trọng thỏa thuận? Các lãnh đạo đối lập Venezuela có nhất trí với các điều khoản hay không? Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ủng hộ kế hoạch này hay chưa?
Zients và Finer liên tục tìm cách trấn an ông Biden về tính khả thi của thỏa thuận, song Tổng thống Mỹ muốn nhiều hơn thế. "Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, tôi muốn tham khảo ý kiến từ Đồi Capitol", ông nói.
Các nhân viên Nhà Trắng đã gọi điện cho thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons, một người bạn của ông Biden.
"Chris à, tôi Joe đây. Tôi cần nghe ý kiến của ông một chút. Ông có nghĩ kế hoạch này là điều đúng đắn hay không? Liệu chúng ta có nên tiến hành nó?", ông Biden nói với Coons.
Sau khi được cố vấn Finer tóm tắt về thỏa thuận với Venezuela, ông Coons nói "nếu là tôi, tôi sẽ tiến hành, thưa Tổng thống".
Sáu ngày sau, Tổng thống Biden thông báo về thỏa thuận với Venezuela.
Giới quan sát chính trị Mỹ cho rằng đây là minh chứng cho thấy dù sở hữu đội ngũ trợ lý, cố vấn giàu kinh nghiệm và chuyên môn, Tổng thống Biden thường không đưa ra quyết định cuối cùng quan trọng nào trước khi tham khảo ý kiến của những người bạn chính trị gia mà ông quen biết, những người biết chịu trách nhiệm trước cử tri Mỹ.
Trong những cuộc trao đổi như vậy, câu hỏi mà ông Biden thường đặt ra nhất là "Mức độ ủng hộ chính trị với quyết định này như thế nào?".
Cả cuộc đời ông Biden gắn liền với những chiến dịch tranh cử. Ông lần đầu tranh cử vào Hội đồng hạt New Castle của bang Delaware vào năm 1970, khi mới 27 tuổi. Kể từ đó, ông đã tham gia hơn 10 nỗ lực tranh cử trong hơn 50 năm qua.
Theo bình luận viên Tyler Pager của Washington Post, điều đó khiến ông Biden thường tin tưởng vào những người hoạt động chính trị như ông, vốn phải biết cách thuyết phục cử tri, xoa dịu đám đông, tranh luận với đối thủ và đối mặt với hậu quả của những quyết định sai lầm.
"Ông ấy hiểu và tôn trọng một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của nền dân chủ là bạn phải đứng trước cử tri của mình, giải thích cho họ hành động và sau đó chịu trách nhiệm qua các cuộc bầu cử. Vì vậy, ông ấy luôn lắng nghe những người đã được cử tri bầu lên, những người hiểu sự khác biệt giữa chính sách trừu tượng và những điều diễn ra trên thực tế", Coons nói.
Khi phải ra quyết định trọng đại, Tổng thống Biden ban đầu sẽ yêu cầu nhân viên cung cấp mọi thông tin chi tiết, tìm hiểu về chi phí và lịch trình, với tâm thế rằng những thông tin mà các trợ lý cung cấp dường như chưa đủ. Nhiều cố vấn cho biết ông Biden thường hành xử như thời còn làm thượng nghị sĩ, luôn đi sâu vào từng chi tiết mà các trợ lý thường sợ rằng không đáng để ông mất thời gian với chúng.
"Tất cả những quyết định ở đây đều khó khăn", ông Biden nhiều lần nói với trợ lý, đề cập những quyết sách được đưa ra ở Phòng Bầu dục.
Các tổng thống Mỹ thường cảm thấy đơn độc mỗi khi ra quyết định, do đó họ có xu hướng tìm đến những người mà họ tin tưởng để tham khảo ý kiến. Với ông Biden, đó là những người đã dày dạn "chinh chiến" qua các chiến dịch tranh cử.
Ông đã đưa một số người như vậy vào nội các, trong đó có nghị sĩ Dân chủ Cedric Richmond và cựu thị trưởng New Orleans Mitch Landrieu. Ông thường tham vấn những người này về các vấn đề ngoài chuyên môn của họ, hoặc gọi họ tham gia các cuộc họp mà đáng lẽ không cần góp mặt.
Khi các trợ lý đưa ra một lời khuyên chính trị, ông Biden thường nhắc nhở họ: "Hượm đã, cô cậu chưa từng tham gia tranh cử". Ông sau đó tìm tới một người đã nhiều lần tranh cử, dù đó là quan chức đương nhiệm hay đã về hưu, thành viên đảng Dân chủ hay Cộng hòa, sống ở thành thị hay nông thôn, đôi lúc khiến họ chật vật tìm một chỗ đủ yên tĩnh để trao đổi.
Một chiều tháng 1, cựu thượng nghị sĩ Cộng hòa Chuck Hagel, người từng là bộ trưởng quốc phòng dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, thấy một cuộc gọi đến từ số lạ. Ông nhấc máy và nghe thấy giọng Tổng thống nói "Chuck à, tôi Joe đây".
