Món quà của ban tổ chức gợi cho Đại tá 41 tuổi, Cục phó Cảnh sát hình sự nhớ những ngày "ăn núi, ngủ rừng" cùng Tổ công tác đặc biệt Công an Sơn La, Tiểu đoàn Đặc nhiệm số 1 (Bộ Công an) phục kích tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt - Lào.
Khi còn là Trưởng công an huyện Mộc Châu, anh từng cùng đồng đội hàng trăm lần truy quét tội phạm ma tuý dọc dải biên giới Vân Hồ, Mộc Châu, một trong những trọng điểm trên cung đường vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.
Đêm cuối mùa xuân 2016, tổ công tác phục kích trong rừng cách đường biên 4 km. Trước lúc hành quân, họ mang theo lương khô, vắt cơm nắm, muối kèm ớt xanh, xác định sẽ ở lại trong rừng dài ngày. Quá nửa đêm, trời đổ mưa. Trinh sát báo về phát hiện nhóm 30 người có vũ trang, cõng "hàng" vượt qua biên giới.
"30 đối tượng hay 300 đối tượng cũng đánh", Mai Hoàng quả quyết.
Tổ phục kích chia hai mũi, 4 người ở tổ xạ thủ và 6 chiến sĩ mang theo súng AK. Để đảm bảo bí mật, đội bỏ bớt trang bị, lột áo giáp chống đạn, gập đôi che phần thân, luồn sâu trong rừng áp sát tội phạm. Phát hiện có mai phục, nhóm người vận chuyển ma túy co cụm gọi đồng bọn đến giải cứu, rồi điên cuồng xả súng, ném lựu đạn về phía công an. Cuộc đối đầu diễn ra 3 tiếng cho đến khi tội phạm dạt ra, rút về bên kia biên giới.
3h sáng, họ dựng súng bên chân, giở cơm nắm chấm muối, ăn kèm ớt xanh trong cơn mưa rừng lạnh buốt cuối mùa xuân. Tổ phục kích ở lại hiện trường chờ kiểm kê số lượng ma túy, súng quân dụng mà nhóm buôn lậu vứt lại và cả xác tội phạm vừa bị tiêu diệt.
Gần hai mươi năm mặc cảnh phục, Đại tá 41 tuổi nhớ nhất những ngày 28, 29 Tết. Đàn ông nhà người ta xuống phố sắm đào quất, họ ngược lại mang theo mũ sắt, áo giáp chống đạn vào rừng sâu, mai phục tội phạm. Anh kể, có những đợt ăn dầm ở dề một tuần trong rừng, không tắm, không đánh răng, vắt cắn, đôi giày đi dưới chân ướt nhẹp, không rửa, bốc mùi hôi khiến chuột đến cắn ngón chân tứa máu lúc tranh thủ chợp mắt.
Người chỉ huy trưởng thành từ lính trinh sát nhớ rõ vào rừng tổng cộng 100 lần, nhưng chỉ đánh thành công 57 trận. Có những trận mật phục cả tuần song không triển khai được vì nhiều lý do. Có lần do thời khắc quyết định, như trận đánh "Số 28" mùa đông 2015, mà cả đời anh "không bao giờ quên được". Năm ấy, Tổ công tác đặc biệt mang theo cuốc, xẻng đào công sự làm nơi mai phục. Thâu đêm, họ xấn từng xẻng đất núi chắc đanh. Có chiến sĩ tứa máu tay nhưng không dám hé răng kêu nửa lời.
Công sự đào xong, cả tổ vào vị trí chờ đợi, cho đến ngày thứ ba. Khoảng 2h sáng, họ phát hiện một người phụ nữ dân tộc soi đèn pin, theo sau là bé gái chừng 5 tuổi. Cả hai đi chân trần. Trinh sát báo về chị ta vừa mang đồ ăn tiếp tế cho nhóm buôn ma túy. Nghỉ ngơi xong, chúng đi rất nhanh, ngang vị trí người phụ nữ và đứa trẻ nọ, rơi ngay vào tầm ngắm xạ thủ.
Mai Hoàng khẳng định khi ấy, sẵn hỏa lực và công cụ trong tay, lực lượng hoàn toàn khống chế được nhóm buôn ma túy. Ngón tay đặt trước cò súng nhiều lần muốn siết, nhưng ống ngắm của nòng súng hướng về đôi chân trần của cháu nhỏ. Anh không thể hạ lệnh siết cò. Tổ công tác vượt qua cảm xúc tiêu diệt tội phạm lập công, cuối cùng không nổ súng.
"Sau tiếc nuối, chỉ còn lại sự căm thù tội phạm. Có lần trong rừng sâu, lực lượng chức năng thậm chí bị tội phạm ma túy liều lĩnh truy kích lại", anh kể, nhớ rõ đó là "một cảm xúc cực kỳ đau đớn, khi người chiến sĩ công an lại bị bọn tội phạm truy kích chính trên mảnh đất của mình".
Nhưng đau lòng nhất, là trận đánh chứng kiến đồng đội hy sinh, càng tâm tư khi thấy người thân khóc ngất nhận tấm bằng Tổ quốc ghi công. Anh tự nhủ "Biết đâu một ngày người lên nhận bằng Tổ quốc ghi công cũng là cha mẹ mình. Nhưng nếu có ngày không may mắn ấy, thì chúng tôi cũng cảm thấy đó là vinh quang".
Vị đại tá Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới, khẳng định không thể để tội phạm ngang nhiên xâm phạm lãnh thổ buôn bán trái phép ma túy. Gói muối mặn, ớt cay, như là thông điệp giáo dục nhắc nhở rằng danh dự người công an là điều thiêng liêng nhất. Danh hiệu, huân huy chương nhận được đều vinh dự, để rồi xếp lại và coi như là kỷ niệm đẹp để tiếp tục phấn đấu.
Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X diễn ra ngày 9 -10/12 tại Hà Nội, chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". 2.020 đại biểu chính thức chia làm 133 đoàn, đại diện cho nhiều lĩnh vực. Hơn một nửa trong số này là các điển hình tiên tiến xuất sắc, trực tiếp lao động sản xuất trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh.
Lực lượng công an có 55 đại biểu, trong đó 4 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.
Hoàng Phương