Trong căn nhà ở phố Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội, vợ chồng ông Vương Mạnh Thái, bà Nguyễn Thị Đảm dành riêng một phòng để thờ và lưu lại kỷ vật của bố - cụ Vương Kiêm Toàn. Chính giữa căn phòng, ông Thái trang trọng treo tấm bằng khen viết bằng tiếng Pháp do UNESCO tặng ông Toàn năm 1983 vì những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Tấm bằng nay đã ố, nhưng vẫn rõ chữ.
Ông Thái, giờ đã 84 tuổi, nhưng đi lại vẫn nhanh nhẹn và nhớ rất nhiều chuyện về bố mình. Ông còn làm cuốn album ảnh về bố theo mốc thời gian, mỗi ảnh đều chú thích rõ ràng. Chỉ vào tấm ảnh nào, hai vợ chồng đều có thể kể trôi chảy về những sự kiện mà bố mình từng góp mặt.
Sinh ngày 12/3/1902 trong gia đình nông dân ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), hồi nhỏ ông Vương Kiêm Toàn học ở các trường địa phương, sau đó làm công chức dưới thời Pháp thuộc. Tâm đắc với quan điểm có nâng cao dân trí mới đạt tới dân quyền tự do và độc lập cho đất nước, ông Toàn tham gia tổ chức, đứng lớp dạy học ban đêm cho người lao động.
Ngày 2/9/1945, khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, nêu quan điểm về tình hình cấp bách của việc diệt giặc dốt, ông đã tham gia vào phong trào thanh toán nạn mù chữ.
Sau Sắc lệnh 17, 19 và 20, Nha Bình dân học vụ được thành lập, ông Toàn làm Trưởng phòng Giáo khoa, cùng đồng nghiệp biên soạn, tổ chức in ấn các sách Vần quốc ngữ, Phương pháp dạy vần quốc ngữ, Sách tập đọc lớp sơ cấp bình dân... phục vụ cho các lớp bình dân học vụ.
Với chủ trương thành lập Tủ sách dân chúng, Phòng Giáo khoa biên soạn những loại sách kiến thức phổ thông, phục vụ cách mạng và đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Trong 8 tháng, 34 quyển sách giáo khoa in thành 2,5 triệu bản, được đánh giá là chuyện phi thường lúc bấy giờ.
Khi đất nước phải chia thành các chiến khu, liên khu để tiện hoạt động kháng chiến chống Pháp, ông Toàn được bổ nhiệm làm Trưởng Bình dân học vụ liên khu 10 gồm các tỉnh: Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc ngày nay), Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, sau thêm Sơn La, Lai Châu và phía miền Bắc của tỉnh Hòa Bình. Ông đưa gia đình lên Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ sinh sống để tiện cho công việc.
Những ngày trong tuần, bố đi làm, ông Thái cùng 5 anh chị em ở nhà với mẹ, ăn cơm độn chuối xanh. "Cả nhà thương bố vất vả, lo việc chung của đất nước. Cứ thứ bảy, chủ nhật bố về, mẹ con chúng tôi đều xới cơm để bố ăn trước, còn mình ăn cơm độn. Nhưng bố lắc đầu bảo mẹ con sao thì bố vậy rồi cả nhà ăn cùng nhau", ông Thái nhớ lại.
Buổi tối, mấy anh chị em ông Thái thường làm phụ tá, cùng bố chuẩn bị sách vở cho các buổi dạy bình dân học vụ. "Những hôm dạy xa, bố đi xe đạp, gần thì đi bộ. Tôi nhớ bố nói dạy mệt, nhưng rất vui vì giúp bà con biết chữ", ông Thái kể.
Trong hoàn cảnh kháng chiến, thiết bị dạy và học đều thiếu, ông Toàn chỉ đạo sản xuất giấy, mực, phấn bằng nguyên liệu địa phương; tổ chức biên soạn, in sách giáo khoa bằng tiếng của ba dân tộc ít người gồm Mường, Tày, Thái. Trong thư khen ngợi ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Tôi rất vui lòng nghe đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý về, báo cáo rằng nhân viên giáo dục và học sinh khu 10 khá hoạt động và có nhiều sáng kiến tham gia công cuộc kháng chiến".