Sau khi hỏi thăm đồng nghiệp cũ về Giáng sinh, ông Biden bắt đầu cuộc trò chuyện 30 phút để tìm kiếm lời khuyên liên quan tới xung đột ở Ukraine và Trung Đông.
"Ngài và tôi không phải luôn có chung quan điểm về mọi thứ", Hagel nói. Ông Biden đã bật cười và nói "ông chưa từng ngại ngần về điều đó mà".
Hai người đã có cuộc trò chuyện khá thẳng thắn về các quyết định chính sách đối ngoại mà ông Biden phải đối mặt, theo ông Hagel. "Tôi là một người Cộng hòa, ông ấy là người Dân chủ, song điều đó không bao giờ tạo ra bất kỳ bất đồng nào", ông nói.
Sau khi làm việc ở Washington gần 5 thập kỷ, ông Biden nhiều lần chứng kiến các tổng thống ủng hộ kế hoạch do các chuyên gia hàng đầu đất nước soạn thảo, song sau đó chúng đã thất bại khi thực hiện.
Cải cách y tế của cựu tổng thống Bill Clinton được các chuyên gia đánh giá cao, song vấp phản đối gay gắt từ đảng Cộng hòa. Ông George W. Bush từng tìm cách cải tổ an sinh xã hội theo khuyến nghị của các tổ chức nghiên cứu bảo thủ, song khiến cử tri bất bình.
Ông Biden tìm cách giải quyết những rủi ro này bằng cách tham vấn ý kiến từ các thành viên quốc hội.
Trong khi đàm phán về Đạo luật Giảm lạm phát, dự luật sâu rộng nhằm giải quyết các vấn đề về chi phí y tế và biến đổi khí hậu, quan chức Nhà Trắng đã gặp khó khăn để có thể cắt giảm chi phí tổng thể. Tại một cuộc họp ở Phòng Bầu dục, một trợ lý cam kết với ông Biden rằng các nghị sĩ theo đường lối tự do vẫn sẽ ủng hộ kế hoạch nếu phần ngân sách dành cho dự án năng lượng sạch ở mức trên 20 tỷ USD.
Ông Biden lập tức dừng cuộc họp và gọi điện cho thượng nghị sĩ Dân chủ Edward J. Markey, một người vận động về khí hậu hàng đầu. "Ed này, tôi đang có cuộc họp với cả nhóm. Chúng tôi đang nói về điều này và muốn nghe ý kiến của ông", ông Biden nói.
Markey trấn an Tổng thống rằng trợ lý của ông đã đúng và thêm rằng "hãy đạt thỏa thuận này, thưa Tổng thống".
Các chính trị gia sẽ thấu hiểu hơn cách người dân Mỹ phản ứng với các sự kiện lớn, theo Hagel. "Nếu bạn từng tham gia tranh cử, bạn sẽ hiểu điều đó. Bạn sẽ không được bầu và tái đắc cử nếu không hiểu cử tri đang nghĩ gì, muốn gì và thái độ của họ ra sao", ông nói.
Một số người chỉ trích ông Biden quá phụ thuộc vào những chính trị gia lâu năm, đặc biệt là những người mà ông tham vấn đều là người da trắng lớn tuổi nhiều năm làm việc ở Thượng viện và có thế giới quan giống Tổng thống. Họ cho rằng điều đó khiến ông không đưa ra những quyết sách táo bạo cần thiết cho các cuộc khủng hoảng.
Những lời chỉ trích gần đây gia tăng liên quan tới xung đột Israel - Hamas, khi ông Biden từ chối lời ủng hộ kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn của các thành viên Dân chủ và cử tri trẻ tuổi. Ông Biden tham khảo ý kiến của những người như Hagel, song hiếm khi nói chuyện với các nhà lập pháp trẻ vốn chỉ trích gay gắt Israel.
"Những quan chức được bầu này là nguồn lực quý giá cả về trí tuệ và tình cảm đối với ông ấy", cựu chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói về những chính trị gia mà ông Biden tham vấn.
Hồi đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Biden cân nhắc chuyển tiền viện trợ đến các nước Trung Mỹ, nơi thiên tai, nghèo đói và tham nhũng thúc đẩy nhiều người di cư sang Mỹ. Ông gọi điện cho thượng nghị sĩ Patrick J. Leahy, người khi đó phụ trách Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện, để tham khảo ý kiến. Leahy bày tỏ lo ngại về một số lãnh đạo quốc gia khu vực và khuyến nghị ông Biden xem xét kỹ thông tin tình báo trước khi ra quyết định.
"Tôi luôn cảm thấy bất kỳ khi nào Tổng thống Biden gọi, ông ấy thực sự muốn lắng nghe ý kiến của bạn", Leahy nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post, AFP, Reuters)