Sau Cách mạng tháng Tám 1945, nhân dân Nam Bộ chưa kịp hưởng trọn vẹn niềm vui của ngày đất nước độc lập thì Pháp trở lại xâm lược. Người dân dấn thân vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sớm nhận thức muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công phải có văn hóa, có tri thức. Nói cách khác, phải có học, phải biết chữ và phải tìm thầy để dạy.
Mặt bằng học vấn người dân Nam Bộ lúc bấy giờ rất kém, 90% mù chữ. Mỗi tỉnh chỉ có mấy trường tiểu học, cả đồng bằng sông Cửu Long có hai trường trung học Mỹ Tho và Cần Thơ, dạy đến bậc thành chung. Toàn miền có hai trường trung học đến bậc tú tài là Pétrus Ký (nay là THPT Lê Hồng Phong, TP HCM) dành cho học sinh bản ngữ và Chasseloup Laubat (nay là THPT Lê Quý Đôn) dành cho học sinh Pháp, không có một trường đại học.
Giáo sư Lê Văn Chí, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ trong tập hồi ký Dạy và học trong những năm Nam Bộ kháng chiến (xuất bản năm 1995) kể lại, một năm sau ngày hưởng ứng ngày Toàn quốc kháng chiến (12/1946), 1.000 xã ở miền Nam được thành lập. Theo yêu củng cố, mở rộng chính quyền, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ ra quyết định thành lập Sở Giáo dục vào tháng 8/1947.
Nhiệm vụ trước mắt của ngành giáo dục Nam Bộ là chống thất học, thanh toán nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho người dân. Nhưng Sở Giáo dục Nam Bộ đứng trước thách thức thiếu nhân sự. Trong mấy tháng đầu thành lập chỉ có 10 cán bộ giáo viên cũ đang công tác ở Ban Xã hội Nam Bộ đến tăng cường.
Một lớp học Sư phạm cấp tốc được mở tại Tân Bằng, tỉnh Bạc Liêu, đào tạo cấp tốc một số giáo viên làm cán bộ cho phong trào giáo dục ở các tỉnh. Lớp học có 50 người đến từ ba khu 7, 8, 9 của Nam Bộ.
Tiếp đó, lớp Sư phạm văn hóa đặc biệt Phan Chu Trinh được mở trên bờ sông Thới Bình, tỉnh Cà Mau với học viên là những người có trình độ thành chung hoặc tú tài. Lớp Sư phạm cấp tốc đầu tiên cũng được mở ở Rạch Tắt, tỉnh Bạc Liêu, mở hai khóa, mỗi khóa 6 tháng, đào tạo được hơn 250 giáo viên.
Một nhiệm vụ lớn và gấp đề ra cho Sở Giáo dục khi đó là xây dựng chương trình giáo khoa mới của một nước độc lập và biên soạn một số tài liệu giảng dạy đầu tiên cho bộ máy giáo dục các tỉnh. Lúc đầu, Sở rất lúng túng vì khả năng có hạn, phương tiện rất ít, thời gian cấp bách, sự lãnh đạo của bên trên chưa có hoặc chưa cụ thể. Họ phải dùng hết tâm huyết và sáng tạo để làm việc. Do khóa học ngắn hơn thời bình, chương trình phải lọc bớt những môn hoặc nội dung chưa cần thiết, thêm môn cần cho kháng chiến như chính trị, văn học, lịch sử, với các môn khoa học tự nhiên tương tự.
Trong năm 1948, các phòng bình dân học vụ, trung học, tiểu học và tu thư của Sở Giáo dục Nam Bộ biên soạn được nhiều chương trình mới và bài dạy. Các lớp bình dân học vụ có ở hầu hết xã, ấp, tiến sát nơi bị tạm chiếm như An Phú Đông (Gia Định), cách Sài Gòn 4 km. Xã Qưới Xuân, huyện Gò Vấp, tỉnh Gia Định trở thành xã đầu tiên của Nam Bộ xóa mù chữ. Cuối năm đó, 6 xã ở Nam Bộ thanh toán xong mù chữ, một năm sau có thêm 4 xã ở tỉnh Biên Hòa.
Cùng thời gian này, một hội nghị giáo dục Nam Bộ được tổ chức để triển khai ngành bình dân học vụ. Khẩu hiệu được hội nghị rút ra là "Tiền tuyến diệt xâm lăng, hậu phương trừ giặc dốt".
Ông Mai Hữu Trí, nguyên cán bộ Sở Giáo dục Nam Bộ nhớ lại trong sách Dạy và học trong những năm Nam Bộ kháng chiến rằng khí thế của bình dân học vụ sau đó lan tỏa rất rộng. Nhiều người dân cho mượn nhà cửa, bàn ghế, đèn dầu để mở lớp học. Nhiều nhà hảo tâm sốt sắng giúp những khoản tiền lớn để ngành giáo dục in sách Vần quốc ngữ, mua tập vở, phấn bút.
