Một buổi tối năm 2018, cảnh sát gõ cửa nhà cô gái họ Choi và cho cô xem một đoạn video khiến cuộc sống của cô bị đảo lộn. Đoạn phim mờ cho thấy hình ảnh người phụ nữ khỏa thân mà cô nhận ra là chính mình, đi lại trong căn hộ trên tầng 22 của tòa nhà ở trung tâm Seoul. Nó được ghi lại bằng máy quay với ống kính tele từ tòa nhà lân cận, theo CNN.
"Tôi sợ ở nhà vì đó là nơi tôi bị lén lút ghi hình, nhưng tôi cũng sợ rời căn hộ, kể cả vào ban ngày", Choi nói.
Tuần này, Hàn Quốc rúng động trước thông tin khoảng 1.600 người bị quay lén ở các khách sạn tình yêu, chủ yếu là các đôi tình nhân. Cảnh sát Hàn cho biết 4 người đàn ông cài đặt những camera siêu nhỏ ở 42 phòng tại 30 khách sạn, giấu chúng trong giá đựng máy sấy tóc, hộp TV kỹ thuật số hay công tắc. Họ phát trực tiếp cảnh các đôi tình nhân quan hệ tình dục trên một trang web 4.000 thành viên có máy chủ đặt ở nước ngoài và đã kiếm được 6.000 USD từ những người dùng trả phí.
Các ngôi sao giải trí cũng dính líu đến bê bối quay lén. Ca sĩ Jung joon-young đã bị bắt sau khi quay lén cảnh anh này quan hệ tình dục với ít nhất 10 cô gái và chia sẻ video trong nhóm chat 8 người, trong đó có thành viên Seungri của Big Bang.
Truyền thông quốc tế ví quay lén như một "đại dịch" ở Hàn Quốc. Kể từ năm 2011, số vụ quay chụp bất hợp pháp ở Hàn Quốc tăng vọt từ 1.300 mỗi năm lên hơn 6.000 vụ vào năm 2017 với nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Những gã đàn ông chụp lén các cô gái mặc váy ngắn trên đường phố hay giấu camera siêu nhỏ ở những nơi công cộng như nhà vệ sinh và phòng thay đồ. Bạn trai của các cô gái còn lén lút quay lại cảnh họ quan hệ tình dục để chia sẻ với bạn bè hay giữ video để uy hiếp đối phương nếu mối quan hệ tan vỡ.
Tại Gangnam, Seoul, Lee Ji-soo ngồi bên máy tính cả ngày để xóa video. Công ty cô làm dịch vụ "tẩy rửa kỹ thuật số" - ngành đang phát triển ở Hàn Quốc để đối phó với nạn quay lén.
Khi Lee được thông báo về nội dung cần xóa, Lee và nhóm của cô sử dụng phần mềm độc quyền để tìm kiếm tất cả các bản sao của video trên mạng. Sau đó, họ gửi thư hoặc thông báo pháp lý cho quản trị viên trang web để yêu cầu gỡ xuống.
Dù hầu hết trang web sẵn sàng hợp tác, Lee cho biết khoảng thời gian 10 ngày sau khi video được tải lên được gọi là "cửa sổ vàng". Trong khoảng thời gian này, chúng dễ dàng bị xóa hoàn toàn khỏi Internet. Nhưng sau 10 ngày, việc này sẽ khó khăn hơn do các bản sao đã bị phát tán trên các trang web và máy chủ khác ngoài Hàn Quốc.
Mức độ phát tán nhanh là vấn đề nghiêm trọng đối với các nạn nhân. Có những người không biết họ bị quay lén video nhạy cảm trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau khi video được tải lên.
"Cách khách hàng thường nói 'tôi muốn chết' hoặc 'tôi không dám rời nhà'. Họ lo lắng rằng nếu ra đường, họ sẽ bị nhận ra", Lee kể.
Từ đầu năm 2018, chính phủ Hàn Quốc cũng cung cấp các dịch vụ tương tự như công ty của Lee. Trung tâm Hỗ trợ Nạn nhân Tội phạm Tình dục Kỹ thuật số có trách nhiệm tư vấn cho nạn nhân và xóa video. Trong 50 ngày hoạt động đầu tiên, họ đã giúp 500 người xóa hơn 2.200 video. Họ cũng hỗ trợ nạn nhân về pháp lý để nộp đơn tố giác thủ phạm.
