Kyung-mi (tên nạn nhân được thay đổi) bị chế giễu, dọa nạt trên mạng và bị cảnh sát, công tố viên thẩm vấn suốt nhiều giờ sau khi cáo buộc bạn trai quay lén cảnh hai người quan hệ tình dục.
"Tôi thực sự đã muốn chết, nhưng không thể. Nếu tôi chết, sẽ không ai biết sự thật về Jung Joon-young", Kyung-mi nói.
Jung Joon-young trở nên nổi tiếng qua chương trình tìm kiếm tài năng trên truyền hình và sở hữu lượng người hâm mộ K-pop lớn trên khắp Đông Á. Kyung-mi kể trước khi sự việc xảy ra, anh ta từng là một bạn trai ân cần và chu đáo.
Lần đầu tiên cô đến gặp cảnh sát là vào tháng 8/2016, nhưng cuối cùng phải từ bỏ vụ án khi cảnh sát không thể thu giữ điện thoại của Jung Joon-young. Cô biết việc đưa ra cáo buộc chống lại người nổi tiếng rất khó khăn, nhưng không nghĩ rằng mình sẽ bị đối xử như một bị cáo chứ không phải người tố cáo.
"Sĩ quan cảnh sát đã bảo tôi suy nghĩ lại việc báo án. Cô ấy nói rằng rất khó để đưa ra cáo buộc với người nổi tiếng. Công tố viên sau đó triệu tập tôi để thẩm vấn, chứ không phải anh ta", Kyung-mi cho hay. "Tôi bị sỉ nhục, bị đe dọa và tôi bắt đầu tự hỏi liệu có phải tôi đã đệ đơn chống lại một người vô tội hay không".
Ba năm sau đó, sự thật chấn động về ngôi sao Jung Joon-young mới được trình lên thẩm phán. Năm 2019, điện thoại của ngôi sao K-pop này cuối cùng cũng bị cảnh sát thu giữ. Họ phát hiện anh ta lén quay hình ảnh 12 phụ nữ, gồm Kyung-mi, và chia sẻ chúng trong một nhóm chat với những người bạn ngôi sao của mình.
Jung Joon-young đang thụ án 5 năm tù. Một phát ngôn viên cảnh sát cho biết những cảnh sát liên quan tới vụ án của Kyung-mi cũng bị điều tra.
Sau khi Jung bị tống giam, Kyung-mi đã nhận được nhiều hỗ trợ. Nhưng quay lại năm 2016, khi cô lên tiếng về sự việc, rất ít người tin cô. Cô bị quấy rối trên mạng và hầu như không có bạn bè nào bên cạnh.
"Bạn bè nói rằng tôi đã hủy hoại cuộc đời của Jung. Mặc tôi khổ sở ra sao, truyền thông vẫn liên tục nói về tôi cả ngày. Cả nước chỉ trích tôi. Không ai bảo vệ tôi", cô nói.
Đối với Kyung-mi, điều này giống như "giết người không dao". "Những bình luận căm ghét đó có thể giết chết phụ nữ", cô nói.
Kyung-mi không phải người duy nhất đối mặt với ác mộng này. Cảnh sát Hàn Quốc ghi nhận hơn 30.000 trường hợp bị quay lén từ năm 2013 đến 2018, theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW).
"Những người mà chúng tôi phỏng vấn cho biết họ có những trải nghiệm khủng khiếp với cảnh sát", Heather Barr, tác giả báo cáo, nói về những nạn nhân bị quay lén. "Họ bị thẩm vấn công khai về các vấn đề nhạy cảm, bị tra hỏi trong nhiều giờ, bị yêu cầu tự đi thu thập bằng chứng, buộc phải đi từ văn phòng nọ tới văn phòng kia, bị bắt nạt để từ bỏ vụ án và đe dọa truy tố tội xúc phạm danh dự người khác nếu không làm như vậy".
Heather Barr thêm rằng những gì diễn ra sau khi nạn nhân phát hiện bị quay lén, khoảnh khắc tồi tệ nhất cuộc đời, tiếp tục là cơn ác mộng khiến họ bị chấn thương tâm lý.
