Luật sư Khanh Huỳnh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết về chuyện "lật kèo" bầu cử Mỹ 2020:
Mấy ngày hôm nay tâm trạng người Mỹ nhìn chung hỗn loạn.
Giáng sinh, Năm mới và 6/1 - ngày cuối cùng chốt kết quả bầu cử Mỹ 2020 đang đến gần.
Một mặt, người dân vẫn cố gắng ăn mừng Giáng sinh. Các căn nhà được trang trí đèn rực rỡ, người dân lái xe ngang ngắm nhìn. Đây là hoạt động thường niên và nhiều người còn tới các khu nhà có nhiều đèn, đậu xe và đi bộ thưởng thức. Năm nay do Covid-19 nên không ai đi bộ nhưng xe vẫn đông.
Mặt khác, tình hình dịch bệnh càng lúc càng tồi tệ. Ở Los Angeles, các giường chăm sóc tích cực đã hết, ngoài bệnh viện các lều đã bắt đầu được dựng lên để đối phó với Covid-19. Nhiều người thất nghiệp hay công ty bị đóng cửa về nhà tụ tập biểu tình phản đối. Cộng đồng người Việt làm móng, cắt tóc, nhà hàng đều bị đóng cửa, họ cũng phản đối rất hăng hái.
Người dân trách móc lẫn nhau và trút giận lên thống đốc tiểu bang. Ở bệnh viện, nhân viên y tế bắt đầu được tiêm vaccine. Ông Pence, Biden, bà Pelosi và cả tiến sĩ Fauci đều đã tiêm vaccine trên truyền hình để chứng tỏ vaccine an toàn và khuyến khích người dân noi theo.
>> Vì sao nhiều người Mỹ giờ này vẫn quyết ủng hộ Trump 'lật kèo'?
Trong bức tranh nhiều màu sắc đầy và ồn ào đó, có một người ít được nhắc tới. Đó là ông Trump. Trump dường như biến mất khỏi truyền thông, chỉ một vài đài truyền hình nhắc tới một chút mà thôi. Những gì ông Trump đang làm, ông đã làm suốt một tháng rưỡi nay, không có gì mới. Ông tìm mọi cách để đảo ngược kết quả bầu cử. Đối với báo chí và công chúng, các nỗ lực nầy dần trở nên chán ngắt, kiểu như tuồng này diễn hoài mà chưa xong, ai cũng ngán.
Các quan chức phe Cộng hòa cũng bắt đầu ngán. Sau khi ông Biden được xác nhận chiến thắng bởi các đại cử tri, hầu hết các quan chức phe Cộng hòa đều chúc mừng ông Biden, kể cả lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mitch McConnel. Các thống đốc bữa trước còn hăng hái đi kiện ra tòa tối cao, sau khi bị bác đơn thì cũng đã im lặng rút về, lo lắng đối phó với dịch bệnh.
Chỉ còn lại một nhóm nghị sĩ ở Hạ viện là vẫn cố gắng làm gì đó. Họ là nhóm duy nhất còn có thể ra vài đòn gió cho người ta coi cho vui. Cho dù các hạ nghị sĩ này có "dụ dỗ" được một thượng nghị sĩ tham gia trò lật kèo của họ thì tờ đơn đó cũng sẽ bị bác ngay lập tức bởi Hạ viện, vốn do đảng Dân chủ nắm giữ.
Ngoài ra chỉ còn vài người thân tín nhưng không có chức vụ chính thức trong chính quyền đang ủng hộ Trump. Ông Giuliani thì ủng hộ ông Trump từ trước tới giờ. Bà Powell bỗng nổi lên như một nhân vật mới phát hiện với những phát ngôn vô lý, bao gồm cho rằng Venezuela có liên quan tới gian lận bầu cử. Nhưng bà ta quyết ủng hộ ông Trump nên được mời tới Nhà Trắng. Ông Flynn mới được ân xá ra tù lại đưa ý kiến là dùng quân đội đề bầu cử lại, mà phải bầu ở mấy bang chiến trường nơi ông Biden thắng mới được.
Trước những ý tưởng có phần điên rồ và không thể đựơc thực hiện, chỉ có ông Trump là có hứng thú và mấy "fan cứng" của ông là còn hy vọng. Ngay cả các trợ lý thân tín như chánh văn phòng Nhà Trắng cũng cực lực phản đối. Các fan cứng còn định tổ chức lễ nhậm chức cho ông Trump, một ý tưởng cực kỳ lố bịch. Đừng nói là cái lễ nhậm chức đó không có ý nghĩa về mặt pháp lý, nó còn có khả năng vi phạm một mớ luật khác nhau và những người liên quan không khéo lại vào tù.
74 triệu người đã bầu cho Trump nhưng đa số đều đã chấp nhận kết quả. Các cuộc biểu tình đã ngưng là người ta lại trở về nhà để lo toan cuộc sống hằng ngày, từ việc mừng Giáng sinh tới những cái túi rỗng do thất nghiệp. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi các cuộc bầu cử ở Mỹ luôn có kết quả khá sít sao, người thắng thường chỉ hơn kẻ thua vài phần trăm ở phiếu phổ thông, thậm chí còn đạt được nhiều phiếu hơn như bà Clinton, nhưng rốt cuộc thì cử tri phe thua cuộc cũng đành im lặng cho qua và để yên cho tổng thống mới nhậm chức.
>> Liệu có thể gian lận chục nghìn phiếu bầu Tổng thống Mỹ?
Với các quan chức còn cố gắng ra đòn giúp ông Trump, họ chả mong gì hơn là khiến các cử tri ủng hộ ông Trump nhớ tới họ. Với vài nhân vật thân tín, đó là khát vọng được nổi tiếng, ngày nào hay ngày đó, khi ngôi sao của họ sắp tàn và họ cần được ân xá. Với một số fan còn sót lại, đó là sự chối bỏ thực tế bởi thực tế quá đau thương.
Còn ông Trump, như một ngôi sao truyền hình thực tế, thì ông biết rõ rằng việc phủ sóng trên truyền hình là tối cần thiết để duy trì hào quang và kiếm được ít tiền để trang trải và gầy dựng lại đế chế kinh doanh vốn ốm o khi ông bận làm tổng thống và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Còn với các fan cứng còn sót lại thì những động thái của ông Trump là cần thiết để họ được an ủi. Ông Trump vẫn phải diễn cho các khán giả trung thành của ông, bởi nhờ có họ mà ông mới có được một buổi hoàng kim. Một "nghệ sĩ có tâm" phải diễn hết mình cho đến khi cánh gà khép lại.
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.