Một nhà in tư nhân trong thành Sài Gòn - Gia Định đã bí mật cho in 10.000 cuốn sách Vần quốc ngữ bằng chữ chì tặng ngành bình dân học vụ tỉnh Gia Định, một thương nhân ở thị xã Vĩnh Long tặng giấy mực và tổ chức in hơn 5.000 cuốn sách cho học viên lớp xóa mù chữ của tỉnh.
Chủ hãng xe đò Thuận Thành nổi tiếng khi đó ủng hộ giấy mực và bí mật in 500 cuốn vần cho tỉnh Mỹ Tho và Gò Công. Nhiều hòa thượng, sư thúc, lục cả... không chỉ cho mượn phòng ốc, bàn ghế trong đình chùa, nhà thờ để mở lớp học mà còn vận động tín đồ, Phật tử đi học bình dân học vụ, có vị trực tiếp đứng lớp.
Lớp bình dân học vụ đưa ra các mục tiêu cụ thể, thiết thực: Nâng ý thức cảnh giác, bảo mật phòng gian; kiến thức bảo vệ sức khỏe; bài trừ mê tín dị đoan; bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia; kiến thức về lịch sử và địa lý nước nhà; bổn phận của công dân.
Nhiều nơi có sáng kiến đặt những câu ca dao để dễ học, dễ nhớ như: "I-T giống móc cả hai; I ngắn có chấm, T dài có ngang" hay sáng tác những bài hát vui dễ lọt vào trí nhớ như: "Trên lưng nghé em học được chữ e; Mờ (m) e me là mẹ; Gánh nước về nhà em học được chữ a; Chờ (ch) a cha là cha".
Đến cuối năm 1950, toàn Nam Bộ có 112 xã xóa mù chữ, hơn 2 triệu người trong vùng giải phóng được xóa mù chữ, chiếm khoảng 50% số người mù chữ trong diện cần thanh toán. Tỉnh Gia Định dẫn đầu với hơn 70% người dân biết chữ, nhiều đồng bào người Stiêng, Chăm, Khmer, Hoa ở các tỉnh Biên Hòa, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Châu Đốc, Hà Tiên được xóa mù chữ.
Để đưa cuộc kháng chiến mau đến thắng lợi, Trung ương chủ trương tích cực bồi dưỡng cán bộ công nông, tìm mọi cách giúp đỡ nông dân học văn hóa để có đủ năng lực lãnh đạo. Nam Bộ khi đó tổ chức ba trường trung học phổ thông kháng chiến, lấy tên là Thái Văn Lung, Nguyễn Văn Tố và Huỳnh Phan Hộ. Ngoài ra, ngành giáo dục còn mở thêm trường Trung học bình dân Nguyễn Công Mỹ, tỉnh Bạc Liêu.
Chương trình học gồm các môn: Văn, Sử, Địa, Toán, Lý, Hóa, Sinh vật, nội dung tinh giản, thiết thực. Hàng trăm cán bộ trưởng thành từ những ngôi trường này trong một năm sau đó, tham gia phục vụ kháng chiến.
Theo ông Mai Hữu Trí, giáo dục bình dân học vụ ở Nam Bộ sau Cách mạng tháng Tám là sự nghiệp chung của xã hội. Thành tích của phong trào này có phần lớn đóng góp của các ông Nguyễn Hậu Lạc, Nguyễn Văn Chì, Lê Văn Chí, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Văn Lương...
Trong hội nghị giáo dục toàn Nam Bộ tháng 8/1952 ở Bạc Liêu, ông Hà Huy Giáp, Ủy viên Trung ương cục miền Nam và giáo sư Ca Văn Thỉnh, Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ nhất trí đánh giá: "Cũng như thành tích chống giặc ngoại xâm và chống giặc đói, bình dân học vụ chống giặc dốt rất vĩ đại, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội to lớn, chứng tỏ tinh thần quật khởi của nhân dân Nam Bộ thành đồng Tổ quốc".
Sau ngày đất nước thống nhất 1975, phong trào bình dân học vụ vẫn diễn ra, ngoài nhiệm vụ ổn định phát triển hệ thống giáo dục kháng chiến còn đáp nhu cầu học tập cho người dân. Các tỉnh tích cực xóa nạn mù chữ và đẩy mạnh bổ túc văn hóa, phát triển mạnh các trường phổ thông và xây dựng ngành mẫu giáo. Nhiều tỉnh hoàn thành xoá mù chữ cho người dân với tỷ lệ cao, năm 1978 Tiền Giang trở thành tỉnh đầu tiên ở Tây Nam Bộ hoàn thành mục tiêu xoá mù chữ.