Chính phủ Hàn Quốc năm ngoái cấp 4,5 triệu USD cho các chính quyền địa phương để tăng cường kiểm tra nhà vệ sinh và phòng thay đồ công cộng. Cảnh sát và các tình nguyện viên gồm nữ sinh và bà nội trợ dành nhiều giờ sử dụng máy quét hồng ngoại để tìm kiếm camera giấu kín.
Giới chức chú ý đến việc nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân. Ở một cơ sở do cảnh sát điều hành ở Changwon, người dân đến tham quan được cho xem các đồ vật chứa camera ẩn như mũ bóng chày, thắt lưng, đồng hồ, bật lửa, USB, cà vạt và bộ chìa khóa xe. Cảnh sát còn cài đặt hai camera ẩn trong phòng và yêu cầu người dân quan sát xem có phát hiện ra chúng hay không.
Tuy nhiên, cô gái họ Choi đã rất thất vọng về cách cảnh sát xử lý trường hợp của mình. Người đàn ông quay lén Choi đã bị bắt quả tang nhưng anh ta chỉ bị thẩm vấn trong một thời gian ngắn và sau đó được thả mà không bị buộc tội. Cảnh sát cũng không khám nhà anh ta trong một tuần sau khi bị phát hiện. Choi nghi ngờ rằng trong khoảng thời gian đó, anh ta có thể đã hủy bằng chứng về các hành động quay phim bất hợp pháp khác.
Cô cho rằng cảnh sát đã coi nhẹ vấn đề, nhấn mạnh "nếu đây là cách luật phát hoạt động ở đây thì cần thay đổi luật".
Bình luận về vấn đề này, cảnh sát Seoul cho biết họ không bắt kẻ quay lén vì anh ta đã sẵn sàng đến đồn cảnh sát và giao nộp máy ảnh cùng thẻ nhớ. Cảnh sát giải thích họ chậm trễ khám nhà anh ta là do phải đợi xin lệnh.
Trong khi luật Hàn Quốc quy định kẻ quay lén hoặc phát tán video bất hợp pháp có thể bị kết án lên tới 5 năm tù, chỉ khoảng 5% số người bị buộc tội phải đi tù. Hầu hết thủ phạm bị phạt tiền lên tới 9.000 USD hoặc hưởng án treo, theo nghiên cứu của Hiệp hội Nữ luật sư Hàn Quốc. Kim Young-mi, phát ngôn viên của tổ chức này, cho rằng cần phải có hình phạt nghiêm khắc hơn.
"Khi một video bất hợp pháp bị phát tán, nó hủy hoại cuộc sống của nạn nhân. Mặc dù đây là tội nghiêm trọng, luật pháp và hình phạt không đủ nghiêm khắc", nghị sĩ Hàn Quốc Kim Young-ho nói.
Năm ngoái, cảnh sát Hàn Quốc cũng bị chỉ trích khi phát động chiến dịch chống quay lén bằng poster thể hiện một người đàn ông có cách ăn mặt khá trẻ con, cầm máy quay với biểu cảm có vẻ tò mò.
"Tấm poster của cảnh sát Hàn Quốc dường như tóm tắt cách họ nhìn nhận tội ác lan rộng đang khiến phụ nữ lo sợ: chỉ là trò đùa hài hước của những cậu con trai chưa trưởng thành", ký giả Hawon Jung của AFP tại Seoul, nói.
Sau khi bị phản ứng dữ dội, cảnh sát đã rút lại poster này.
Choi cho rằng để giải quyết gốc rễ vấn đề, quan điểm của xã hội Hàn Quốc cần phải thay đổi, đặc biệt là nam giới. Cô cho rằng nhiều người vẫn coi quay lén là vấn đề vặt vãnh.
Năm ngoái, hàng nghìn phụ nữ Hàn Quốc đã xuống đường biểu tình phản đối nạn quay lén, họ giơ cao các biểu ngữ như "cuộc sống của tôi không phải là trò khiêu dâm của các người".
Nhà vận động Park Soo-yeon cho biết nhiều nạn nhân không dám lên tiếng khi họ phát hiện ra mình là nạn nhân quay lén do sợ bị xã hội kỳ thị. "Điều quan trọng là phụ nữ cần lên tiếng về vấn đề này để mọi người nhận thức những đau đớn họ hứng chịu", Park nói.