Năm 1949, khi ông Nguyễn Công Mỹ, Tổng giám đốc Nha Bình dân học vụ, hy sinh trên đường công tác, ông Toàn được giao đảm nhiệm chức vụ này. Trong hai năm 1949-1950, ngành giáo dục đã đẩy mạnh chiến dịch xóa mù chữ ở các vùng tự do, đạt kết quả tuyệt đối tại bốn tỉnh Hà Tĩnh, Thái Bình, Ninh Bình và Hà Nam, giúp cả nước thêm 3 triệu người biết chữ.
Được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng bằng khen và 2.000 đồng tiền thưởng, khoản tiền rất có giá trị khi đó, ông Toàn dùng tiền để xuất bản cuốn sách Vần quốc ngữ bằng tiếng Thái, còn lại dùng trong chiến dịch 1956-1958 thanh toán nạn mù chữ ở 21 tỉnh miền núi phía Bắc sau chiến thắng Điện Biên Phủ.
Khi kết thúc hai chiến dịch 1949-1950 và 1956-1958, Ban lãnh đạo Trung ương thanh toán nạn mù chữ do ông Tôn Đức Thắng làm Trưởng ban, ông Vương Kiêm Toàn là ủy viên thường trực, đã tuyên bố với cả nước: "Vùng đồng bằng và trung du miền Bắc đã căn bản xóa xong nạn mù chữ. Từ nay nhân dân miền Bắc đã có điều kiện để học tập văn hóa chính trị và kỹ thuật thuận lợi hơn, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà".
Sau 10 năm đảm nhận Tổng giám đốc Nha bình dân học vụ, ông Toàn đi học trường Chính trị cao cấp rồi chuyển sang làm thanh tra Bộ Giáo dục.
Ông Nguyễn Phong Niên, sinh năm 1936, cấp dưới của ông Toàn lúc bấy giờ, ấn tượng với người cấp trên hiền lành, tốt bụng, gần gũi đồng nghiệp và người dân. Mỗi lần được thưởng hoặc có quà, ông Toàn đều chia cho mọi người, giữa đồng nghiệp với nhau gần như không có khoảng cách. "Anh em thanh niên chúng tôi gọi ông là Bông papa, ví như người cha tốt, tận tụy. Ông sống rất gần người nghèo, làm giáo dục tâm huyết cả một đời", ông Niên nhớ lại.
Về hưu năm 1964, ông Toàn cùng gia đình từ Phú Thọ về sống tại phố Phùng Khắc Khoan, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, tiếp tục làm giáo dục. Ông tham gia các đoàn, hội, dành thời gian kiểm tra việc học của học sinh, đẩy mạnh phong trào học tập tại địa phương, đồng thời biên soạn cuốn sách Hội truyền bá quốc ngữ và phong trào chống giặc dốt của nhân dân ta trước Cách mạng tháng Tám, Việt Nam chống nạn thất học.
Trong trí nhớ của các con, ông Toàn thường mặc chiếc áo vải đã sờn, đạp xe đi dự hội nghị, động viên học sinh trong quận. Khi nhà nước đề nghị tặng nhà, ông Toàn từ chối, bằng lòng với cuộc sống tại khu phố Phùng Khắc Khoan cùng gia đình. "Bố rất tiết kiệm, chẳng bao giờ mua gì cho mình, tiền thưởng đều giữ lại để xây thư viện cho thiếu nhi", ông Thái nhớ lại.
Sau khi vượt qua bạo bệnh năm 1977, ông Toàn tiếp tục đi thăm các lớp bình dân học vụ, viết sách báo. Ông được Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng nhất, Tổ chức UNESCO đề cử danh dự giải thưởng quốc tế về xóa nạn mù chữ Krupskaya và tặng bằng khen về sự nghiệp xóa nạn mù chữ vào năm 1983. Ông qua đời năm 1990, hưởng thọ 88 tuổi.
Ông Doãn Mậu Côn, cán bộ Bộ Nội vụ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhận xét ông Vương Kiêm Toàn là "chiến sĩ diệt dốt", nhà giáo dục tiêu biểu, nhiệt thành. "Nửa thế kỷ liên tục cống hiến sức lực và tâm trí cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là nạn xóa mù chữ và bổ túc văn hóa nói riêng, cụ Vương Kiêm Toàn luôn phấn đấu không mệt mỏi, xứng đáng được ghi nhận", ông Côn viết trong tác phẩm "Cụ Vương Kiêm Toàn, một nhà giáo dục người lớn tiêu biểu".
Thanh Hằng - Dương Tâm