Cảnh sát Hàn Quốc cho biết đã thành lập đơn vị điều tra tội phạm tình dục trên mạng ở tất cả tỉnh thành trên cả nước, đồng thời cam kết cử nữ điều tra viên thụ lý vụ án để giúp nạn nhân cảm thấy thoải mái hơn. Ngoài ra, một trung tâm hỗ trợ cũng được thiết lập để giúp đỡ các nạn nhân.
Nhưng đối vối nhiều nạn nhân, những tổn thương tâm lý mà nạn quay lén mang lại quá lớn. Không ít người bị trầm cảm và thậm chí nghĩ đến tự tử.
"Bạn có thể giết ai đó mà không cần sử dụng vũ khí", bố của một nạn nhân tự tử sau khi bị quay lén năm 2019, cho biết. "Tổn thương có thể giống nhau, nhưng ảnh hưởng của nó đối với mỗi người khác nhau. Một số có thể vượt qua, những những người khác như con gái tôi không thể làm được điều đó".
Kyung-mi hy vọng xã hội Hàn Quốc có thể xem lại cách họ đối xử với những nạn nhân bị quay lén. "Nạn nhân không phải là người mà bạn có thể ngược đãi và họ cũng không rơi vào tội ác này vì ngu ngốc hay không biết gì. Đơn giản chỉ là họ không may mắn. Bạn cũng có thể trở thành nạn nhân nếu không may", cô nói.
Kyung-mi đã phải bỏ tới một vùng quê để tìm niềm an ủi. "Tôi đã bỏ học khi đang nhận hỗ trợ tâm lý. Tôi tới một vùng nông thôn mà không ai quen biết, lặng lẽ đọc hàng nghìn cuốn sách và nghĩ rằng thế giới phải thay đổi. Nói chuyện với các nạn nhân khác cũng là cách để tôi chữa lành cho chính mình", cô kể. "Tôi đã chịu đựng nỗi đau này với hy vọng rằng một ngày nào đó, sự thật sẽ được phơi bày và nhận thức xã hội sẽ được nâng lên".
Thủ đô Seoul trông hào nhoáng và năng động, nhưng những tư tưởng bảo thủ về bất bình đẳng giới tính vẫn chưa được xóa bỏ ở xã hội này. Nạn nhân của nạn quay lén có thể bị một số người coi là "dơ bẩn".
Laura Bicker, phóng viên của BBC, cho biết thái độ của xã hội đang dần thay đổi, nhưng chậm chạp. Nhiều phụ nữ nhận ra họ có thể lên tiếng tố cáo. Năm 2018, hàng chục nghìn người biểu tình kêu gọi chính phủ mạnh tay với hành vi này bằng thông điệp "cuộc đời của tôi không phải là phim khiêu dâm của bạn". Trước làn sóng biểu tình, một số luật đã được sửa đổi, nhưng các hình phạt dành cho kẻ bị kết án vẫn ở mức thấp.
"Nhiều chuyên gia và nạn nhân mà chúng tôi từng nói chuyện đều thất vọng về các phán quyết nhẹ tay của thẩm phán đối với những tội ác này", Heather Barr kể. "Năm 2020, 79% người bị kết án quay lén chỉ nhận án treo, nộp tiền phạt hoặc cả hai".
Barr cho biết mức án tối đa theo Đạo luật Tội phạm Tình dục là 7 năm tù và các phán quyết thường không tương xứng với nỗi đau mà nạn nhân phải chịu. Bà kêu gọi chính phủ thành lập ủy ban kiểm tra đánh giá các bản án và thực hiện những sửa đổi khác liên quan tới tội phạm tình dục kỹ thuật số.
Kyung-mi cũng đang đấu tranh để tìm kiếm sự bảo vệ về mặt pháp lý nhằm giúp nạn nhân không bị tấn công trên mạng. Cô cho rằng Hàn Quốc cần có "một hệ thống bảo vệ nạn nhân một cách hợp pháp".
Bộ Tư pháp Hàn Quốc nói hướng dẫn tuyên án đã được thay đổi và bắt đầu áp dụng từ tháng 1 năm nay. Tuy nhiên, Barr cho rằng chính phủ phải làm nhiều hơn.
"Đây thực sự là vấn đề cấp bách đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Hàn Quốc", bà nói. "Điều quan trọng là chính phủ phải làm nhiều hơn để ngăn chặn những tội ác này và đảm bảo công lý, bồi thường cho nạn nhân".
Thanh Tâm (Theo BBC)